Phóng to |
Hải đăng trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp trước Thế chiến thứ 2 được lưu tại phòng lưu niệm kỷ vật Hoàng Sa). |
Trong căn phòng bốn bề treo đầy những kỷ vật, tranh, ảnh của Hoàng Sa, ba cựu nhân viên khí tượng say sưa nói về những ngày "đo mưa đếm gió” trên đảo Hoàng Sa thân yêu.
Ba ông già ấy là Tạ Hồng Tấn, Võ Như Dân và Ngô Tấn Phát, tuổi đã ngoài 80. Trong đó, ông Tạ Hồng Tấn là một trong những người cuối cùng rời khỏi đảo vào một ngày không thể quên của năm 1974.
Ký ức
Mái tóc bạc phơ, ông Tấn chậm rãi nói: "Gặp lại anh em xưa, tôi thấy nhớ hòn đảo ấy quá chừng". Ông Tấn chỉ lên tấm bản đồ có chấm đỏ mang tên Hoàng Sa treo trên tường, bồi hồi nhớ lại.
Năm 20 tuổi, cậu thanh niên Sài Gòn Tạ Hồng Tấn được Nha Khí tượng Sài Gòn cử đi học nghiệp vụ một năm tại Cát Bi (Hải Phòng). Tốt nghiệp khóa học, ông Tấn được cử về phục vụ tại Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng. Đầu năm 1963, Nha Khí tượng Sài Gòn quyết định cử ông ra Hoàng Sa làm việc ở trạm quan trắc khí tượng.
Ông Tấn cười: "Đó là lẽ đương nhiên, không riêng gì tôi, tất cả những ai làm ở Nha Khí tượng đều ít nhất vài lần ra đảo". "Đúng 5g chiều, tại cảng Đà Nẵng, tôi cùng ba chuyên viên khí tượng, một kỹ sư vô tuyến điện và một phục vụ hậu cần lên tàu. Tàu chạy suốt đêm, đến 6g sáng hôm sau thì cập đảo Hoàng Sa".
Phóng to |
Đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1938, hiện được lưu tại phòng lưu niệm kỷ vật Hoàng Sa) |
Hoàng Sa ngày ấy là một hòn đảo vắng vẻ, chỉ dăm bụi cây cao chừng 3m. Rất ít chim và nước thì xanh trong. Trạm quan trắc khí tượng xây dựng kiên cố trên một điểm cao, ở đó có cả một tháp quan sát, đây cũng là nơi có ngọn hải đăng luôn được thắp sáng hằng đêm. Đồn lính thì nằm dưới chân đảo.
Mỗi ngày, trạm đều đặn quan trắc ba giờ một lần. Những thông số như sức gió, lượng mưa, nhiệt độ biển, áp suất, ẩm độ... lần lượt được chuyển về Sài Gòn bằng tín hiệu morse.
"Những lúc rảnh rỗi, tôi cùng các đồng nghiệp đi dạo khắp đảo. Lúc câu cá, khi thì đi tìm san hô, vỏ ốc, rong biển đem về làm quà kỷ niệm. Không một ngóc ngách nào của Hoàng Sa mà tôi chưa đặt chân đến" - ông Tấn kể.
Vào giữa năm 1964, ông cùng các cộng sự của mình đối mặt với một cơn bão biển dữ dội: "Bão gió ngút trời, như muốn nhấn chìm cả hòn đảo. Trước khi bão đổ bộ, chúng tôi đã hoàn tất bản tin báo bão từ Hoàng Sa gửi về Sài Gòn. Đến khi bão tan, dắt tay nhau lên trên mỏm núi đá cao nhất của đảo mà nhìn đất trời, thấy hạnh phúc vô cùng. Biển ở Hoàng Sa đẹp lắm" - ông Tấn nói.
Cả ông Tấn, ông Dân và ông Phát đều kể rằng có một điều mà bất kỳ người nào đặt chân lên đảo Hoàng Sa đều làm và làm một cách đầy tự hào, đó là khắc tên mình lên những hòn đá cuội lớn nằm quanh đảo.
"Ngay trưa của ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, tôi đã khắc tên mình lên vách đá”. Dòng chữ đó ông Tấn vẫn còn nhớ như in: "Tạ Hồng Tấn - chuyên viên Nha Khí tượng Sài Gòn đã đến đây - 1963".
Nhưng đấy chỉ là hàng chữ trong vô số bút tích chi chít trên những vách đá Hoàng Sa. "Đó là dấu tích kỷ niệm của những ngày trai tráng lãng mạn để lại giữa biển đảo Hoàng Sa, cái tên đã trở nên thiết tha với những ông lão này" - ông Tấn tâm sự.
Một ngày không quên
Phóng to |
Các cựu chuyên viên khí tượng của Nha Khí tượng Sài Gòn (từ trái sang): Võ Như Dân, Ngô Tấn Phát và Tạ Hồng Tấn - Ảnh: Anh Kiệt |
Ông Võ Như Dân, người từng có mặt ở Hoàng Sa từ những năm 1956, quả quyết: đặc sản của Hoàng Sa chính là ốc gân - loại ốc to bằng chiếc đĩa, ăn giòn và thơm. "Nghề của tôi là chế hơi và bơm bóng thám không phục vụ các quan trắc viên đo gió trên đảo" - ông Dân kể.
Với ông Tạ Hồng Tấn thì ngày 19-1-1974 là một ngày không thể quên. "Qua ống kính quan trắc, chúng tôi thấy từ xa lô nhô tàu chiến lớn nhỏ vây quanh Hoàng Sa. Tất cả thả neo dừng lại phía ngoài khơi. Họ chờ đến khi hoàng hôn vừa buông xuống thì nổ súng. Đạn bay vèo vèo vào đảo. Chừng 30 phút sau, những chiếc tàu hải quân Trung Quốc tiến vào đảo".
Ông Tấn nhớ lại: ông cùng năm đồng nghiệp bị bắt đưa lên tàu, chở đến đảo Hải Nam. Đến tháng 3-1974, ông và nhiều người khác được trao trả tại Hong Kong, rồi lên máy bay về lại Sài Gòn. Sau 1975, ông Tấn tiếp tục công việc ở Đài Khí tượng thủy văn miền Trung đóng tại Đà Nẵng, một thời gian ngắn thì về hưu, sống yên bình cùng con cháu.
Ông Tấn nói bây giờ mỗi ngày xem bản tin dự báo thời tiết về Hoàng Sa trên báo Tuổi Trẻ, ông lại bâng khuâng như thể đang ở trạm quan trắc Hoàng Sa để "đo gió đếm mưa".
Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938, thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 13-7-1961, tổng thống chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh số 174 - NV quyết định đặt quần đảo Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính gọi là xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1982, huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, theo nghị định số 07/CP ngày 23-1-1997 của Chính phủ, Hoàng Sa trở thành huyện đảo của TP Đà Nẵng. Hiện cơ quan thường trú của UBND huyện đảo Hoàng Sa đặt tại 132 Yên Bái, TP Đà Nẵng. UBND TP Đà Nẵng đã phân công ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ - kiêm nhiệm vụ chỉ đạo và theo dõi hoạt động ở Hoàng Sa. Tại đây còn có một phòng trưng bày với hàng trăm hiện vật, tư liệu quí về Hoàng Sa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận