10/08/2015 09:16 GMT+7

Mong tình nguyện chỉ là men xúc tác

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - 1. Hôm nào ít thì vài chục, nhiều lên đến cả trăm người. Đó là hình ảnh dễ thấy trên các công trình giao thông nông thôn của chiến dịch Mùa hè xanh năm nay ở một số tỉnh miền Tây.

Nhiều người dân cùng ra làm với chiến sĩ, hình ảnh quen thuộc trên công trình Mùa hè xanh 2015 tại Trà Vinh Ảnh: Q.L.
Nhiều người dân cùng ra làm với chiến sĩ, hình ảnh quen thuộc trên công trình Mùa hè xanh 2015 tại Trà Vinh - Ảnh: Q.L.

Lực lượng ấy gồm cả chiến sĩ và dĩ nhiên không bao giờ thiếu bà con địa phương cùng làm. Ngày ít thì số người đối ứng cũng phải bằng một nửa sinh viên tình nguyện trong đội hình. Tại những công trình ấy, ngoài góp tiền với Nhà nước cùng làm, bà con còn góp công.

Ai không bận việc đồng áng sẽ góp nhiều hay choàng gánh cho nhau để đảm bảo không lúc nào khoán trắng việc cho lực lượng tình nguyện từ TP.HCM về giúp họ. Trong đó có nhiều phụ nữ cũng ra làm đường với chiến sĩ.

Không làm được việc nặng, các cô, các chị đứng xúc cát vào xô hay lo nước uống, đồ ăn cho lực lượng làm chính. Không chỉ trôi chảy công việc, những câu chuyện pha trò trong lúc làm, hỏi thăm lúc nghỉ ngơi đã gắn kết bà con với chiến sĩ thêm gần nhau hơn.

2. Mới đây, tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM), trong khi hơn 20 bạn trẻ của Quận đoàn 10 lội mương móc sình đắp bờ cho con hẻm bêtông vừa hoàn thành trước đó vài ngày để mưa gió không thổi bay lớp cát nền bên dưới thì nhiều người dân ngồi trong nhà sát hẻm nhìn ra như không thấy!

Thậm chí, mấy thanh niên còn đánh bida ngay quán đầu hẻm. Cười bắt chuyện hỏi sao các bạn không phụ, chúng tôi còn bị nhìn gườm gườm rồi họ thản nhiên chơi tiếp.

Duy nhất chú Ba Lô, một người dân sống ở đây đã xuống mương móc sình chuyền cho chiến sĩ đứng trên bờ. Chú lập luận: “Mình làm quen, lại là người địa phương mà không làm, để các cháu từ thành phố xuống đây làm thay công việc của mình coi sao đặng”.

Nhưng cũng có nhiều người ngồi trong nhà nhìn ra kìa chú! “Ai tự giác thì ra phụ một tay, ngay hôm trải bêtông con hẻm này cũng chỉ có tui với vài người nữa chứ kêu gọi mà có ai chịu ra làm đâu dù hằng ngày đều đi qua con hẻm này vô nhà” - chú Ba Lô kể.

3. Hai hình ảnh trái ngược nhau hoàn toàn ấy là chuyện cũ, đã được nhắc nhiều lần nhưng hầu như không có chuyển biến đáng kể. Ngay công trình cải tạo kênh ô nhiễm hằng năm sẽ dễ thấy nhất, hiếm hoi lắm mới có người dân, đôi khi dễ lấp liếm rằng có các bạn trẻ địa phương cùng làm đó!

Có chiến sĩ nói chuyện này quen rồi, gặp hoài mà! Nhưng cũng không thể nói vậy. Bởi chắc chắn một điều không chiến sĩ nào toan tính mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức, cũng không sinh viên nào quan tâm việc mình đang làm thay cho ai.

Việc vận động người dân cùng làm phải là trách nhiệm của địa phương vì chính họ sẽ thụ hưởng thành quả từ sự giúp sức này.

Đó là chưa kể ở không ít nơi, địa phương và người dân còn chưa làm tốt việc giữ gìn, bảo vệ kết quả đã có nên mới có tình trạng cùng một chỗ mà cải tạo đi cải tạo lại nhiều năm liền vẫn y như cũ.

Quan điểm lực lượng tình nguyện chỉ làm chất men xúc tác, khơi mào để vận động bà con tại chỗ cùng làm chứ không phải là chiếc bánh có sẵn xem chừng vẫn chỉ là quan điểm, ít có giá trị thực tế ở nhiều địa bàn thực hiện chiến dịch mỗi năm.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên