Ông Nguyễn Hữu Giềng - giám đốc BQL Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang (áo xanh giữa) - tiếp nhận hiện vật Văn hóa Óc Eo từ gia đình ông Cường - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chiều 25-4, ông Nguyễn Hữu Giềng - giám đốc BQL Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang - cho biết sáng cùng ngày, đoàn công tác của BQL vừa đến gia đình ông Phạm Văn Cường (Lê Cường), ở xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp nhận 7 hiện vật Văn hóa Óc Eo tiêu biểu gồm: 2 tượng đá lớn Mukhalinga, 1 phù điêu, 1 tượng thần bằng kim loại, 1 tượng thần bán thân, 1 tượng thần 3 mặt và 1 tượng thần đá lớn trong tư thế ngồi.
Tất cả hiện vật Văn hóa Óc Eo nêu trên đã được BQL Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang mang về tại Bảo tàng Văn hóa Óc Eo ở huyện Thoại Sơn.
Theo ông Giềng, sắp tới đơn vị sẽ tổ chức mời chuyên gia chỉnh lý, thẩm định để sớm đưa các hiện vật này vào trưng bày giới thiệu cho đông đảo khách trong nước và quốc tế tham quan.
"Trước mắt chúng tôi tiếp nhận mang về. Sau đó mời chuyên gia chỉnh lý, thẩm định xem ở niên đại nào và thuộc nhóm cổ vật nào và sẽ đề nghị UBND tỉnh khen thưởng cho gia đình ông Lê Cường" - ông Giềng nói.
Đoàn công tác đã tiếp nhận hiện vật Văn hóa Óc Eo - Ảnh: BỬU ĐẤU
Được biết, Văn hóa Óc Eo có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Di chỉ đầu tiên thuộc Văn hóa Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật tại gò Óc Eo (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào năm 1944.
Hiện vật Văn hóa Óc Eo được gia đình ông Cường ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
BQL Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang cho biết sẽ tổ chức chỉnh lý, thẩm định để xác định niên đại các hiện vật này rồi đưa vào trưng bày tại bảo tàng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Sau này, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã có nhiều đợt khai quật từ năm 1983 đến năm 2016, ngày càng làm rõ thêm diện mạo nền văn hóa cổ này.
Không gian phân bố của Văn hóa Óc Eo ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ nhưng tập trung nhiều nhất là khu vực Óc Eo - Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Chỉ riêng ở An Giang đã có 150 di chỉ, tiêu biểu như di chỉ Đá Nổi (huyện Thoại Sơn) với nhiều mộ hỏa táng, di chỉ Ba Thê với hàng loạt dấu vết kiến trúc, cư trú, tháp cổ An Lợi, di chỉ Cô Tô (huyện Tri Tôn), di chỉ Gò Cây Tung (huyện Tịnh Biên).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận