16/08/2023 10:54 GMT+7

Một bình luận cũng có thể 'giết' người

Câu chuyện bạo lực mạng không phải quá mới song có lẽ đang trở lại nhức nhối và được nhắc nhiều những ngày qua.

Học sinh TP.HCM cùng chia sẻ các thảo luận về câu chuyện bạo lực mạng với trẻ em hiện nay - Ảnh: B.MINH

Học sinh TP.HCM cùng chia sẻ các thảo luận về câu chuyện bạo lực mạng với trẻ em hiện nay - Ảnh: B.MINH

Hôm rồi trong cuộc họp của Hội đồng Trẻ em TP.HCM, có một bạn học sinh cấp II đã nói rằng nhiều bạn rất vô tư để lại bình luận trên mạng mà đâu biết đang làm tổn thương người khác, nhất là người được nhắc đến trong đó.

Đừng chọn cách bạo lực mạng với ai nếu không muốn một ngày nào đó chính mình cũng đụng phải bạo lực mạng.

Có lẽ chúng ta đều thấy điều này rõ nhất qua cuộc tấn công người đẹp dại miệng mới đây. Những kiểu bình luận vào hùa, ném đá, a dua theo số đông, mặc kệ người phải hứng chịu có thế nào chăng nữa không quá xa lạ nhưng gần đây đang bị lạm dụng quá đà.

Cũng chính nhiều bạn học sinh tại TP.HCM nói rằng gặp chuyện gì không vừa lòng nhau, nhiều bạn sẵn sàng chọn cách tấn công, nói xấu bạn mình trên mạng bằng những tài khoản ẩn danh.

Thay vì có thể trao đổi cùng nhau hay chia sẻ vấn đề đang gặp phải với người lớn, nhiều bạn đã chọn thế giới mạng như một chỗ dựa, thứ vũ khí tưởng chừng vô hại để thỏa mãn cơn giận, hả hê trả thù.

Và các bạn gọi đó là bạo lực mạng!

Thoạt nghe như không có gì lớn nhưng hậu quả lại ghê gớm không thua gì bạo lực học đường. Thậm chí, những câu bình luận ác ý có thể "giết" một ai đó với mức độ sát thương thật sự kinh khủng mà không cần đến bất kỳ vật dụng gây thương tích nào.

Nhiều cuộc đụng độ, giải quyết mâu thuẫn ngoài đời từng bắt nguồn từ sự xích mích, lời qua tiếng lại trên mạng và nhiều người đã bị xử phạt vì những vụ việc như thế. Hóa ra, thế giới mạng tưởng là ảo nhưng hậu quả để lại rất thật chứ không ảo chút nào.

Rồi lại xuất hiện những kiến nghị như hồi chuông cảnh báo, lại khẩn thiết yêu cầu phải hành động, hãy làm gì đó trước câu chuyện bạo lực mạng ở cả quản lý vĩ mô lẫn nâng cao ý thức của mỗi người.

Trong những ý kiến được trẻ em TP.HCM đưa ra mới đây, các bạn mong không chỉ tập huấn sử dụng mạng an toàn cho học sinh mà nhất thiết cần có phụ huynh cùng tham gia.

Đây là cách giúp cha mẹ hiểu con cần gì, hỗ trợ con biết ứng xử đúng trên mạng xã hội, nhất là tháo gỡ kịp thời nếu chẳng may con bị tấn công, gặp bạo lực mạng.

Không chỉ trẻ con, rất nhiều người đang tận dụng tiện ích của công nghệ và mạng xã hội hiện nay cần được trang bị kỹ năng ứng phó, hành xử đúng đắn khi giao tiếp mạng.

Sẽ không có công thức chung song bài học kinh nghiệm, sự trải nghiệm là điều hoàn toàn có thể chia sẻ cho nhau. Ấy cũng là cách nhắc nhau và nhắc chính mình khi đối diện và giải quyết trước một vấn đề gặp phải trên mạng.

Người ta bảo người nói ra dễ quên nhưng người phải nghe sẽ luôn ghi nhớ, nhất là những lời nói ác ý, ngôn từ thâm ý, thậm chí có khi trở thành vết sẹo trong lòng.

Trẻ trăn trở về bạo lực mạngTrẻ trăn trở về bạo lực mạng

55 đại biểu đã tham gia kỳ họp 12 Hội đồng Trẻ em TP.HCM được tổ chức tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM với chủ đề "Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên