18/05/2017 10:08 GMT+7

Một thời xe cộ Sài Gòn rất nên thơ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Giữa không gian kẹt xe túi bụi và bài toán giao thông hóc búa của TP.HCM, tập sách Nhớ sao xe cộ Sài Gòn của Ngô Kế Tựu như một ngọn gió mát lành.

*** Error ***
Sách do Phương Nam và NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Đọc sách, tưởng như có thể tạm thời gác lại mọi bộn bề phiền tạp trước mắt để trở về một thời Sài Gòn hoa lệ, mà xe cộ của người dân cũng rất nên thơ...

Xa Sài Gòn để định cư ở Texas (Hoa Kỳ) từ 20 năm trước, nỗi nhớ quê trong Ngô Kế Tựu vẫn thôi thúc khiến anh không ngừng hồi tưởng về quê nhà.

Không chỉ nhớ suông, mỗi chuyến về nước hoặc những khi có dịp, anh tìm kiếm tư liệu, ghi chép hồi ức, sắp xếp các dữ liệu để “viết cái gì đó” về Sài Gòn.

Bốn năm trước anh ra mắt tập sách Nhà xưa Nam Bộ, và nay quyển Nhớ sao xe cộ Sài Gòn của anh chào đời, tiếp nối mạch cảm xúc và những ấp ủ nặng tình gửi gắm với quê hương.

Nói xe cộ không giản đơn chỉ là đề cập đến câu chuyện giao thông, qua những thông tin, tư liệu Ngô Kế Tựu khảo cứu được sẽ hình dung không gian đô thị Sài Gòn một thời qua lăng kính là hệ thống đường sá và các loại xe cộ.

Đây là một thú vị dành cho người đọc: Những loại xe từng tồn tại ở Sài Gòn và các câu chuyện đi cùng theo đó như bày ra trước mắt.

Đó là xe kéo xuất hiện và lụi tàn sớm muộn thế nào so với Hà Nội, là xe ngựa du nhập từ phương Tây trải nhiều phong cách, từ song mã sang trọng đến thổ mộ bình dân, rồi xe đạp, xích lô, xe lửa, xe lam, xe đò, xe điện, xe hơi...

Cả câu chuyện của sông nước Sài Gòn cùng những phận đời quanh con đò, bến phà, giang cảng và thương cảng. Rồi xe ôm, xe buýt, xe lôi; xe jeep thời chiến và xe hoa kiệu cưới, xe tang của người xưa và người nay...

Hóa ra chỉ nhìn từ một “trục” là xe cộ, mà Ngô Kế Tựu như thâm nhập cả hai chiều bao la và thẳm sâu của cư dân Sài Gòn.

Đọc, để thấy lòng chùng lại cùng kỷ niệm một thời của tác giả và người bạn học chung lớp: “Ông già tao tuy làm nghề lái phà, tính tình cục mịch vậy chớ đào hoa lắm nghe...

Say xỉn ổng lại hát hò ngâm thơ: Ngó lên trên chợ Thủ Thiêm / Thấy em đương đệm giắt ghim lên đầu. Không biết má tao ngày trước có đương đệm không mà ổng mê ổng cưới”.

Người bạn ôm niềm băn khoăn ấy chính là người mồ côi mẹ khi chưa lọt lòng, bởi mẹ anh làm nghề chèo đò đã bỏ mình trong chuyến lật đò giữa sông đêm, cảnh sát chỉ cứu được đứa con trong bụng...

Đọc, lại bắt gặp những từ ngữ Sài Gòn từ lâu không còn thấy hiện diện trong đời sống người dân nữa, như “phà chùi” là tên gọi cho loại phà gỗ có bửng sà phía trước, khi đến bến thì bửng chùi lên nền đất hoặc bãi cập sát bờ sông; và chiếc “xe tờ” là loại xe ngựa kéo, tiền thân của xe bưu điện, xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 còn lưu dấu trong câu ca: “Biên Hòa còn dạng xe tờ / Mới bày bảy giờ xe máy Tây Ninh”.

Nhà báo Phạm Công Luận, tác giả nhiều thiên khảo luận về Sài Gòn và là người có vai trò thúc giục Ngô Kế Tựu hoàn thành các trang viết, khi cầm trên tay quyển sách đã nhận xét rằng: “Nói cho cùng, những thứ gần gũi nhất của con người là cái nhà để ở và cái xe để đi...

Xét về mặt chọn đề tài, Kế Tựu đã lẩy ra được một khía cạnh thú vị để viết về Sài Gòn”.

Xung quanh cái sự tới lui xuôi ngược của xe cộ Sài Gòn có cả những nghiệt ngã của thị trường xe cộ.

Như câu chuyện buổi đầu thị trường xe máy ở Sài Gòn với sự lớn mạnh của xe máy Nhật đã đè bẹp một đại lý xe Puch của Áo, và kết cục là nhà kinh doanh Đặng Đình Đáng - người mang xe Puch vào Sài Gòn - đã phải nhảy cầu tự tử.

Nếu có một công trình nghiên cứu về lịch sử thị trường xe máy Sài Gòn, câu chuyện này đáng được ghi nhận như một “ca” cạnh tranh khốc liệt ngay từ buổi đầu.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên