Giá như... không phải nói “giá như”“Tôi chỉ tính thế thôi”Trục lợi từ đất người nghèo
Phiên tòa xét xử hai nguyên chiến sĩ công an đồn 19 là Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Hoàng Vũ cùng đồng phạm Đỗ Duy Cường (22 tuổi) được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử ngày 10-6. Đáp lại rất nhiều câu hỏi của vị chủ tọa, các bị cáo đều trả lời “say quá, không nhớ” hoặc “say quá nên không biết gì”.
Vì “say quá” nên câu chuyện mà các bị cáo trả lời tại tòa chỉ là mảnh ghép rời rạc. Tuy nhiên, cáo trạng thể hiện rất rõ: Tối 26-10-2013, Nguyễn Hoàng Vũ mời Nguyễn Quốc Việt, Đỗ Duy Cường cùng một số bạn bè đến mừng sinh nhật tại một nhà hàng trên đường Lê Đức Thọ, Q.Cầu Giấy. Tại đây, nhóm của Vũ quen nhóm anh Trần Mạnh V.. Được hỏi tuổi, anh V. trả lời sinh năm 1984 thì Nguyễn Quốc Việt không tin mà đòi xem chứng minh nhân dân. Việt thách thức: “Nếu anh sinh năm 1984 thì tôi phải uống 10 chén rượu, nếu không đúng thì anh phải uống 10 chén rượu”.
Chỉ vì chuyện ai phải uống 10 chén rượu ấy mà cả hai nhóm lời qua tiếng lại. Vũ, Việt và Cường đã tát anh V., dùng chân đạp vào tay, mặt, cằm làm anh V. ngã xuống nền bêtông. Anh V. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Bác sĩ chẩn đoán anh bị ngộ độc rượu nên cho về nhà theo dõi. Một ngày sau, anh V. nhập viện trở lại và tử vong do chấn thương sọ não kín, vỡ xương sọ, giập não và phù não nặng.
Anh V. mất, vị bác sĩ bị phê bình vì đã không phân biệt được chấn thương sọ não với ngộ độc rượu. Các bị cáo hầu tòa về tội cố ý gây thương tích.
Tòa hỏi bị cáo Việt: “Sao ở quán rượu mà bị cáo phải xưng mình là công an, có phải xưng như vậy thì vị thế của bị cáo so với người khác đã thay đổi không? Bị cáo là công an thì cần gì thể hiện quyền lực trong lúc đó?”. Đáp lại, bị cáo bảo không phải muốn thể hiện quyền lực mà vì say quá nên không biết gì.
Tòa tiếp tục chất vấn: “Người ta sinh năm 1984 thì mặc kệ người ta, bị cáo đòi xem chứng minh nhân dân làm gì, sao cứ thích làm anh người khác? Nghề nghiệp của bị cáo là do được gia đình tạo dựng cho bị cáo chứ trình độ bị cáo không được như thế. Nhóm bạn của anh V. có trình độ đại học, viết bản tường trình đâu ra đấy trong khi bị cáo viết không đâu ra đâu. Gặp nhau lẽ ra phải giao lưu học hỏi thì bị cáo lại gây ra chuyện này, phải nghiêm túc kiểm xem mình đúng hay sai”.
Trước những lời nói thấm thía của vị chủ tọa, bị cáo đứng cúi đầu bảo “rất hối hận”.
Được tòa thẩm vấn, bị cáo Vũ cũng nhiều lần trả lời không nhớ và cho biết rất hối hận vì là chiến sĩ công an, đang làm chủ bàn tiệc mà lại hành xử như vậy.
Gia đình các bị cáo đã đền bù thỏa đáng nên tại tòa, đại diện bị hại không yêu cầu bồi thường dân sự và xin tòa giảm án cho các bị cáo.
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện bị hại, nói: “Hôm nghe tin công an đánh chết người, cả làng tôi ai cũng giận lắm! Nhưng người mất thì cũng đã mất rồi, không ai mong muốn mất mát này xảy ra. Chén rượu vào ai cũng cho là mình đúng. Chỉ mong sau này các bị cáo nhớ đến bài học này để làm lại cuộc đời...”.
Nghe những lời khoan dung ấy, các bị cáo đều cúi đầu tỏ vẻ ăn năn. Được nói lời sau cùng, cả ba bị cáo đều quay xuống xin lỗi gia đình bị hại và mong sớm được ra tù để về thắp cho anh V. một nén nhang...
Tòa tuyên án Nguyễn Quốc Việt 7 năm tù, Nguyễn Hoàng Vũ 5 năm 6 tháng tù và Đỗ Duy Cường 5 năm tù. Khi các bị cáo được dẫn đi rồi, bố bị cáo Việt vẫn còn đứng lại, nói với người dự khán bằng giọng xót xa: “Cả gia đình tôi có công với cách mạng. Gia đình hướng Việt vào cơ quan hành pháp để mong muốn làm rạng danh cho dòng họ. Không ai muốn một cảnh sát nhân dân lại vướng vào vòng lao lý cả. Nhưng có ngờ đâu, con tôi bồng bột quá!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận