"Các nước ASEAN phải liên kết lại với nhau trên tinh thần "cùng làm, cùng phát triển", nhằm tạo ra một ASEAN số: Một thị trường ICT chung ASEAN; Một khung chính sách ICT chung ASEAN; Một ASEAN phẳng về roaming; Một trường đại học ICT ASEAN; Một trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN; Một trung tâm của Asean về an ninh không gian mạng"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị 5G và Sự phát triển ASEAN số sáng ngày 22-3.
Đây là một phần trong chuỗi Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc , Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong những năm cuối của thập niên này và những năm đầu thập niên sau, hai từ mang ý nghĩa chìa khóa sẽ là 5G và 8K.
Các nhà quản lý viễn thông ASEAN tham dự hội nghị đầu tiên của khu vực về phát triển 5G theo sáng kiến của Việt Nam, Ảnh: T.HÀ
Phó thủ tướng đặt ra câu hỏi liệu 5G có phải chỉ là bước đột phá về tốc độ mạng? "Cùng với sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, phần cứng, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, blockchain... liệu công nghệ 5G có làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất của thế giới này hay không?"
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề về việc chính phủ cứ để các doanh nghiệp, các công nghệ mới như 5G tự phát triển hay cần phải hành động, chủ động hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm giảm bớt rủi ro hơn trong thời gian đầu.
Bày tỏ hy vọng không chỉ chính phủ Việt Nam mà cả chính phủ các nước cũng sẽ nhận được các khuyến nghị cho riêng mình qua hội nghị này, Phó thủ tướng cũng mong muốn các nước ASEAN tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trao đổi lẫn nhau và cả với các nước đối tác để có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy các công nghệ mới, thay vì chỉ thụ hưởng như các thế hệ trước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Sẽ không còn chuyện, có những nước Asean đi sau thế giới về 3G/4G 6-8 năm. Đây cũng là hội nghị đầu tiên, khi các nước Asean cùng nhau trên tinh thần: Làm việc cùng nhau và cùng nhau phát triển. Cùng nhau bàn bạc về lộ trình cho một công nghệ mới".
Phải thay đổi về tư duy và cách tiếp cận
"Rồi đây, mỗi nước ASEAN sẽ nhận một số sáng kiến để thực hiện, và khi thành công sẽ chia sẻ kinh nghiệm ra các nước còn lại. Bằng cách này, sức mạnh của ASEAN sẽ tăng lên hàng chục lần", ông Hùng nói.
Hầu hết các nước Asean đã tuyên bố chiến lược của mình về kinh tế số. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tại hội nghị lần này, các nước ASEAN sẽ bàn về vai trò của 5G đối với kinh tế số, chính phủ số và xã hội số, về vai trò của 5G đối với Asean Số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định một lần nữa về việc các nước ASEAN đã có một nhận thức chung là Kinh tế số, 5G sẽ giúp Asean tiếp tục là một khu vực năng động, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng muốn bứt phá về công nghệ phải có tư duy mới trong cách tiếp cận - Ảnh; T.HÀ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các nước ASEAN có cơ hội bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận.
Do đó, Hội nghị về 5G lần này cũng là để bàn về cách tiếp cận của Asean. Đây là hội nghị đầu tiên và Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tiếp theo để Asean luôn đi cùng nhau, luôn chia sẻ cùng nhau.
"Các nước Asean có nhiều nét tương đồng. Về phát triển ICT thì lại càng có nhiều nét tương đồng hơn, bởi vậy chúng ta sẽ cùng phát triển hệ tri thức ICT Asean", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.
Bộ trưởng cũng phân tích thêm: "Các vấn đề như khi nào triển khai 5G, triển khai ban đầu thì nên ở qui mô nào; ứng dụng đầu tiên cho 5G là gì; qui hoạch tần số cho 5G ra sao; hài hoà tần số 5G trong Asean thế nào; đặt giá tần số cho 5G cao hay thấp; cấp tần số theo khu vực địa lý để khuyến khích ứng dụng 5G cho các nhà máy tự động hoá, các khu công nghệ cao; các qui định về chia sẻ hạ tầng để giảm chi phí đầu tư; mối liên hệ 5G và thúc đẩy kinh tế số là gì; hệ sinh thái 5G cần phải như thế nào; 5G sẽ giúp xã hội của chúng ta thông minh hơn ra sao; vấn đề bảo mật ra sao khi có hàng tỷ thiết bị kết nối vào mạng; cơ hội gì cho chúng ta về sản xuất thiết bị, nhất là thiết bị IoT; sự đóng góp công nghệ của Asean cho 5G là gì...".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chưa ai đi đầu về tất cả các vấn đề nêu trên. Có những vấn đề được bàn bạc tại hội nghị này là vấn đề lần đầu tiên được nêu ra.
"Bằng cách bàn bạc và chia sẻ những vấn đề mới nhất giữa các nước ASEAN với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, doanh nghiệp, rồi thử nghiệm tại nước mình, học hỏi thông qua triển khai - Learning by Doing (học và làm), chúng ta sẽ là những người đi đầu. ASEAN phải là những nước đi đầu, bởi vì chúng ta là khu vực năng động nhất trên thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận