Phóng to |
Adrian Flanagan trên du thuyền Barrabas - Ảnh BBC |
Giây lát sau khi hoàn thành chuyến đi, Flanagan phát biểu: “Thật là tuyệt! Đây là một việc mà tôi đã theo đuổi từ khi còn nhỏ”. Flanagan bỏ neo chiếc du thuyền Barrabas dài 11 mét tại Hamble, Hampshire (Anh), ngày 20-5, sau chặng đường dài 47.797 km.
Vợ cũ của Flanagan là Louise, người đã sắp xếp cuộc hành trình, và hai con là Benjamin 9 tuổi và Gabriel 6 tuổi có mặt tại Câu lạc bộ Du thuyền Hòang gia Miền nam đón ông trở về.
Flanagan từng bị sóng quét rơi khỏi du thuyền và cả hai cổ tay bị trật khớp. Ông đã ngã gục hai lần ở Cape Horn và bị hải tặc rượt đuổi ngòai khơi Brazil. Ông không thể bám vào dây an toàn trong một trận bão trên biển Channel và bị một con sóng đánh trúng khi đang đứng trên boong.
Khi đó, Flanagan đã cố gắng bơi đến thuyền và tìm cách dùng ngón tay giữa bám một sợi dây an toàn, nhưng không thể đu mình lên thuyền được. Khi ông đoan chắc "thế là hết" thì một con sóng lại đẩy ông lên thuyền. “Tôi thật may mắn”.
Một đe dọa chết người khác là bọn hải tặc thường leo lên tàu và dùng súng để cướp gần các luồng tàu ngoài khơi Brazil. Trước tiên ông nhìn thấy trên màn hình rađa một điểm khả nghi nhưng nghĩ không quan trọng và nằm ngủ. “Khi thức dậy tôi thấy cách du thuyền 200 mét một chiếc tàu lù lù đứng yên đó. Tôi nghĩ đây có thể là một tàu tuần tra, nhưng không phải. Tàu có trang bị máy quan sát điện tử. Tôi lái du thuyền vượt qua tàu. Tôi nghĩ tàu này đang chờ thời gần các làn tàu để kiếm một đối tượng ngon hơn”.
Tàu hải tặc chạy theo du thuyền của Flanagan hai ngày. “Tôi có trang bị vũ khí: một khẩu súng ngắn đặc biệt. Tôi thức 48 tiếng đồng hồ, nghĩ rằng nếu tấn công chúng có thể ra tay vào sáng sớm”. Sự cảnh giác của Flanagan đã trả công cho ông, vì bọn hải tặc đã bỏ đi.
Việc đi vòng quanh thế giới được công nhận khi lộ trình của tàu đi qua hai điểm “đối cực” – đối nhau hoàn toàn xuyên qua trái đất. Ông Flanagan đã làm điều này khi đi qua hai vùng cực. Chuyến đi vòng quanh trái đất được biết đến đầu tiên diễn ra năm 1522, do đoàn thám hiểm của Ferdinand Magellan thực hiện nhằm tìm kiếm đường đến Ấn Độ bằng cách đi thuyền về phía tây.
Ông Flanagan đã hòan tất chuyến đi mà không có nhà tài trợ lớn nào và chiếc du thuyền của ông nay được rao bán. Ông nói:”Tôi cảm thấy hết sức hãnh diện về chiếc du thuyền Barrabas. Nó đã gắn bó với tôi trong những thời tiết đẹp cũng như xấu. Với tư cách là du thuyền Anh đầu tiên đi vào lãnh hải Bắc Cực của Nga, nó có một vị trí xứng đáng trong lịch sử hải hành”.
Có hai dịp Flanagan đã phải dừng lại. Một lần khi ông chờ giấy phép của chính quyền Nga để đi qua Bắc Cực và một lần khác khi thời tiết quá khắc nghiệt ở ngoài khơi Na Uy và ông đã phải nghỉ đông ở đây. Ngòai ra ông cũng phải buộc du thuyền vào một chiếc tàu để được kéo ở Bắc Cực thuộc Nga vì biển đang còn đóng băng.
Hội đồng thế giới ghi chép tốc độ đi tàu (WSSRC) cho rằng chuyến đi của Flanagan không phải là một kỷ lục, vì ông đã dừng lại hai lần. Tuy nhiên, Hàn lâm viện kỷ lục thế giới (WRA) đã quyết định nhìn nhận đây là một kỷ lục thuộc một thể loại mới, có độ an toàn hơn cho những người phá kỷ lục trong tương lai: thay vì liều mạng d8ể đi liên tục, họ có thể có một số lần dừng lại hạn chế trong chuyến đi của họ.
Chuyến đi của ông nhằm gây quỹ cho Bệnh viện nhi đồng Oxford và quỹ Cứu trẻ em. Flanagan đang viết một cuốn sách kể lại chuyến hải hành với tựa đề Over The Top (Ở trên đỉnh cao) dự kiến sẽ được phát hành vào cuối năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận