25/06/2019 09:44 GMT+7

Một thời Đồng Ấu Bạch Long - 'Tổ khiến tôi làm thầy'!

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Có những nghệ sĩ là những người thầy của rất nhiều ngôi sao hiện nay nhưng họ có cuộc sống khá âm thầm, lặng lẽ. Có nghệ sĩ cưng học trò như con, luôn đắm đuối với nghiệp “đưa đò” dù công việc này lấy đi của họ rất nhiều sức lực.

Một thời Đồng Ấu Bạch Long - Tổ khiến tôi làm thầy! - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Bạch Long - Ảnh: LINH ĐOAN

Bạch Long là một trong số những người thầy như thế - những người được giới làm nghề yêu mến bởi hết lòng trao truyền cho người trẻ hành trang quý giá đầu tiên trên con đường nghệ thuật.

Nhắc đến nghệ sĩ Bạch Long, không thể quên anh là người khởi xướng thành lập nhóm Đồng Ấu Bạch Long, để từ nơi đây làng sân khấu cải lương hiện tại có rất nhiều ngôi sao trẻ như Quế Trân, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Thy Trang...

“Tôi nhớ ba tôi (NSND Thành Tôn) có nói thầy của ba mà giấu nghề là không có Thành Tôn hát bội như bây giờ. Tôi đã kế thừa cái tâm của ba đem vô nghiệp làm thầy, trò muốn học là tôi cho hết!

Nghệ sĩ Bạch Long

Một thời Đồng Ấu Bạch Long - Tổ khiến tôi làm thầy! - Ảnh 3.

Học trò trong nhóm Đồng Ấu Bạch Long diễn vở cải lương thiếu nhi Natra - Ảnh: LINH ĐOAN

Người thầy của thế hệ nghệ sĩ trẻ cải lương tuồng cổ

Khoảng năm 1990, biên tập viên Kim Hà trao cho nghệ sĩ Bạch Long kịch bản Cóc kiện trời nhờ anh dựng kịch thiếu nhi thu cho HTV. Bạch Long đề nghị được chuyển thể sang kịch bản cải lương tuồng cổ có thêm vũ đạo, các bài bản cải lương để hấp dẫn "tụi nhỏ". 

Được đồng ý, anh gom con cháu trong gia đình và con một số nghệ sĩ khác để dạy và dàn dựng, lúc đó có Quế Trân, Nhựt Tân, Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh, Linh Tý... Thiếu "quân sĩ", anh rủ thêm "mấy đứa nhỏ" hàng xóm như Chấn Cường, Trường Hải, Trường Minh...

Khi vở phát sóng gây được hiệu ứng rất tốt, HTV đề nghị Bạch Long phát huy. Được lời như mở tấm lòng, Bạch Long viết và dựng một loạt kịch bản Cầu vồng và đàn thỏ, Cám ơn chú khỉ, Những hành tinh xa xôi...

Chương trình của Đồng Ấu Bạch Long rần rần tới mức giám đốc rạp Đại Đồng thời ấy rủ Bạch Long đưa đoàn hát nhí ra diễn rạp. Vậy là khoảng 1991, 1992, Đồng Ấu Bạch Long từ tivi chính thức bước ra nhà hát tại rạp Đại Đồng diễn định kỳ sáng chủ nhật hằng tuần. Ban đầu cũng có những khó khăn riêng. 

Nhưng một khi quyết định làm, "ông bầu" Bạch Long quyết chí làm cho tới. Có khi bán 10, 20 vé anh cũng cho mở màn vì muốn duy trì suất diễn để khán giả quen với đoàn. Ban ngày anh đi quay video cải lương đem tiền về bù cho Đồng Ấu.

Kiên trì như vậy mà dần dần Đồng Ấu Bạch Long trở thành đoàn hát đáng gờm của nhiều đoàn hát tên tuổi khác. Lúc này, trong khi nhiều đoàn hát người lớn bắt đầu xính vính, thì đoàn thiếu nhi của ông bầu Bạch Long không chỉ diễn sáng chủ nhật mà diễn suốt 7 đêm trong tuần, có ngày 2 - 3 suất.

Bạch Long lên sân khấu ôm Tùng Linh sau phần thi cảm động

Thời huy hoàng của Đồng Ấu Bạch Long

Không chỉ đóng đô tại Đại Đồng mà còn được diễn ở Thủ Đô, Cao Đồng Hưng, Hào Huê, Lao Động... 

Bạch Long nhớ: "Có bữa mưa ngập tới đầu gối, gần sát giờ diễn mà mấy ông đờn vẫn bặt tăm. Tôi hốt hoảng gọi điện hỏi: Sao con chưa tới? Mấy ổng tỉnh bơ: Con thấy mưa quá trời chắc khán giả không tới nên con ở nhà! Tôi la làng: Vô gấp con ơi, khán giả kín rạp rồi, vô cho thầy mở màn!".

Hồi đó, nghệ sĩ Linh Tâm hát cho Nhà hát Trần Hữu Trang, còn Linh Tý con anh hát cho Đồng Ấu. Ông con lại hay "cà nanh" với ba. Bữa nào cũng hỏi bữa nay đoàn ba bán được mấy vé, Linh Tâm nói: "Đoàn ba được 200", ông con khoái chí hếch mặt phô hàm răng sún cười tự hào: "Đoàn con bán 300 vé!".

Đồng Ấu Bạch Long đã có những thời khắc huy hoàng, diễn viên chính phụ lên đến 30 em. Do nhu cầu của đoàn và phụ huynh đến gửi con khá nhiều nên khoảng năm 1993, nghệ sĩ Bạch Long quyết định mở lớp dạy tuần ba buổi. 

Anh hệ thống lại những gì đã học từ nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng, những bài bản cải lương đã được học từ thầy Út Trong. Cứ vậy, có bao nhiêu kinh nghiệm truyền hết cho tụi nhỏ, không giấu nghề.

Thời điểm đó, sân khấu cải lương đang đi xuống, Bạch Long không chỉ đào tạo diễn viên nhí cho đoàn mà còn "âm mưu" đào tạo khán giả kế thừa cho cải lương. Anh không nặng nề, rốt ráo để ép các em theo nghề mà xem lớp học như là nơi cho "tụi nhỏ" giải trí, tìm hiểu một loại hình nghệ thuật. 

Bé nào có năng khiếu sẽ hướng bé theo nghề, còn không thì "dụ" các em yêu cải lương, trở thành fan của cải lương trong tương lai. Anh cũng rất xem trọng chuyện học văn hóa, thầy khuyến khích bé nào đạt điểm 10 nhiều mới được phân vai diễn, bé nào học không tốt bị "hù" cho nghỉ học diễn xuất. Vì ham hát, nên lớp Đồng Ấu của thầy Bạch Long đa số các bạn đều học tốt.

Một thời Đồng Ấu Bạch Long - Tổ khiến tôi làm thầy! - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Bạch Long và học trò trong nhóm Đồng Ấu Bạch Long diễn vở cải lương thiếu nhi Tiểu anh hùng Nam quốc - Ảnh: LINH ĐOAN

"Tổ khiến tôi làm thầy"

Dù là đoàn hát thiếu nhi nhưng mô hình quy củ không thua gì đoàn hát chuyên nghiệp. Tuy nhiên đoàn chỉ một mình Bạch Long gánh, một khi tạo được tiếng vang thì xảy ra quá nhiều sự cố ngoài dự đoán của ông thầy chỉ rành về nghệ thuật. 

Chuyện lôi kéo đào kép, bị chơi xấu, rồi chuyện anh không quán xuyến được việc soát vé, rạp vẫn đầy mà phòng vé báo số lượng bán ít hơn... Bạch Long mệt mỏi đến mức khi diễn viên mà anh đào tạo gây tiếng vang đến xin phép rời đoàn để theo đoàn khác, anh chỉ nói nhẹ: "Ừ, thôi con đi đi!". Đến năm 1996, anh cho đoàn Đồng Ấu Bạch Long ngừng hoạt động.

Thế nhưng, như Bạch Long nói "Chắc tổ khiến tôi làm thầy". Tưởng nghiệp dạy chấm dứt từ năm 1996 nhưng đến hôm nay, cứ có lớp dạy cải lương thiếu nhi thì người thầy đầu tiên mà nhà tổ chức nhớ đến vẫn là nghệ sĩ Bạch Long. Anh tiếp tục được mời hợp tác với Nhà thiếu nhi Q.1 mở lớp dạy Đồng Ấu Bạch Long, rồi Trung tâm văn hóa Tân Bình, lớp học của nghệ sĩ Linh Huyền...

Cứ có lời mời là thầy Bạch Long lại thu xếp công việc đến với các em nhỏ. Mỗi năm đến dịp giỗ tổ, rất đông học trò của Đồng Ấu Bạch Long qua các thời kỳ đến bàn thờ tổ đặt trang trọng ở căn nhà thuê khiêm tốn của ông thầy Bạch Long để thắp hương tạ ơn nơi đầu tiên cho mình hành trang làm nghề. 

Học trò nhiều người đã được phong NSƯT nhưng ông thầy vẫn là nghệ sĩ "trơn", vẫn lặng lẽ. Nhìn thành công của trò, Bạch Long cười hiền: "Với tôi, làm thầy là cho đi. Thành công của trò chính là hạnh phúc lớn nhất của người làm thầy!".

Người phát hiện Vũ Luân

Trong lần đi đám cưới, Bạch Long phát hiện Vũ Luân lúc đó chừng 14, 15 tuổi. Thấy Luân có giọng tốt, anh kêu lại hỏi con có muốn đi hát không. Luân rụt rè đáp: "Con ham hát lắm mà xin vô đoàn người ta không cho, nói con con nít!". Nghe vậy, Bạch Long nói: "Con con nít mắc gì vô hát đoàn người lớn, con về hát đoàn của thầy!".

Từ Đồng Ấu Bạch Long, thầy Bạch Long đã đẩy Vũ Luân lên thành gương mặt mới gây chú ý. Khán giả rần rần tới xem và kháo nhau: Thằng nhỏ có giọng hát và gương mặt giống hệt ngôi sao Vũ Linh. "Hiện tượng Vũ Luân" khiến nghệ sĩ Vũ Linh phải tò mò đến rạp coi thằng nhỏ giống mình đến cỡ nào!

Nghĩ tới tía muốn rớt nước mắt

binh tinh

Nghệ sĩ Bình Tinh

Dù là con nhà nòi (Bình Tinh là con nghệ sĩ Đức Lợi - Bạch Mai của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long - PV) nhưng làm như bụt nhà không thiêng, từ nhỏ mẹ đã quăng tôi qua cho tía (cách Bình Tinh gọi nghệ sĩ Bạch Long) dạy.

Mẹ nói: Giao cho thầy Bạch Long là mẹ an tâm! Tôi tham gia Đồng Ấu Bạch Long từ ngày đầu - lúc 4, 5 tuổi, vào vai quân sĩ trong vở Cóc kiện trời - đến lúc đoàn ngưng hoạt động.

Có thể nói không có tía sẽ không có Bình Tinh được khán giả biết đến như ngày nay. Hồi đó, tía dạy tụi tôi rất kỹ. Nhớ lúc học ở đình Cầu Quan, tía lấy tấm đệm cũ lót cho tụi tôi tập vũ đạo, có bữa mưa ngập đứa nào cũng lấm lem nhìn mắc cười lắm. Tía biểu không chỉ học giỏi nghề mà còn phải học giỏi văn hóa để người ta không coi thường nghệ sĩ.

Đứa nào được điểm 10, tía bao ăn kem. Một tuần 2 buổi tía dẫn cả đám đi bơi ở Cung văn hóa Lao động. Từng bộ tay, bộ chân, cách múa giáo, quạt... từ ngày đầu là tía kiên nhẫn uốn nắn cho tôi.

Nghĩ tới là muốn rớt nước mắt. Mỗi dịp 20-11, lễ tết, sinh nhật năm nào tôi cũng tranh thủ đến thăm tía. Đặc biệt, dịp giỗ tổ tụi tôi luôn đến sớm để được tía ban duyên, ban dáng lấy cái may từ người thầy kính yêu để tiếp tục hành trình làm nghề.

Nghệ sĩ Bình Tinh

Bạch Tuyết, Bạch Long tranh cãi trên ghế nóng vì con trai Thanh Nga Bạch Tuyết, Bạch Long tranh cãi trên ghế nóng vì con trai Thanh Nga

TTO - Giám khảo Bạch Tuyết, Bạch Long tranh cãi vì tiết mục của Hà Linh (con trai nghệ sĩ Thanh Nga), nghệ sĩ Kim Phương bật khóc nghe con trai hát về người cha đã mất... là những điểm đáng chú ý trong đêm thi thứ 3 của 'Sao nối ngôi'.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên