05/10/2024 11:08 GMT+7

Mùa chạy sóng ở đê biển Tây

Từ tháng 8 dương lịch đến cuối năm, gió mùa tây nam trên biển thổi trực diện vào đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Mùa chạy sóng ở đê biển Tây - Ảnh 1.

Nhiều nhà của người dân ven biển Cà Mau bị sóng đánh hư vách, thậm chí sập đổ - Ảnh: THANH HUYỀN

"Sống ở đây làm ngày nào ăn ngày đó, đâu có tiền. Mỗi đợt sóng đánh tan hoang đồ đạc, có khi sập nhà, phải đi dọc mé biển để lượm cây cất lại nhà. Mà mỗi lần cất lại cũng tốn hơn chục triệu đồng, phải vay mượn khắp nơi", chị Nguyễn Hằng Ni, người dân ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, kể nỗi khổ chạy sóng biển.

Từ tháng 8 dương lịch đến cuối năm, gió mùa tây nam trên biển thổi trực diện vào đê biển Tây tỉnh Cà Mau. Những nơi chưa có kè hoặc kè tạm bợ sẽ bị sóng đánh thẳng vào rừng phòng hộ hoặc chân đê làm mất đất, mất rừng, hư hỏng nhà cửa gây khốn khổ cho người dân.

Phập phồng lo sợ

Đê biển Tây đi qua tỉnh Cà Mau xuất phát từ Kênh Năm, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân và kết thúc tại Kênh Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Đến nay, Cà Mau đã cứng hóa bê tông mặt đê được khoảng 51km, còn lại 57km vẫn còn đê đất để chống nước biển tràn.

Nhiều đoạn mất đai rừng phòng hộ, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê, đe dọa an toàn đê và hàng trăm ngàn ha đất sản xuất của người dân.

"Nhiều đợt triều cường lên cao, sóng biển xô vào bờ và tràn qua thân đê, rất nguy hiểm. Chúng tôi đang thực hiện chủ trương nâng cao kè biển.

Một số đoạn có khả năng nước tràn qua đê thì làm các con trạch nhỏ trên thân đê để hạn chế nước tràn khi có sóng to, gió lớn", ông Bùi Văn Đông, hạt trưởng Hạt quản lý đê điều tỉnh Cà Mau, trăn trở.

Toàn tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau còn hơn 500 hộ dân trong bốn cụm dân cư ngoài đê. Khi triều cường dâng cao kèm theo gió mạnh, mưa bão là sóng biển dữ dội quật vào khiến cuộc sống người dân đảo lộn, đứng ngồi không yên.

Thậm chí nhiều đoạn đê kiên cố, có bờ kè chắn sóng nhưng khi gió to, sóng lớn cao đến hơn 2m trong khi kè có những đoạn chỉ 1,6m nên sóng vẫn vượt qua kè, khoét sâu chân đê hoặc đập thẳng vào nhà dân.

Mùa chạy sóng ở đê biển Tây - Ảnh 2.

Nhiều nhà dân ở ấp Mũi Tràm B (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) bị sóng đuổi chạy đến sát chân đê biển Tây - Ảnh: THANH HUYỀN

Ông Nguyễn Hoàng Lanh (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) sống ven đê khoảng 20 năm nay (đoạn đã có kè) nhưng phải cất lại nhà sáu lần do bị sóng đánh sập.

Ban đầu ông Lanh sống xa ngoài mé biển, cách nhà hiện tại gần 300m. Nhiều lần bị sóng đuổi, ông phải dời nhà sâu vào đất liền nhưng sóng gió vẫn chưa tha mỗi mùa mưa bão đến.

Nói lý do không đi nơi khác sinh sống, ông cho rằng không có đất đai, cảnh nghèo đeo bám nên không có lựa chọn khác, chỉ biết bám biển để sống bằng nghề cá. Những khi sóng to gió lớn, ông chỉ biết cầu trời!

Gần đó, ông Võ Thanh Sang cũng ở xã Khánh Bình Tây, ngồi trong căn nhà xập xệ, kể nỗi niềm khổ sở nhà cửa phải sửa lại hoài. Mỗi lần sóng đánh tràn, nước dâng cao khoảng 1m so với nền nhà. Nước lên nhanh, chỉ khoảng 15 phút là sóng đánh tới nhà.

"Lúc đó chỉ kịp khóa cửa cho đồ đạc đừng trôi, chạy thoát thân còn không kịp nói chi đến việc cứu tài sản. Giờ chỉ còn quạt gió treo vách nhà là không ướt. Bộ ván cũng phải làm chân cao lên, có gì để tạm đồ trên đó.

Không phải mình không chuẩn bị. Cứ gần đến lúc gió mùa tây nam hoạt động mạnh thì mình kê đồ đạc lên, vật dụng giá trị như tivi, tủ lạnh cũng kê cao hơn nền nhà nhưng thời tiết bất thường, không theo quy luật nào cả, nên cứ bị thiệt hại tài sản hoài", ông Sang than.

Mùa chạy sóng ở đê biển Tây - Ảnh 3.

Đồ trong nhà phải buộc dây lại, nếu không sẽ bị sóng đánh trôi ra biển nhưng chiếc tủ lạnh này vẫn ngập nước biển - Ảnh: THANH HUYỀN

Mong có miếng đất "cắm dùi"

Còn chị Nguyễn Hằng Ni, 41 tuổi (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), trên mặt hằn nhiều nỗi lo âu.

Không lo sao được khi nhà năm miệng ăn đều phụ thuộc thu nhập từ đi biển của đứa con trai lớn. Chồng chị, anh Nguyễn Minh Vũ, trước đây cũng đi biển nhưng do bệnh thoái hóa đốt sống nên vài năm nay anh chỉ còn vịn cây đi lại trong nhà.

"Bình thường mình trông con và đi lựa tôm cá cho các ghe, kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Mẹ tôi ở cặp bên vách nhà cứ lo lắng mỗi khi gió mùa tây nam về. Sóng đánh vào vách nhà nên bà đâu ngủ được, cứ treo võng lên hai cây cột nhà rồi vái trời vái đất.

Khi còn sống, ước mơ lớn nhất của mẹ là có miếng đất cất nhà ở nhưng đến chết mẹ tôi cũng chưa có được miếng đất để chôn, rồi đến tôi cũng vậy quá", chị Ni chùng giọng kể hoàn cảnh.

Gần nhà chị Ni, bà Huỳnh Thị Hồng Hoa, 61 tuổi, ló đầu ra cửa sổ nhìn thăm dò. Khi biết là phóng viên, bà nghẹn giọng cho biết sống nơi đây mấy chục năm rồi. Bà nuôi mẹ già 85 tuổi, tay chân yếu và rất sợ sóng đánh vào vách nhà. Những lúc như vậy bà Hoa chỉ kịp cõng mẹ chạy lên đê, tìm nhà lánh tạm.

Mùa chạy sóng ở đê biển Tây - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Hằng Ni (bên trái) và bà Huỳnh Thị Hồng Hoa (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), khóc nức nở kể hoàn cảnh gia đình khi phải khổ sở chạy sóng - Ảnh: THANH HUYỀN

"Nhà nghèo, có cá ăn cá, có rau ăn rau, được ở cạnh mẹ là hạnh phúc, chỉ khổ nhà cửa thường xuyên bị ngập nên không yên tâm để mẹ ở lại, đành gửi mẹ lên thành phố ở với đứa em. Nhưng nhà trên đó chật hẹp, ngột ngạt nên mẹ hay đòi về.

Mỗi khi nghe mẹ nói khi nào có nhà ổn định, không chạy sóng nữa thì rước mẹ về nghen con mà lòng cầm không đặng", bà Hoa trải lòng.

Cũng đang phải ở nơi thường bị sóng gió quật tả tơi, chị Nguyễn Thị Cẩm lắc đầu, than thở: "Mỗi lần nước lên là sóng đánh thẳng vào nhà, vách tôn, bàn ghế, tủ đều bị sóng đánh hư.

Kính vỡ vương vãi khắp nơi, mẹ con phải ôm nhau tháo chạy. Mới hơn 10 năm nhưng đã trải qua bốn xác nhà. Cũng muốn đến khu tái định cư ở nhưng vào đó xa biển chưa biết phải làm gì để sống".

Mùa chạy sóng ở đê biển Tây - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Cẩm dọn dẹp lại căn nhà bị sóng đánh tan hoang - Ảnh: THANH HUYỀN

Sạt lở bờ biển Cà Mau rất nghiêm trọng

"Bờ biển Cà Mau có 254km thì trong đó 188km sạt lở, tỉnh đã huy động các nguồn lực kè gần 100km. Đối với bờ biển Tây đã cơ bản khắc phục được những điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cơ bản giữ được đê.

Tuy nhiên, trong thời gian qua một số vị trí đê biển không còn cây rừng thì sóng đánh trực tiếp vào mái đê. Ở một số điểm, khi triều cường dâng cao cục bộ vẫn có nơi sóng tràn qua đê nên chúng tôi thả rọ đá để khắc phục tình trạng nước tràn qua đê.

Hiện nay chúng tôi đã và đang làm một số khu tái định cư phía trong đê để đảm bảo cho người dân. Tuy nhiên vẫn còn một số người dân bám ngoài đê để sinh sống, khai thác thủy sản.

Các khu tái định cư cơ bản đáp ứng để người dân vào ở nhưng sinh kế một số nơi còn gặp khó khăn do không bố trí được quỹ đất cho họ sản xuất, chỉ vào ở phát triển ngành nghề khác nên góc độ sinh kế còn gặp khó ", ông Phan Hoàng Vũ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết.

Một số năm gần đây ở Cà Mau triều cường lúc sóng gió cao trung bình từ 2,5 - 2,6m, có thời điểm còn cao hơn trong khi ở những tuyến đê biển Tây chưa được nâng cấp thì nơi cao nhất chỉ khoảng 1,6m.

Dân cư sống ven biển thường là lao động nghèo nên nhà cửa tạm bợ, không kiên cố, dễ bị tác động bởi thiên tai.

Mùa mưa bão đang bước vào cao điểm, đê biển Tây oằn mình gánh chịu những đợt sóng to ập đến, người dân đang phập phồng nỗi lo chạy sóng. Các ngành chức năng cũng đang nỗ lực để gia cố các bờ kè, con đê ứng phó với thiên tai.

Mùa chạy sóng ở đê biển Tây - Ảnh 4.Trồng 120.000 cây mắm tại Cà Mau chống sạt lở đê Biển Tây

Chương trình 'Hành động vì một Việt Nam xanh' đã triển khai trồng 120.000 cây xanh tại Cà Mau để chống sạt lở đất, bảo vệ môi trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên