25/12/2013 08:05 GMT+7

Một lần thiếu kiềm chế

TRẦN VĂN TÁM
TRẦN VĂN TÁM

TT - Trong cuộc đời dạy học của mình chắc hẳn người thầy, cô giáo nào cũng có đôi lần dùng hình phạt với học sinh. Tôi cũng vậy. Sau 30 năm giờ tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh em Nguyễn Trung Đông, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM).

Trong giờ viết chính tả em dùng cây bút mực của mình đâm vào tay bạn khi bạn này lấy bút chấm vào bình mực của em. Tôi gọi em Trung Đông đứng dậy để hỏi rõ sự tình, em dứt khoát không đứng dậy và từ chối trả lời câu hỏi của tôi. Tức mình và không kiềm chế cơn nóng giận bốc hỏa, tôi lấy quyển sách đang đọc chính tả cuộn lại đánh mạnh vào đầu em và bảo: Mời em ra khỏi lớp. Em vội đứng dậy nhảy qua cửa sổ đi thẳng một mạch về nhà mà không cần lấy sách tập.

Cuối giờ học tôi hỏi các bạn trong lớp vì sao hôm nay bạn Trung Đông có hành động không hay với bạn và không trả lời với thầy khi thầy hỏi? Em lớp trưởng cho biết chẳng qua lúc giờ chơi lớp chia nhóm đá banh, hai bạn này khác phe vì hơn nhau ăn thua nên giận hờn và hứa với nhau từ nay nghỉ chơi chung, vì thế chắc hai bạn ghét nhau mới ra chuyện đó. Còn không trả lời với thầy, chắc bạn Trung Đông nhận ra sai lầm của mình nên khó nói mà thôi. Tôi suy nghĩ ân hận một điều nếu tôi đừng nóng hỏi dồn dập lý do thì Trung Đông chắc chắn sẽ trả lời, đã vậy tôi còn đánh và đuổi học em. Từ đó, tôi suy nghĩ về bài học “kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” trong giai đoạn hiện nay của ngành giáo dục phát động bấy lâu nay mà thật sự lo ngại. Kỷ cương một số trường còn lỏng lẻo như giáo viên và học sinh chưa chấp hành đúng nội quy nhà trường, chưa chấp hành nghiêm túc Luật an toàn giao thông. Vì vậy trong lúc này, người thầy ngoài làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cho học sinh còn phải thật sự là người anh, người chị gần gũi thương yêu học sinh. Đặc biệt thầy và trò phải nâng cao tinh thần trách nhiệm: dạy thực chất, học thực chất, kết quả chất lượng đúng thực chất. Đây chính là vấn đề trọng tâm, cốt lõi, then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục.

Chủ đề tư tưởng “Sống có trách nhiệm” đã được ngành giáo dục - đào tạo phát động từ năm học 2007-2008 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo tinh thần chủ đề này, giáo viên và học sinh tự giác thực hiện hướng đến việc dạy thực chất, học thực chất, học sinh phải có động cơ và phương pháp học tập đúng đắn, không gian lận trong thi cử, biết kính trọng thầy cô, thầy cô nhắc nhở học sinh biết làm những việc tốt có ích cho xã hội, học sinh phải có ý thức học tốt, thương yêu mọi người trong cộng đồng. Nhà trường thật sự là nơi học sinh học tập về kiến thức, kỹ năng sống, là nơi sinh hoạt hấp dẫn, là mái ấm nơi ấy thầy cô thật sự thương yêu dạy dỗ giáo dục học sinh trở thành trò ngoan bằng phương pháp nêu gương và tình cảm, tuyệt đối không dùng đòn roi hay hình phạt với học sinh trong giáo dục. Học sinh được phát huy trí tuệ, tìm tòi khám phá để chiếm lĩnh tri thức một cách tích cực dưới sự hướng dẫn, động viên của người thầy. Và điều cơ bản là nhà trường phải thực hiện cho bằng được khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

TRẦN VĂN TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên