Phóng to |
Tàu Lilium đang bôc hàng tại cảng Sài Gòn |
9g30 ngày 16-8-2004, trên tọa độ 02037’10N - 105003’82E, hải trình Việt Nam – Singapore, biển động nhẹ cấp 6. Lê Bá Thành, thuyền trưởng tàu hàng hạng nặng Lilium, đang thong thả bỏ thêm đường vào tách cà phê sáng. Ông thở ra khoan khoái vì mọi việc đều trôi chảy như kế hoạch. Chỉ còn khoảng 120 hải lý nữa tàu sẽ vào luồng Singapore. Mọi người sẽ được nghỉ ngơi đôi chút.
Phóng to |
Bản đồ: dấu X là điểm Minh bị mât tích |
Bất ngờ thợ cả Phạm Quang Trung hớt hải chạy lên cấp báo: sĩ quan điện trưởng Nguyễn Đắc Minh bị mất tích bí ẩn. Ngay sau đó còi báo động được phát ra. Mọi người đều được huy động đi lục soát, tìm kiếm toàn tàu từ trên boong, buồng máy, hầm hàng, kho lạnh, phòng ở, tủ cá nhân... Tại phòng riêng của Minh, cửa vẫn mở, đồ đạc còn nguyên nhưng anh thì biệt tích không để lại dấu vết.
Cuối cùng, thủy thủ đoàn và các sĩ quan tập trung họp bàn đưa ra các giả thuyết mất tích của Minh để có kế hoạch tìm kiếm chính xác. Người thì hốt hoảng, căng thẳng. Người thì lo âu, buồn bã. Riêng thuyền trưởng Thành cố giữ nét mặt bình tĩnh nhưng trong đầu cực kỳ căng thẳng. Đây là lần đầu tiên trong đời đi biển của ông gặp phải chuyện hi hữu đáng buồn này.
Ông điện báo về TP.HCM, Hải Phòng, các trung tâm cứu hộ hàng hải, kể cả lực lượng tuần duyên Singapore và các tàu đang đi lại trong vùng biển. 10g50 ngày 16-8-2004, tàu Lilium đánh vòng mũi quay ngược hải trình, bắt đầu cuộc tìm kiếm cầu may trên mặt biển mênh mông...
Mở lại nhật ký hải trình, tàu Lilium có chủ là Glory Chartering Pte Ltd, và Gemartrans làm công ty khai thác. Sau khi lên 135 container hàng tại cảng Sài Gòn, sáng 14-8-2004 tàu rời bến đi Singapore. Toàn bộ sĩ quan và thủy thủ đoàn gồm 21 người. Ngoài thuyền trưởng Thành, tốt nghiệp Đại học Hàng hải Hải Phòng, đã từng đi biển 21 năm, còn có các thuyền phó 1, phó 2, phó 3 là Lê Thanh Bình, Phan Trọng Khanh, Phạm Bá Chính cũng rất dày dạn kinh nghiệm đi biển. Trong thủy thủ đoàn, người lớn tuổi nhất sinh năm 1950, trẻ nhất sinh năm 1984 và hầu hết đều có quê ở các tỉnh phía Bắc.
Phóng to |
Ảnh dưới: Gia đình đầm ấm của anh Minh ở Hải Phòng |
Phòng có một giường nằm, khu vực vệ sinh cùng các vật dụng sinh hoạt riêng. Từ phòng này, muốn ra lan can tàu phải đi qua hành lang dài khoảng 12m và một lớp cửa thứ hai. Công việc của anh là kiểm tra, sửa chữa điện trên tàu và chịu sự chỉ huy trực tiếp của máy trưởng Đặng Minh Tiên.
10g25 ngày 14-8-2004, mọi người vào vị trí của mình. Tàu Lilium khởi động máy, hướng ra cửa sông Sài Gòn. Đường không đi như trước đây mà về phía nam, ngang qua Côn Đảo rồi hướng thẳng đến Singapore với tổng hải trình dài khoảng 600 hải lý. Ngày đầu tiên mọi việc trên tàu vẫn diễn biến bình thường. Công việc chia theo ca. Ai làm việc nấy, đến giờ nghỉ thì ăn cơm tại câu lạc bộ, rồi về phòng riêng của mình.
Trong ca trực của Minh, một số người, trong đó có thuyền phó 1 Phạm Bá Chính, vẫn thấy anh cầm máy đo nhiệt, đi làm việc trên mặt boong. Khoảng 0g ngày 16-8-2004, Chính ra ca, đi từ buồng lái xuống cầu thang tầng dưới còn gặp Minh mặc thường phục, đội mũ bảo hộ đi từ dưới lên. Hai người gật đầu chào nhau. Sắc mặt Minh bình thường. Lúc này tàu đang vượt qua một cơn dông nhẹ với tốc độ 11 hải lý/giờ.
Đến hơn 8g ngày 16-8-2004, thuyền trưởng Thành đang làm việc trên cabin thì phát hiện một trục trặc nhỏ về điện. Anh kêu thợ cả Trung đi tìm Minh. Khoảng 9g30, Trung cùng thợ máy Hoành quay lại báo không thấy Minh đâu. Công việc tìm kiếm Minh trên toàn tàu được thực hiện.
Theo giả thuyết Minh có thể rớt xuống biển vào khoảng giữa đêm, ở tọa độ 04040N - 105041E, thuyền trưởng Thành quyết định cho tàu quay lại tìm kiếm với sơ đồ hình vuông phát triển của cứu hộ hàng hải. Trên mũi và hai mạn tàu, bốn đèn cao áp 1.000W, bốn đèn an ninh halogen, bốn đèn cargo và đèn chớp đều được bật sáng trong khi các thuyền viên căng mắt quan sát cùng với hai rađa tầm gần.
Quay nhiều vòng tìm mãi không thấy, tàu chuyển sang tọa độ 04045N - 105050E tiếp tục tìm kiếm nhưng vẫn vô vọng... Đến 10g ngày 17-8-2004, thuyền trưởng Thành quyết định cho tàu trở lại hải trình đi Singapore trong khi vẫn tiếp tục quan sát tìm kiếm, còn nhân viên điện đài trực cứ 30 phút lại phát tín hiệu nhờ các tàu lân cận khu vực lưu ý giúp đỡ tìm người trên biển.
10g30 ngày 18-8-2004 tàu Lilium vào cảng Jurong, Singapore. Lực lượng tuần duyên, bảo vệ bờ biển Singapore lập tức lên kiểm tra, lập biên bản mất tích theo qui tắc hàng hải quốc tế, trước khi cho làm thủ tục hải quan và nhập cảnh. Sau đó, trong lúc bốc dỡ hàng, công việc tìm kiếm người lại được thực hiện lần nữa trên toàn tàu nhưng Minh vẫn mất tích bí ẩn...
Điện trưởng Minh đã mất tích như thế nào?
Hung tin được Công ty Gemartrans thông báo đến gia đình nạn nhân ở Hải Phòng lúc 10g ngày 17-8-2004. Sau đó cha, anh, chị và vợ Minh là Đỗ Bích Thu đã cấp tốc bay vào TP.HCM gửi đơn cầu cứu khắp nơi.
Nguyễn Đức Minh sinh năm 1961, quê Thái Nguyên, học Đại học Hàng hải Hải Phòng năm 1979 và có biết thuyền trưởng Thành lúc đó đang còn học khóa trước. Ra trường Minh theo nghề đi biển, đến năm 1995 thì lập gia đình với chị Đỗ Bích Thu là giáo viên tiểu học ở Hải Phòng. Hai người có với nhau một con gái 9 tuổi và con trai 4 tuổi. Minh đi tàu biển, xa nhà thường xuyên nên rất yêu thương gia đình.
Minh không uống được rượu bia và sống hiền lành hòa thuận. Các đồng nghiệp cho biết ít khi nào thấy anh mâu thuẫn, giận dỗi ai. Năm 2003, Minh và thuyền trưởng Thành còn đi chung tàu Jaya Mars chở hàng tuyến TP.HCM – Singapore. Đến năm 2004 thì họ chuyển sang tàu Lilium. Tuy nhiên, trước chuyến hải trình định mệnh này, Minh có nghỉ mấy tháng để lo mua và sửa sang nhà mới ở Hải Phòng. Gần đây anh đã vài lần tâm sự với gia đình là bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với nghề đi biển. Tương lai nếu được, anh có thể sẽ chuyển nghề lên bờ...
Trước hôm thực hiện chuyến hải trình cuối cùng, Minh bay thẳng từ Hải Phòng vào TP.HCM với tâm trạng khá thoải mái. Anh nghỉ trưa tại nhà số 72 Huỳnh Tịnh Của, quận 3, chiều đi loanh quanh một mình. Buổi tối, anh và bốn người cháu sống ở TP.HCM còn đi ăn tối tại một nhà hàng hải sản quận 1, rồi anh về nhà người bạn tên Sơn(?) xem đá bóng và ngủ qua đêm. Đầu giờ chiều 13-8-2004, sau khi từ chối lời mời nán lại để dự sinh nhật cháu, anh được người cháu trai tên Nguyễn Lương Bằng chở ra bến cảng. Hành lý của anh chỉ có một giỏ xách và balô đeo vai.
Sau khi phát hiện Minh bí ẩn mất tích, phòng riêng của Minh cũng được kiểm tra cẩn thận với sự đồng chứng kiến của thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ trưởng... Hầu như tất cả đồ đạc riêng của anh gồm giỏ xách, quần áo, tài liệu học tập, thuốc men, đồng hồ, điện thoại di động vẫn còn.
Ngoài ra, những giấy tờ quan trọng cho nghề viễn dương như hộ chiếu, chứng chỉ sĩ quan điện, giấy tiêm chủng quốc tế, thẻ thuyền viên, bằng lái xe, giấy chứng minh nhân dân vẫn xếp gọn trong bao nilông. Đặc biệt, trong túi quần của anh còn 3.729 đôla Mỹ, 78 đôla Singapore, trong ngăn kéo bàn viết riêng có 1,643 triệu đồng tiền mặt, một thẻ tài khoản cá nhân, một hóa đơn nộp tiền mặt trị giá 30 triệu đồng ở Ngân hàng Hàng Hải VN.
Nhiều giả thuyết về trường hợp mất tích của Minh được đặt ra trên cơ sở phân tích khác nhau. Trong đó khả năng rớt xuống biển được tính đến đầu tiên. Đây là tình huống dễ xảy ra trong lý thuyết hàng hải, nhưng lại rất khó xảy ra với một người 20 năm kinh nghiệm đi biển trên nhiều con tàu, nhiều hải trình, nhiều điều kiện thời tiết khác nhau như Minh.
Đặc biệt, ngay cả trong sinh hoạt trên tàu, Minh cũng không quên các vật dụng nhỏ nhất, chứng tỏ anh là một người rất nghiêm túc, cẩn thận. Hơn nữa, trong khoảng thời gian anh mất tích, biển không động mạnh và anh cũng không có lý do để ra mạn, mũi tàu.
Giả thuyết kế tiếp là Minh đi vượt biên. Các sĩ quan, thủy thủ đoàn không loại trừ tình huống này, nhưng họ cũng cho rằng khó có cơ sở xảy ra.
Thứ nhất vì vùng biển này còn cách đầu luồng Singapore 200 hải lý, cách hòn đảo gần nhất của Indonexia 85 hải lý, cách giàn khoan Malaysia 25 hải lý và mọi áo phao, thuyền bè cứu sinh trên tàu vẫn còn đủ.
Thứ hai, nếu Minh vượt biên, anh không thể để lại những thứ rất cần thiết như hộ chiếu, tiền nong. Riêng chúng tôi cũng đã đặt giả thuyết này ra với gia đình anh Minh. Họ tỏ ra khá ngạc nhiên: “Nếu chồng tôi có ý đi thì đã đi từ lâu rồi, và ở ngay trên hải cảng của những nước phát triển chứ không đến nỗi phải mạo hiểm giữa biển khơi. Với lại chúng tôi cũng mới mua nhà cửa, đầu tư tương lai, gia đình tôi không nợ nần, không dính líu luật pháp, lại có nghề nghiệp, thu nhập khá, bỏ đi để làm gì?”.
Giả thuyết thứ ba mà chúng tôi đặt nặng là Minh có mâu thuẫn, bị thủ tiêu trên tàu, rồi vất xác xuống biển. Và đây là phần chất vấn với chính thuyền trưởng cùng thuyền phó tàu Lilium:
* Rất có thể sĩ quan Minh đã bị thủ tiêu bởi lúc đó là ban đêm, mỗi người lại ngủ một phòng, nếu xảy ra chuyện này rất khó phát hiện? Đặc biệt có dấu rạch trên giỏ xách của Minh?
- Thuyền trưởng Lê Bá Thành: Chúng tôi không loại trừ khả năng này, nhưng thật sự khó tìm thấy nguyên nhân. Minh là người hiền lành. Đồ đạc quí giá của anh cũng đâu bị mất.
* Có thể các anh không biết?
- Thuyền phó Phạm Bá Chính: Đi biển, việc giữ gìn nội qui rất quan trọng, và đó là trách nhiệm của chúng tôi. Nếu xảy ra mâu thuẫn chúng tôi sẽ giải quyết hoặc cho lên bờ ngay để tránh sự quẫn trí, gây nguy hiểm cho anh em, cho tàu. Với lại mới hành trình có một ngày, ai lo việc nấy, ở phòng nấy, làm sao nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến giết người nhanh như vậy được?
* Có dấu vết nào để các anh đặt nặng về một giả thuyết?
- Thuyền trưởng Lê Bá Thành: Chúng tôi quan tâm đến cả ba giả thuyết. Còn trách nhiệm cuối cùng là của cơ quan điều tra. Họ sẽ trả lời.
* Nếu cuối cùng họ cũng không tìm ra?
- Thuyền trưởng Lê Bá Thành: Thì đó lại là một vụ mất tích bí ẩn trên đại dương.
Nguyễn Thái Sơn - phụ trách thuyền viên, Công ty Gemartrans: “Chúng tôi đã gửi hồ sơ vụ việc đến Văn phòng Bộ Công an ở phía Nam. Họ đang điều tra. Còn bao giờ có kết quả thì khó nói trước được. Vụ mất tích này xảy ra trên hải phận quốc tế, lại quá hi hữu ở VN. Hiện gia đình anh Minh vẫn được lĩnh lương dự trữ của anh và được hưởng các chế độ khác. Sau đó bảo hiểm sẽ tính theo qui định của họ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận