14/08/2019 10:46 GMT+7

Một người bị liệt toàn thân ở Việt Nam sẽ sống thế nào?

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - 'Các bạn tưởng tượng xem có một người bị liệt toàn thân từ cổ trở xuống, chỉ cái đầu hoạt động. Người ấy ở Việt Nam chúng ta sẽ sống như thế nào, làm được việc gì, được gọi là người khuyết tật hay tàn tật?'.

Một người bị liệt toàn thân ở Việt Nam sẽ sống thế nào? - Ảnh 1.

TS Võ Thị Hoàng Yến - Ảnh: TỰ TRUNG

Chị Võ Thị Hoàng Yến đưa ra một câu hỏi với lớp tập huấn tại trung tâm DRD (Đời rất đẹp) như vậy. 

Một phút im lặng. Rồi những câu trả lời ngập ngừng đưa ra: "Anh ấy là người tàn tật"; "Anh ấy sẽ nằm ở nhà, gia đình phải chăm sóc"; "Sẽ có người đẩy xe đi xin"; "Sẽ rất buồn nản và muốn chết"...

Nụ cười cố hữu, chị Yến nhẹ giọng kể: "Tôi đã gặp một người như thế ở Mỹ. Ông bị liệt từ cổ trở xuống, phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ trong toàn bộ cuộc sống của mình. 

Vậy nhưng ông là giáo sư ngành hải dương học tại ĐH Hawaii, đã từng đi lặn biển ở khắp thế giới, sở hữu hàng trăm bằng khen về thành quả khoa học, môi trường đến từ khắp các quốc gia. Ông có một vợ, hai con và một cuộc sống hạnh phúc như bao nhiêu người khác...".

Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với chị Yến nối tiếp câu chuyện ấy.

DRD để "đời rất đẹp"

* Người ta thường ca ngợi những nỗ lực tự thân khi nói đến những người khuyết tật đã vượt lên trên khiếm khuyết, khó khăn của mình. Trong so sánh vừa rồi, có lẽ chị muốn nhấn mạnh hơn đến môi trường xã hội?

- Chị Võ Thị Hoàng Yến: Con người sinh ra, có những người không may khiếm khuyết, khuyết tật, không lựa chọn được. 

Nhưng từ đó mà trở nên tàn tật, hay vượt lên được khuyết tật thì lại có thể lựa chọn bằng nỗ lực của mình và cả sự hỗ trợ của môi trường xã hội. 

Một trong những mục tiêu của DRD chính là vận động cộng đồng để có môi trường thân thiện với người khuyết tật, giúp họ không phải chịu cảnh tàn tật.

* Được biết chị tốt nghiệp ĐH kinh tế, xin việc kế toán ở một công ty, phỏng vấn xong nhận việc rồi thì công ty từ chối vì thấy chị chống nạng đi làm. Kể từ đó đến hôm nay, chắc hẳn môi trường xã hội của chúng ta đã có nhiều thay đổi?

- Đã có thay đổi, nhưng không nhanh, mạnh và đồng đều như kỳ vọng. Những người khuyết tật như tôi luôn luôn phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp mà đôi khi không đáng. 

Ví dụ như khi trường học không có thang máy, tam cấp công sở không có lối cho xe lăn, không có phòng vệ sinh thích hợp cho người khuyết tật... 

Rào cản đôi khi đơn giản chỉ là mấy bậc thang, mà để vượt qua phải cần thêm vài giọt mồ hôi cố gắng. Ngày này qua ngày khác, có khi mồ hôi trở thành nỗi tủi cực làm người ta gục ngã, bỏ cuộc.

Tất nhiên, nỗ lực thì tốt, nhưng nếu môi trường thân thiện hơn, chúng tôi đã có thể dành năng lượng ấy cho việc khác có ích hơn. 

Và nói thêm cho công bằng: ngược lại với việc tôi từng bị từ chối khi xưa, đã có nhiều doanh nghiệp tìm đến DRD với nhiều vị trí muốn tuyển dụng nhưng chúng tôi lại chưa đáp ứng được cho họ. 

Nhiều người khuyết tật chưa chuẩn bị đủ cho mình kiến thức và kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu. 

Khuyết tật cũng như không khuyết tật, giỏi thì sẽ có được việc làm tốt. Những việc chúng tôi đang làm là để hai mảng nhu cầu ấy gắn được với nhau.

* Chị cho rằng các chính sách với người khuyết tật cần bổ sung điều gì?

- Chính sách hỗ trợ chăm sóc, việc làm đã được quan tâm và quy định khá chi tiết, vấn đề còn lại là đưa vào thực tế cho hiệu quả mà thôi. 

Tuy nhiên, còn một mảng mà chính sách gần như hoàn toàn bỏ trống, chưa được quan tâm là tinh thần - sức khỏe tâm thần của người khuyết tật. 

Chưa có những phương pháp được luật hóa để khuyến khích người khuyết tật mở lòng ra với những cơ hội thay đổi cuộc đời, nâng đỡ họ trong những lúc rơi vào tuyệt vọng.

Tất nhiên đây là việc rất khó, phụ thuộc nhiều vào cá nhân ở cả hai phía, người khuyết tật và cộng đồng xã hội, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nếu có những chính sách thật sự quan tâm thì cả hai phía sẽ cùng thay đổi nhanh hơn. 

Người khuyết tật sẽ được khuyến khích, giới thiệu những cơ hội nâng cao năng lực bản thân, tự tin hơn để khẳng định mình. 

Phía cộng đồng cũng sẽ thay đổi cái nhìn rằng những người khuyết tật có vẻ ngoài phải rất đáng thương mới đáng được giúp đỡ. Đó cũng là những việc chúng tôi đang làm ở DRD.

Một người bị liệt toàn thân ở Việt Nam sẽ sống thế nào? - Ảnh 2.

TS Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD), hướng dẫn tình nguyện viên lập dự án, cách nhận diện người khuyết tật cần gì và muốn gì để hỗ trợ - Ảnh: TỰ TRUNG

Một nhà văn hóa của người khuyết tật

* Kế hoạch sắp tới của chị và DRD là gì?

- Kế hoạch gần là những cuộc hội thảo để thu thập ý kiến về nhu cầu đào tạo của người khuyết tật; hội thảo quốc tế về công tác xã hội; tập huấn các kiến thức chuyên sâu về người khuyết tật cho giới truyền thông; tiếp tục phát triển phần mềm D-map cập nhật các địa điểm có tiếp cận thân thiện với người khuyết tật...

Kế hoạch xa là tìm mặt bằng và nguồn lực để xây dựng một nhà văn hóa dành riêng cho người khuyết tật để ở đó các hoạt động sẽ được phát triển rộng và sâu hơn, đời thật sự đẹp hơn.

Mong các em không quá vất vả như tôi

* Đến nay đã lấy được bằng tiến sĩ, đã được trao giải thưởng "Nobel hòa bình châu Á", chị đã bằng lòng với bản thân, thấy đời mình rất đẹp rồi chưa?

- Tất nhiên tôi không chối từ những ngợi khen chính đáng và chân thành. Mỗi lần đạt được một thành tích gì đó, tôi lập tức nghĩ đến má. 

Chắc hẳn má đã hài lòng với con út của má. Là một nông dân, má thương tôi thiệt thòi, nhà nghèo cũng cố cho ăn học, nhưng thâm tâm má nghĩ chắc tôi sẽ học làm thợ may để an phận ngồi nhà. 

Rồi tôi vào đại học, rồi tôi có bằng thạc sĩ, má lại nói: "Út học luôn lên tiến sĩ đi, má sẽ nấu chè, làm bánh mời cả làng". 

Lấy được bằng tiến sĩ rồi nhưng má đã đi xa, tôi cũng đã rời làng, nhưng những gì má con tôi đã trải qua, tôi không bao giờ quên.

Cũng vì thế, tất cả mọi việc tôi làm là để giúp đỡ các em đang trong hoàn cảnh yếu thế như mình. 

Tôi muốn họ được nhận những cơ hội giáo dục, việc làm một cách công bằng, không bị phân biệt, không quá vất vả như tôi ngày xưa. Khi ấy, đời sẽ quả là rất đẹp.

* Những gì chị đã trải qua hẳn là rất mệt mỏi...

- Mệt mỏi đến mức hôm nay nghĩ lại tôi ngạc nhiên thấy mình chưa gục ngã. 

Khi sang nước ngoài học, với ngôn ngữ khác, văn hóa khác, vẫn phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba nhưng với những điều kiện hỗ trợ rất tốt và thái độ không phân biệt của những người xung quanh, tôi lại không còn thấy mệt mỏi như vậy, nỗ lực của tôi khi ấy hoàn toàn dành cho kiến thức và được đền đáp xứng đáng. Tôi mong các em cũng sẽ được hưởng điều đó trên quê hương mình.

* Ước mơ của chị hôm nay là gì?

- Ngày nào đó mà người khuyết tật không cần đến những tham vấn đồng cảnh, tập huấn nâng cao năng lực của chúng tôi, cộng đồng hiểu rằng phải đảm bảo môi trường tiếp cận thân thiện với người khuyết tật để họ có sự bình đẳng về cơ hội, đến với người khuyết tật là công tác - nhiệm vụ xã hội chứ không phải từ thiện... 

"Một thế giới dành cho tất cả" là thật. Khi ấy, DRD của chúng tôi không cần thiết phải tồn tại nữa, tôi có thể thảnh thơi và tự do làm những việc yêu thích của riêng mình như viết sách chẳng hạn.

"Anh hùng của niềm hi vọng"

Chị Võ Thị Hoàng Yến là giảng viên ĐH Mở TP.HCM, bộ môn phân tích hành vi ứng dụng, công tác xã hội với người khuyết tật; tiến sĩ chuyên ngành công tác xã hội tại ĐH La Trobe, Úc; thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người ĐH Kansas, Mỹ.

Chị sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (Disability Research & Capacity Development - DRD) từ năm 2005, nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

DRD đã hỗ trợ hàng trăm học bổng "Người bạn đồng hành" để người khuyết tật đi học ĐH; giúp hàng ngàn người khuyết tật có và duy trì việc làm, mời hàng trăm doanh nghiệp tham gia mạng lưới cung cấp việc làm cho người khuyết tật; tài trợ các dự án sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật; tổ chức các khóa tập huấn "Một thế giới dành cho tất cả" để kéo gần khoảng cách tiếp cận giữa người khuyết tật và cộng đồng...

Năm 2018, chị Võ Thị Hoàng Yến được giải thưởng Ramon Magsaysay Award (được xem là Nobel châu Á) lựa chọn để trao giải. Chị được tôn vinh là "Anh hùng của niềm hi vọng".

Chuyện cổ tích bé Thiện Nhân sau 13 năm phẫu thuật bộ phận sinh dục Chuyện cổ tích bé Thiện Nhân sau 13 năm phẫu thuật bộ phận sinh dục

TTO - 13 năm sau ca phẫu thuật bộ phận sinh dục cho bé Thiện Nhân do bị thú hoang cắn (2006), nay Thiện Nhân chuẩn bị cho đợt phẫu thuật mới phức tạp hơn, tốn kém hơn.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên