Ngày 23-10, ông Dương Thanh Bình - trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.751 kiến nghị trong tổng số 2.765 kiến nghị được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền và đã được giải quyết, trả lời cử tri (đạt 99,5%).
"Chậm hai năm so với lộ trình đã hứa"
Ông Dương Thanh Bình dẫn câu chuyện về việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi là một trong những kiến nghị của cử tri liên quan đến hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm.
Giám sát của đại biểu Quốc hội cho thấy từ năm 2019, bệnh dịch bùng phát gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi trong các năm 2019, 2020; nhưng từ năm 2021 tới nay chưa có chính sách hỗ trợ.
Cử tri nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Cà Mau, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bến Tre… đã kiến nghị mong được hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 cho biết bộ đang khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, dự kiến trình Chính phủ ban hành vào quý 4 năm 2022. Tuy nhiên, tới nay bộ lại nêu sẽ trình vào quý 4 năm 2024, chậm 2 năm so với lộ trình đã hứa với cử tri.
"Trong khi việc hỗ trợ thiệt hại cần được thực hiện kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi", trưởng Ban Dân nguyện nêu.
Chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân
Một ví dụ khác là kiến nghị của cử tri về ban hành thông tư hướng dẫn nghị định 62 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức; nghị định 106 năm 2020 về vị trí việc làm và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi quy định chậm nhất đến hết ngày 31-10-2020 phải ban hành thông tư hướng dẫn nghị định 62 nhưng tới nay vẫn còn Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ chưa ban hành. Với nghị định 106 tới nay vẫn còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính chưa có thông tư (trong khi quy định chậm nhất đến hết ngày 30-6-2021).
Việc chậm ban hành thông tư khiến các địa phương chưa có cơ sở thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả việc hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức…
Tương tự, việc hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân các xã an toàn khu cách mạng cũng được ban hành chậm khiến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Theo Ban Dân nguyện, đến năm 2023 vẫn còn trên 719.000 người dân tại địa bàn các xã an toàn khu cách mạng tại 25 địa phương trong cả nước chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế.
Theo chỉ thị của Thủ tướng, từ năm 2021 toàn bộ người dân các xã an toàn khu cách mạng hưởng hỗ trợ (trừ những người đã được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành). Việc ban hành chậm nghị định khiến trong ba năm 2021, 2022, 2023 một bộ phận người dân ở các xã an toàn khu cách mạng chưa được hưởng hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế.
Phải đến ngày 19-10-2023 (trước kỳ họp Quốc hội khai mạc ít ngày), nghị định số 75/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 146/2018 do Bộ Y tế tham mưu Chính phủ mới được ban hành, quy định hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Từ đó, những vướng mắc về tổ chức thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế, trong đó có bảo hiểm y tế với người dân các xã an toàn khu cách mạng có cơ sở để giải quyết.
Hàng ngàn kiến nghị cử tri được giải quyết, trả lời
Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã giải quyết, trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận