09/11/2017 14:52 GMT+7

Một số thói quen sai trong việc vệ sinh răng miệng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hiện nay, chúng ta thường dùng từ "đánh răng" để chỉ việc vệ sinh răng miệng bằng bàn chải với kem đánh răng.

Một số thói quen sai trong việc vệ sinh răng miệng - Ảnh 1.

Tuy nhiên điều này vô tình hướng đến việc chải răng sai cách vì chỉ chú ý đến vùng răng mà quên mất việc chải nướu - là nơi dễ tích tụ mảng bám trong quá trình ăn uống. Mảng bám sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn bằng súc miệng hay chỉ bằng việc chải răng.

Dưới đây là một số thói quen, quan niệm sai về việc vệ sinh răng miệng và sự thật về chúng:

Chỉ cần đánh vào bề mặt răng là đủ

Viền nướu mới là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và cần được làm sạch nhất. Khi chải răng, cần nghiêng bàn chải 45 độ, đặt lông bàn chải một phần ở trên nướu, một phần ở trên cổ răng sau đó ấn lông bàn chải lọt vào khe nướu và chải hất về phía mặt nhai. Nếu bề mặt cổ răng sạch bong, không còn mảng bám nghĩa là việc chải răng đã đạt yêu cầu.

Không dám chải răng vào những vùng bị chảy máu

Chúng ta thường có tâm lý lo lắng khi chải răng và thấy trong nước bọt có dấu hiệu chảy máu. Trên thực tế, chảy máu nướu là dấu hiệu vùng nướu đang bị viêm, đỏ và cần được làm sạch kỹ hơn.

Hãy theo dõi tình trạng này sau vài ngày vệ sinh răng miệng và nếu vẫn tiếp tục bị, hãy đến bác sĩ răng hàm mặt để được khám và hỗ trợ làm sạch vùng nướu viêm của bạn.

Chải răng không cần phải theo thứ tự

Khi chải răng, chúng ta thường cầm bàn chải bằng bàn tay thuận của mình và khi đó thường hay có xu hướng chải kỹ vùng răng phía đối diện. Nên chải răng theo trình tự từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, từ mặt ngoài vào mặt trong rồi tới mặt nhai để tránh bỏ sót các vùng nhất là vùng mặt trong hàm dưới và mặt ngoài răng khôn hàm trên.

Há miệng càng to càng tốt

Nhiều người có thói quen há miệng to và gồng cứng cơ môi má khi chải răng, điều này dẫn đến việc bàn chải khó đưa vào làm sạch vùng cổ răng và vùng nướu mặt ngoài các răng cửa hàm dưới cũng như mặt ngoài răng khôn hàm trên.

Ngược lại, bạn hãy thư giãn cơ mặt, thả lỏng cho mềm môi má để có thể đặt một phần lông bàn chải phía trên nướu và làm sạch vùng cổ răng. Tương tự với vùng răng hàm hàm trên, khi chải răng bạn hơi ngậm miệng lại để đầu bàn chải luồn vào tận cùng răng khôn thay vì bị má chặn lại.

Chải răng càng mạnh càng sạch

Chải răng theo chiều ngang (như kiểu kéo đàn) từ lâu đã được nhiều người biết đến là một thói quen không tốt, gây mòn và ê buốt cổ răng. Hiện nay, đa phần mọi người đã biết cách chải răng đúng theo chiều dọc hoặc xoay tròn. Không nên dùng lực chà vào răng quá mạnh sẽ gây hiện tượng xói mòn mà chỉ nên sử dụng động tác ấn, rung nhẹ nhàng ở cổ tay.

Cạo lưỡi thật kỹ

Thói quen này về lâu dài sẽ gây tổn thương các nụ vị giác trên bề mặt lưng lưỡi và làm giảm vị giác khi ăn. Do đó, không cần cạo quá sạch bề mặt lưỡi mà chỉ nhẹ nhàng cạo bỏ phần lớn bựa thức ăn.

Chải răng vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy

Nếu đã chải răng vào buổi tối sau khi ăn xong thì vào sáng hôm sau, khi thức dậy, bạn không cần phải chải răng lại vì chúng sẽ gây mòn răng không cần thiết. Cảm giác hôi miệng do nước bọt cô đặc trong khi ngủ sẽ bị loại bỏ đi ngay bằng việc súc miệng. Hãy thưởng thức bữa sáng sau đó mới tiếp tục chải răng.

Bàn chải không thể làm sạch toàn bộ các răng mà chỉ làm sạch được bề mặt trơn, phẳng. Đối với kẽ răng, lông bàn chải không thể tiếp cận tới. Do đó cần dùng thêm các phương tiện hỗ trợ làm sạch vùng này sau khi chải răng bằng bàn chải như: chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng, tăm nước, nước súc miệng…

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên