Sông Sài Gòn, đoạn chảy ngang trung tâm TP Thủ Dầu Một, Bình Dương - Ảnh: L.N.HẠNH
Con sông Sài Gòn như dải lụa mềm vắt ngang qua thành phố nơi tôi đang sinh sống chẳng phải là bến Bạch Đằng của TP.HCM mà là bến Bạch Đằng ở trung tâm TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Nhà tôi sát cạnh sông. Mấy chục năm luôn cảm thấy tự hào khi nơi chốn mình sinh ra và lớn lên giữa lòng phố nhưng lại có dòng sông Sài Gòn chảy ngang qua. Ngày nào cũng qua lại bao nhiêu bận mà tình yêu với con sông hiền hòa mỗi ngày cứ đầy thêm.
Đến mức, thành thói quen, cứ mỗi chiều lại cố tình kéo dài đoạn đường về nhà xa thêm một đỗi chỉ để ngang qua con đường dọc theo dòng sông, nhìn về phía bờ tây mé bên kia thành phố, để thấy mặt trời đỏ rực to tròn như cái nia từ từ lặn xuống mé sông.
Trong suy nghĩ của tôi, một dòng sông ngang qua những thành phố chính là hiển hiện sự trù phú, thơ mộng, nét hài hòa, làm dịu bớt những chật chội, nóng bức, ngột ngạt từ những tòa bêtông về nghĩa đen và lòng người theo nghĩa bóng.
Sông ngoài là sông, là dòng chảy ngoài nhiệm vụ cân bằng hệ sinh thái, về góc độ tâm linh còn là nét phong thủy độc đáo. Thật thiếu sót nếu như chưa khám phá, khai thác, phát triển những tiềm năng từ sông Sài Gòn.
Vài năm trước, tôi từng rất háo hức khi nghe thông tin tuyến tàu buýt Bạch Đằng (quận 1) - Bình Dương - Củ Chi được khai thác và chính thức đi vào hoạt động.
Vậy rồi vì điều kiện chủ quan hay khách quan sao đó, rồi dịch bệnh bùng phát, kéo dài đã kéo theo những thay đổi. Và tuyến tàu buýt trên sông Sài Gòn xuôi dọc về Bình Dương đi Củ Chi từ đó lại tiếp tục thành niềm mơ tưởng trong tôi và những người dân Bình Dương.
Tôi từng ước những tuyến tàu buýt được thiết kế riêng biệt từ bến Bạch Đằng của Sài Gòn đi bến Bạch Đằng của TP Thủ Dầu Một để vận chuyển người dân hai thành phố qua lại kết hợp cho khách du lịch từ những địa phương khác đến thăm thú.
Trong khi hệ thống giao thông đường bộ đã chật kín người, xe thì giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn đi Bình Dương đến Tây Ninh lại vô cùng thông thoáng vì chưa được khai thác.
Bình Dương có nhiều lợi thế khi vị trí địa lý sát cạnh TP.HCM, lại có dòng sông Sài Gòn xuôi dọc bên. Trung tâm Thủ Dầu Một tọa lạc nhiều ngôi chùa cổ kính tiếng tăm: chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, chùa Ông Ngựa...
Bên cạnh đó còn có hệ thống buýt Tokyu rất văn minh, hiện đại, có thể vận chuyển người dân và du khách du lịch tâm linh kết hợp tham quan trung tâm TP mới Bình Dương tại phường Hòa Phú. Phát triển sông Sài Gòn không thể thiếu sự liên kết vùng giữa các địa phương Đông Nam Bộ.
Buýt đường sông tuyến Sài Gòn - Bình Dương nhất thiết cần được khai thác, vận hành để đáp ứng ngoài nhu cầu giao thương, đi lại của người dân còn phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn cảnh quan, thăm thú những làng nghề, cánh đồng rau, đồng hoa dọc theo hai bên sông Sài Gòn.
Sông chính là mạch nguồn của sự phát triển kinh tế, khẳng định tầm vóc và vị thế của một thành phố. Dòng sông xinh đẹp, thơ mộng sẽ tạo nên thành phố thơ mộng, xinh đẹp. Sông tưới tắm, nuôi nấng vạn vật, cỏ cây và con người.
Trong tâm khảm của tôi, sông Sài Gòn chính là linh hồn của những thành phố vùng miền Đông Nam Bộ. Vậy nên tôi có niềm hy vọng rằng trong nay mai những chuyến tàu buýt sẽ ngược xuôi trên dòng sông Sài Gòn thơ mộng để kết nối những bờ vui.
Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi
Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn" nhằm tìm các ý tưởng và giải pháp để góp phần phát triển sông Sài Gòn.
Các bạn có thể gửi ý kiến, bài viết, công trình nghiên cứu, đồ án, kế hoạch, ý tưởng... góp phần vào mô hình phát triển mới, hình dung về các đô thị bên sông của dòng sông trù phú này.
Các bài viết, đồ án sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên các ấn phẩm Tuổi Trẻ và đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4.
Bài dự thi gửi về email: songsaigon@tuoitre.com.vn hoặc gửi về báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn".
Thời gian nhận bài dự thi: từ 7-3 đến hết ngày 20-4-2022. Giải thưởng: Giải tập thể: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng. Giải cá nhân: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 10 triệu đồng; 1 giải ba: 5 triệu đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng.
Báo Tuổi Trẻ cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi. Ban tổ chức
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận