21/09/2012 09:38 GMT+7

Một cuộc đời hoang

CHI MAI
CHI MAI

TT - Sinh ra ngoài ý muốn, lớn lên thiếu hơi ấm vòng tay mẹ, đến năm 20 tuổi giết người và lãnh án tử hình, cuộc đời của người thanh niên này quá ngắn ngủi.

iW48GBK3.jpgPhóng to
Trần Công Chơn, Trần Công Chất và H.L.M.L. ngồi chờ nghe tòa tuyên án - Ảnh: C.MAI

Bốn bị cáo đứng trước phiên tòa sơ thẩm ngày 19-9 của TAND TP.HCM. Hai người Trần Công Chơn, Trần Công Chất là anh em sinh đôi. Bị cáo thứ ba, H.L.M.L., chỉ mới 17 tuổi.

Bị cáo còn lại là Nguyễn Thị Yến Tuyết (25 tuổi, người có quan hệ tình cảm với Chơn) đã giúp sức Chơn đi bán tài sản cướp được và cố tình che giấu, không tố giác hành vi phạm tội của Chơn.

Giết người vì túng thiếu

Trước tòa, Trần Công Chơn, người anh và cũng là chủ mưu của vụ án này, cúi đầu khai nhận đã rủ em trai và bạn là L. cùng gây án. Theo lời khai của bị cáo, Chơn và Chất từ quê (Tiền Giang) lên TP.HCM tìm việc và được nhận vào làm tại nhà hàng tiệc cưới Thảo Nguyên Xanh (huyện Bình Chánh). Tháng 5-2011, nhà hàng đóng cửa. Trong lúc tiền lương mấy tháng chưa được ông chủ trả, lại loay hoay nhiều ngày mà không tìm được việc làm mới, cả hai lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, còn bị chủ nhà trọ dọa lấy lại phòng. Chơn nghĩ đến chuyện đi lấy trộm tài sản của chủ nhà hàng.

Tối 8-8-2011, Chơn, Chất và L. đến nhà hàng gọi cửa để vào chơi và ngủ nhờ thì được anh L.M.T., con trai ông chủ nhà hàng, nghĩ tình anh em cũ nên đồng ý mở cửa cho vào. Cả ba kẻ giữ tay, kẻ siết cổ nạn nhân rồi đem xác đặt xuống hố ximăng bên hông nhà hàng. Các bị cáo bán máy tính, điện thoại của nạn nhân được hơn 3 triệu đồng, trả tiền thuê nhà rồi bỏ về quê ngoại tại Tiền Giang.

Tòa hỏi Chơn: “Có biết việc đi lấy trộm tài sản của người khác là phạm tội hay không mà còn rủ cả em mình đi?”. Bị cáo Chơn lí nhí đáp có. “Không chỉ trộm cắp như mục đích ban đầu mà sau đó các bị cáo còn tổ chức cướp rồi giết nạn nhân để phi tang nữa. Vì sao bị cáo lại làm vậy?” - hội đồng xét xử gọi từng người để hỏi câu này. Đáp lại, các bị cáo đều nêu lý do duy nhất: cần tiền để tiêu xài. “Các bị cáo là thanh niên, có sức khỏe, có thể kiếm tiền bằng nhiều cách, nhờ lao động của mình chứ sao lại đi ăn cướp rồi giết người?”, không bị cáo nào trả lời câu hỏi trên của hội đồng xét xử.

Đáng nói nữa là khi được Chơn rủ tham gia vụ án này, bị cáo L. mới chỉ hơn 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10. Gần chục người bạn của L. đã đến dự phiên tòa. Những gương mặt học trò trẻ măng bần thần theo dõi phiên xử người bạn của mình.

Với hành vi giết người, cướp tài sản rất táo bạo, đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo, Viện kiểm sát đã đề nghị tòa xử Chơn án tử hình, Chất tù chung thân, còn L. 18 năm tù (mức án nặng nhất dành cho người chưa thành niên phạm tội).

Niềm mong mỏi không thành

Giờ nghị án, bà ngoại của Chơn, Chất nước mắt ngắn dài cứ níu lấy vị luật sư (được tòa chỉ định bào chữa miễn phí cho hai bị cáo) để hỏi thăm về cơ hội thoát án tử của đứa cháu ngoại. Đưa tay chặm những dòng nước mắt chảy tràn xuống tận cằm, bà kể mẹ của Chơn, Chất mang thai hai đứa lúc chỉ mới 14 tuổi: “Gia đình nghèo, vợ chồng tui lo mần ruộng tối ngày, có thời gian đâu mà nhìn ngó tụi nhỏ. Tới chừng thấy bụng con to quá mới hỏi gặng. Nó mới nói thiệt là bị người ta gạt tới mang thai. Mà cái thai lúc đó đã hơn 5 tháng, đâu còn bỏ được. Cái người đã gạt nó có con nhất định không chịu nhận, mà mình cũng chẳng có chứng cứ gì nên thôi. Tui đành lo cho con sinh nở. Cha nó ban đầu giận lắm nhưng sau khi thấy hai đứa cháu sinh đôi nhỏ xíu tội nghiệp cũng thương. Cái tên Chơn - Chất là do ông ngoại chúng đặt, chỉ mong hai đứa lớn lên sống hiền lành, chơn chất đúng như tên mình. Mà hồi đó giờ chúng cũng hiền lắm, có ngờ đâu...”.

Bà ngoại Chơn, Chất lại sụt sịt: “Lúc sinh tụi nó mẹ nó cũng còn nhỏ quá, có biết chăm con là gì đâu. Tui là bà ngoại mà cũng làm mẹ của hai đứa nó luôn. Con được mấy tháng là mẹ nó lên TP làm để kiếm ít tiền gửi về phụ mua sữa cho con. Được một thời gian thì mẹ nó có người thương nên lấy về làm vợ. Thằng Chơn, thằng Chất ở luôn với tôi tới giờ”.

Hai người dì của Chơn, Chất cũng từ Tiền Giang lên dự phiên tòa. Dì Út của hai bị cáo còn rất trẻ, rưng rưng kể: “Từ nhỏ tui và chị Sáu đã cùng với bà ngoại chăm sóc cho hai đứa nó. Mẹ nó có chồng rồi sinh tiếp ba đứa nữa, đâu có điều kiện ngó ngàng tới chúng”.

Được hỏi mẹ ruột của hai bị cáo có dự phiên tòa hay không, dì Út của Chơn, Chất chỉ sang người phụ nữ cũng còn khá trẻ đang đứng lặng cách đó vài bước: “Mẹ tụi nó đó”. Biết mọi người đang dồn mắt về mình, mẹ bị cáo Chơn và Chất cúi đầu lùi ra xa. Vẻ mặt của người phụ nữ đó thật khó tả. Dường như nỗi ân hận về việc bỏ rơi con cái, cũng là nguyên nhân khiến hai đứa phải đứng trước vành móng ngựa này, đã khiến khuôn mặt chị đầy nỗi u uất. Trong lúc bà ngoại và các dì của hai bị cáo phân trần về cái nghèo, nỗi tủi khổ của hai đứa trẻ sinh đôi từ lúc bị mẹ bỏ cho ngoại nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, người mẹ lẳng lặng lánh đi chỗ khác.

Giờ nghị án kéo dài lâu hơn thường lệ. Chuông reng. Chơn bị tòa tuyên án tử hình, Chất 22 năm tù, L. 16 năm tù. Người mẹ dựa đầu vào góc tường, hai hàng nước mắt lúc này mới ào chảy trên gương mặt méo xệch. Đứng bên cạnh là bà ngoại và hai người dì của Chơn, Chất cũng bật khóc nức nở.

Chơn, Chất bị còng tay giải đi nhanh. Bà ngoại, hai dì và mẹ của các bị cáo tất tả chạy theo sau. Rồi vẫn khóc, họ đứng thật lâu giữa sân tòa để chờ nhìn lần nữa khi hai đứa con đến giờ dẫn lên xe về lại trại giam. Còn vẳng mãi câu nói như tiếng thở dài đầy trách cứ của vị thẩm phán trong hội đồng xét xử: “Cha mẹ sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Chứ cứ bỏ mặc chúng lớn lên như cây cỏ, trách nào chúng không hư hỏng, phạm pháp...”.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên