10/06/2014 03:23 GMT+7

Một tổn thất của ký ức

TRẦN ĐỨC TÀI
TRẦN ĐỨC TÀI

TT - LTS: Rạng sáng 9-6, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi gần 1/3 công trình cổ có kiến trúc độc đáo tại Đà Lạt: tòa nhà Cục Bản đồ - vốn trước đây là Nha địa dư Đông Dương, nay là Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt.

9pZKkNoA.jpgPhóng to
Hiện trạng tòa nhà Cục Bản đồ Đà Lạt sau trận hỏa hoạn - Ảnh: Mai Vinh
s4RHhTJx.jpg
1/3 tòa nhà Cục Bản đồ bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn rạng ngày 9-6 - Ảnh: Phạm Phước

1/3 tòa nhà cổ Cục Bản đồ Đà Lạt bị thiêu rụi giữa khuya

Đây là nơi in ấn, lưu trữ nhiều tài liệu quý của ngành bản đồ VN, đồng thời chứa cả một phần ký ức đầy cảm xúc của người Đà Lạt và cả du khách trong và ngoài nước. Nhà nhiếp ảnh Trần Đức Tài - một người yêu Đà Lạt - vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết.

Vụ cháy lớn thiêu rụi một phần ba tòa nhà Cục Bản đồ thuộc Bộ Quốc phòng, nơi là nhà máy in, không chỉ đơn thuần là một thiệt hại vật chất. Với người dân Đà Lạt, những người vốn quen gọi nơi này bằng cái tên xưa “nha địa dư” là một tổn thất của ký ức.

Xây dựng cùng một giai đoạn phát triển nhất của Đà Lạt trước 1945, nha địa dư cùng nhà ga và Trường Lycée Yersin (nay là Cao đẳng Sư phạm) ở ba vị trí gần nhau và cho tới nay vẫn là dấu ấn đứng vững với thời gian về thời kỳ hình thành đô thị châu Âu thu nhỏ trên cao nguyên này. Một phần ba tòa nhà này bị thiêu rụi bên trong, và một trong hai mái ngói đặc trưng cho một phong cách kiến trúc đẹp đã sụp đổ toàn bộ.

Thông tin và hình ảnh về vụ hỏa hoạn lan truyền nhanh trên Facebook lập tức khiến những người Đà Lạt phương xa và những người phương xa yêu mến Đà Lạt nhanh chóng chia sẻ nhau niềm thổn thức. Một người bạn gốc Đà Lạt hiện đang ở Mỹ bình luận trên Facebook: “Đau lòng vậy! Nơi đây đã là kỷ niệm của mình bao nhiêu năm về trước. Bố mình, ông cụ đã làm việc ở đây những năm 1960...”. Một người bạn phương xa từng ở Đà Lạt vừa về thăm lại nơi này đã thẫn thờ: “Mình vừa đi qua và ngắm ngôi nhà ấy ba ngày trước”. Tất cả những bình luận đều có chung một lời: “Tiếc quá!”. Chỉ còn những tường đá kiên cố đứng sững với những ô cửa sổ vỡ hết kính, trống hoác như một phần quá khứ đột nhiên bị tước đoạt, một phần ký ức bị xóa bỏ, và bao kỷ niệm lập tức tràn về cố chắp vá, hàn gắn lại hình hài dĩ vãng.

Với tôi, cái thiệt hại của vụ hỏa hoạn này là một mất mát lớn lao có tầm lịch sử. Rồi tòa nhà này cũng sẽ được cải tạo hoặc phục chế để tiếp tục chức năng. Nhưng với những người gắn bó cùng Đà Lạt thì lịch sử của thành phố cao nguyên vốn đã nhiều mai một giờ lại có thêm một vết sẹo...

* Thượng tá VŨ ĐÌNH HỢI (giám đốc Cục Bản đồ Đà Lạt):

Không có tài liệu quý bị mất

Những quy định bảo quản tài liệu của quân đội đã giúp chúng tôi không bị thiệt hại dữ liệu trong trận hỏa hoạn. Cần nói rõ những tài liệu quan trọng liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia chúng tôi đã chuyển giao Bộ Quốc phòng quản lý theo những tiêu chí bảo vệ tuyệt mật và độ an toàn cao. Đối với những bản đồ quý, tài liệu quý liên quan đến Đà Lạt, chúng tôi bảo quản ở vị trí khác tuân theo những tiêu chí bảo mật và bảo vệ của quân đội nên sau trận hỏa hoạn mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. Vị trí xảy ra vụ hỏa hoạn đơn thuần là nơi làm việc của nhân viên, không phải nơi lưu trữ như dư luận đồn đoán.

Về việc có phục hồi hiện trạng căn nhà theo lối kiến trúc ban đầu hay không thì phải đợi ý kiến từ Bộ Quốc phòng, vì đây là tòa nhà hoàn toàn do Bộ Quốc phòng quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, tôi nghiêng theo giải pháp phục hồi công trình theo kiến trúc ban đầu vì đây là kiến trúc đẹp, độc đáo. Dù đây là một tai nạn bất khả kháng, một vụ hỏa hoạn mà lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã huy động hết lực lượng mới có thể hạn chế được thiệt hại ở mức chấp nhận được (hư hại 1/3 tòa nhà - PV), nhưng với tư cách là đơn vị sử dụng công trình kiến trúc cổ, tôi rất buồn và chia sẻ với những người yêu Đà Lạt.

M.VINH - P.THÀNHghi

Viên ngọc quý của Đà Lạt

Theo tài liệu của Công ty Địa trắc bản đồ (Bộ Quốc phòng), công trình kiến trúc này ban đầu có tên Nha địa dư Đông Dương do người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1938-1943. Sau Hiệp định Genève 1954, công trình được đổi tên thành Nha địa dư quốc gia. Năm 1975 thì có tên gọi mới là Nha địa dư Đà Lạt, Xưởng in 2, Nhà máy in 2 Đà Lạt và nay là Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt. Hiện nay xí nghiệp gồm các phòng đo đạc, đo vẽ ảnh, biên vẽ, tạo mẫu chế bản in, chế in và nhà in.

Nhà nghiên cứu Lê Phỉ nhận định: “Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt là tòa nhà mang đậm đặc trưng kiến trúc miền nam nước Pháp, được thiết kế theo kiểu mái dốc, hai đầu tòa nhà có hai chóp. Toàn bộ phần tường được xây bằng đá và vôi. Riêng kết cấu mái và sàn nhà bằng gỗ. Đặc biệt hơn, đây là một kiến trúc nằm trong trục kiến trúc kéo dài bao gồm thêm Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và ga Đà Lạt. Tòa nhà này có một không hai tại VN, đó là công trình của cả Đông Dương rất kiên cố cho đến thời điểm này nên khi hay tin nó cháy, tôi vô cùng hốt hoảng bởi đây là một phần của biểu tượng, viên ngọc quý của Đà Lạt”.

Theo ông Ngọc Lý Hiển - trưởng phòng quản lý di sản văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, Cục Bản đồ Đà Lạt là một trong bốn công trình kiến trúc cổ ấn tượng tại Đà Lạt (cùng với ga xe lửa Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, Trường Grand Lycée Yersin - Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay) nhưng chưa được công nhận là di sản kiến trúc. Ông Hiển giải thích: “Sau một thời gian, công trình này bị nhà dân xâm lấn gây hư hại cảnh quan nên không đạt các tiêu chí xếp loại của Bộ VH-TT&DL”.

MAI VINH - PHAN THÀNH

TRẦN ĐỨC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên