29/06/2024 11:29 GMT+7

Một cuộc đổi mới nhìn từ đề thi văn

Năm 2011 - 2012 là thời kỳ Bộ GD-ĐT bắt đầu xây những "viên gạch" đầu tiên của công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - A 3nh: DUYÊN PHAN

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - A 3nh: DUYÊN PHAN

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng khi đó được xem là "khâu đột phá" để thúc đẩy sự thay đổi của hệ thống giáo dục phổ thông đang có sức ì khá nặng.

Đặc biệt bắt đầu từ năm 2015 đến nay, đề thi văn có những thay đổi rõ rệt để đáp ứng kỳ thi "hai mục đích" (xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng).

Phần đọc hiểu sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa nên thí sinh khó đoán, cách để làm tốt đề thi không phải học vẹt, học tủ mà phải học để nắm kỹ năng thực sự. Điều này cũng làm thay đổi khá lớn cách dạy học, thậm chí thay đổi một phần hiện trạng "lười đọc sách" của học sinh.

Cùng với việc đưa phần đọc hiểu và thay đổi cách hỏi ở những mức độ khác nhau, đề thi văn sau thời gian "gộp hai kỳ thi" hoặc kỳ thi tốt nghiệp nhiều mục đích như hiện tại cũng có những điểm cộng từ câu hỏi nghị luận xã hội.

Nó khiến đề văn gây được cảm tình với thí sinh cũng như người tiếp cận vì có nhiều "hơi thở" đời sống, thậm chí có tính thời sự. Nhiều vấn đề, nhiều giá trị được đặt ra để thí sinh suy nghĩ, bày tỏ. Những thay đổi tích cực từ đề thi cũng tác động đến thay đổi ở việc dạy và học văn.

Tuy nhiên, điểm trừ của đề thi văn - nhìn từ hơn một thập niên qua - vẫn lớn hơn điểm cộng. Năm nào cơ quan chức năng cũng phải đi xử lý tin đồn lộ đề văn được phát tán.

Đề có thể không lộ nhưng thí sinh vẫn đoán trúng phóc tác phẩm ra trong đề thi. Vì ban đề thi không dám "vượt rào" ở phần nghị luận văn học để lấy ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa. Chương trình có hơn chục tác phẩm, cày xới mãi, quay vòng nhiều lần thì sẽ dễ đoán.

Ngoài việc bó hẹp về ngữ liệu, cách hỏi của đề thi các năm cũng không có nhiều thay đổi, về cơ bản vẫn duy trì sự an toàn, quen thuộc. Điều này khiến các nhà trường cũng không chọn cách dạy học sáng tạo.

Còn một điểm gợn khác đã được nhiều thầy cô giáo nhắc đến, đó là "quyền được nói thật của học sinh".

Đề thi nhiều năm qua ở phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội có các câu hỏi mở nhưng đáp án lại "đóng", quan điểm của người chấm không đồng nhất nhưng lại ảnh hưởng đến kết quả chấm thi.

Bộ có hướng dẫn chấm, các hội đồng luôn phải thảo luận kỹ hướng chấm nhưng sự định hướng này lại thường đi theo một chiều. Không ai dám đảm bảo những ý kiến trái chiều trong bài làm của thí sinh có thể được chấp nhận.

Một giáo viên ở Hà Nội đã cho rằng đề thi năm nay hỏi về "tôn trọng cá tính" nhưng cô lo ngại đáp án sẽ khó "tôn trọng cá tính" của học sinh. Đề yêu cầu trình bày "suy nghĩ / cảm nhận của anh/chị" nhưng đáp án lại là "suy nghĩ / cảm nhận của thầy cô giáo.

"Chỉ có thể mơ thôi", một giáo viên dạy văn đã viết. Nhưng tại sao lại chỉ có thể mơ nhỉ khi các trường không thay đổi. Và điều kiện cần đầu tiên cho những đề thi quốc gia có tính đổi mới, sáng tạo thực sự là cần một lộ trình để thầy trò thay đổi từ quá trình dạy học.

Nhiều người cho rằng sang năm thi theo chương trình mới thì đề văn có thể sẽ có những đột phá. Nhưng chưa chắc đã như vậy nếu như hành trình đổi mới thực sự trong nhà trường vẫn chỉ "bình mới rượu cũ".

Họp báo, Bộ Giáo dục thông tin thêm vụ đề thi văn Họp báo, Bộ Giáo dục thông tin thêm vụ đề thi văn 'giống đề trên mạng'

Ngày 28-6, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên