Anh Đức nói cuối tuần luôn là cao điểm, phục vụ không ngơi nghỉ. Dòng khách ra vào quán liên tục, tạo dáng chụp ảnh. Một số khách gọi nước uống, đặt món ăn trưa.
Hút khách nhờ view điện gió
Farmstay của anh nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, ở đây khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhưng quan trọng hơn, Vườn Chân Trời được đánh giá là một trong số ít farmstay có view đẹp nhờ nhìn ra cánh đồng điện gió ngút ngàn ở xã Hướng Tân và Hướng Linh.
Farmstay Vườn Chân Trời phục vụ ẩm thực địa phương, và là điểm có cảnh quan đẹp, có thể nhìn bao quát núi đồi và sự phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà, qua những cánh đồng điện gió.
Riêng dịp tết Quý Mão đầu năm 2023, Vườn Chân Trời đón 10.000 lượt khách đến thăm quan. Từ sau tết âm lịch đến nay, farmstay này đón thêm 7.000 lượt khách. Nhiều người trong số đó đến từ các tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Lý giải du lịch huyện nhà đơn sơ nhưng đang trên đà phát triển, anh Đức cho rằng đây là vùng đất mới, có khí hậu mát mẻ, hơn nữa có những trụ điện gió đan xen giữa những ngọn đồi và tầng mây tạo nên cảnh quan khác lạ, hấp dẫn du khách.
Anh Nguyễn Văn Đức, chủ farmstay Vườn Chân Trời
Lúc farmstay đi vào hoạt động thì chưa có điện gió, tôi chỉ trồng hoa tạo điểm checkin thông thường. Sau này, cũng nhờ một phần có view điện gió tạo điểm nhấn nên hút khách.
Theo UBND huyện Hướng Hóa, trong 3 năm trở lại đây, 12 mô hình homestay và farmstay được một số hộ dân xây dựng phục vụ khách du lịch.
Đây là các mô hình khai thác được tiềm năng lợi thế thiên nhiên, cánh đồng điện gió cũng như bản sắc văn hoá bản địa để phục vụ khách du lịch, bước đầu các mô hình này đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm hàng năm, nhất là vào mùa hè, các dịp lễ, tết và cuối tuần.
Riêng 3 tháng đầu năm 2023, huyện Hướng Hóa đón 80.000 lượt khách đến thăm quan.
Điện gió mang lại làn gió mới
Sáng sớm, bà Trần Thị Tuyến (60 tuổi, ngụ thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng), vui ra mặt khi dẫn con bò 2 năm tuổi ra thả sau vườn nhà. Con bò của bà Tuyến là bò cái, được dự án điện gió Phong Huy hỗ trợ con giống vào cuối năm 2022. Sau gần một năm chăm sóc, con bò khỏe mạnh, béo tốt.
Theo chương trình tài trợ, bà Tuyến nuôi sinh sản con bò này. Bò con sinh ra sẽ hỗ trợ gia đình tiếp theo, lúc đó con bò mẹ mới toàn quyền sở hữu của người phụ nữ tuổi lục tuần. "Con bò khỏe mạnh nên tôi rất mừng, ít nhiều tôi có đồng vốn lận lưng", bà Tuyến nói.
Đầu năm 2022, bà Tuyến cũng nhận 100 con gà giống từ dự án điện gió Phong Huy. Trong thời gian thực hiện các dự án điện gió, bà Tuyến có 0,25ha đất trồng cà phê bị giải tỏa nên ảnh hưởng phần nào đến sinh kế.
Ông Đào Quang Lệ, chuyên viên môi trường xã hội của dự án điện gió Phong Huy, Phong Nguyên, Liên Lập cho hay, từ tháng 10-2011 đến nay, dự án tài trợ hơn 2 tỷ đồng cho khoảng 15 thôn của các xã Tân Thành, Tân Lập, Hướng Tân, Hướng Phùng, và thị trấn Khe Sanh.
Khoản tiền này dùng hỗ trợ gà, bò, dê giống, giếng nước, giao thông nông thôn, suất ăn cho trẻ mầm non, khuyến học… cho người bản địa.
"Chúng tôi khảo sát trực tiếp tại địa phương để nắm bắt tâm tư của bà con. Tùy thực tế, địa phương cần gì thì dự án mới xây dựng để phù hợp", ông Lệ nói.
Nhờ sự hỗ trợ này, cuộc sống bà con thay đổi đáng kể như giao thông thuận lợi, xe vào tận rẫy thu mua khiến giá cả nông sản nâng lên, đời sống kinh tế bớt phần khó khăn, văn hóa tinh thần nâng cao.
Có 19 dự án điện gió đã đi vào vận hành
Ông Lê Quang Thuận - Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho hay hiện có 19 dự án điện gió đi vào hoạt động ở huyện này, cùng nhiều dự án đang xây dựng, triển khai. "Trong quá trình thi công điện gió, các dự án xây dựng 80 km đường để vận chuyển trang thiết bị.
Đến nay, các tuyến đường này được người dân sử dụng, nối các thôn bản, xã với nhau, giúp giao thông thuận lợi, hàng hóa trao đổi nhanh hơn", ông Thuận nói.
"Ngoài ra, điện gió mang lại nguồn thu thuế lớn cho tỉnh nhà. Huyện Hướng Hóa không trực tiếp thu nguồn tiền này, nhưng được tỉnh phân bổ trở lại hàng năm, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội của huyện", ông Thuận thông tin.
Theo Ban dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án điện gió còn hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng cho nhân dân tại các xã khó khăn.
Đặc biệt, trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, các doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ vật chất, kinh phí, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, ủng hộ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các dự án điện gió hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số sửa chữa 117 nhà ở tại xã Hướng Linh, xóa 6 nhà tạm, nhà dột nát tại xã Hướng Linh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận