19/10/2015 15:54 GMT+7

Mong một lần mặc áo cô dâu

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Đám cưới tập thể của 40 cặp đôi khuyết tật sẽ diễn ra tại sảnh cưới sang trọng của Him Lam Palace (nằm trong khuôn viên của sân Golf Tân Sơn Nhất) tại TP.HCM vào tối 20-10.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết và anh Nguyễn Tấn Luật cùng hai con nhỏ trong ngày thử áo cưới - Ảnh: K.ANH
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết và anh Nguyễn Tấn Luật cùng hai con nhỏ trong ngày thử áo cưới - Ảnh: K.ANH

Chương trình do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức. Đây là lễ cưới tập thể vì cộng đồng năm 2015 với chủ đề “Thắp sáng yêu thương - vẹn tròn hạnh phúc” dành tặng các cặp đôi khuyết tật chưa có điều kiện tổ chức lễ cưới hạnh phúc. Các cặp đôi cũng được tặng nhẫn cưới và một số tặng phẩm khác.

Đã có một số đơn vị hỗ trợ cho đám cưới như: đồ cưới, trang điểm, chụp hình, quay phim, bàn tiệc…cho các cặp đôi. Ngoài ra, sẽ có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Kim Cương, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Thanh Bạch, danh hài Minh Béo… cùng tham gia ủng hộ sự kiện này.

40 cặp đôi, là những câu chuyện tình ngọt ngào, và điểm chung là mong ước một lần trong đời được mặc áo cô dâu chú rể.

Chuyện tình vé số - phụ hồ

Bắt xe đò đi từ 4 giờ sáng từ Vũng Tàu đến TP.HCM để tham gia ngày thử áo cưới, nhẫn cưới mới đây, cô dâu Nguyễn Thị Vui vừa bồng con nhỏ vừa rạng rỡ: “Hôm nay cả hai vợ chồng tôi vui lắm. Hồi lấy nhau đâu có tổ chức tiệc mừng mà chỉ có mâm cơm ra mắt hai gia đình cho phải đạo thôi. Được mặc áo cô dâu chỉ là giấc mơ”.

Được các tình nguyện viên trong đội trang điểm làm đẹp xong, Vui xúng xính trong bộ áo soiree lăn những vòng xe cùng với người chồng trong bộ veston bồng con để chụp bức ảnh cưới ghi dấu ấn ngày hạnh phúc.

“Tụi mình cưới nhau được ba năm, mình đi bán vé số, ông xã làm phụ hồ. Tằn tiện cũng đủ tiền thuê nhà, nuôi con”- Vui cho biết.

Ông xã của Vui là một chàng trai lành lặn tên Danh Sang quê tận Kiên Giang nhưng lại đồng cảm với cô gái khuyết tật (quê Nam Định) ngồi xe lăn đi bán vé số bên bãi biển Vũng Tàu. Cả hai yêu thương nhau và đến với nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Họ đã có với nhau cô con gái nhỏ. “Ban ngày ông xã đi làm phụ hồ, mình ở nhà trông con. Tối có ông xã canh chừng con, mình đi bán vé số thêm mới đủ lo cho gia đình.”- Vui bày tỏ.

Chiến đấu với ung thư giai đoạn cuối

Còn với cô dâu Nguyễn Thị Kim Hạnh và chú rể Nguyễn Văn Toản đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của Kim Hạnh. Dù vậy Hạnh vẫn ước mong một lần khoác lên mình chiếc áo cô dâu.

Kim Hạnh quê ở Tiền Giang, còn anh Toản quê Lâm Đồng cùng gặp nhau ở một trung tâm hỗ trợ cho người khuyết tật tại TP. HCM, cả hai yêu thương nhau và đến với nhau được sáu năm. Hiện họ đang thuê trọ tại huyện Hóc Môn, Hạnh làm thợ may, còn Toản đi bán kẹo.

“Hai chúng tôi cưới cũng chỉ có gia đình hai bên. Vì hoàn cảnh đều khó khăn, muốn tổ chức bữa tiệc mời mọi người chung vui cũng không dám. Một tấm hình cưới mặc áo cô dâu chú rể cũng không có để làm kỷ niệm dù con gái đã 5 tuổi rồi”- chị Kim Hạnh bộc bạch.

Biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng có sự động viên của ông xã, chị Kim Hạnh vẫn lạc quan: “Cuộc sống không quan trọng là mình sống lâu hay ngắn mà những giây phút ở bên nhau luôn hạnh phúc mới là nguồn an ủi để tôi tin vào ngày mai.”.

Người bán vé số tần ngần ở tiệm áo cưới

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương (Phó chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP.HCM) chia sẻ câu chuyện của người chủ tiệm áo cưới Kim Tuyến: chị Tuyến chứng kiến hình ảnh một người đàn ông khuyết tật bán vé số tần ngần bên chiếc áo soiree của cửa hàng áo cưới. Khi được hỏi, anh ấy nói mong muốn bà xã của anh cũng được một lần mặc áo cô dâu.

"Rồi chị Kim Tuyến mời tôi cùng tham gia tổ chức đám cưới cho người khuyết tật. Riêng tôi, mấy chục năm nay gắn bó với công việc chăm lo cho người khuyết tật, nhưng tôi chỉ vận động mọi người lo chuyện học, chuyện ăn và nhiều thứ khác nhưng chưa nghĩ đến tình yêu của họ. Biết nhiều cô dâu khuyết tật vì hoàn cảnh khó khăn nên khi cưới chưa được mặc áo cô dâu. Tôi cũng đã vận động được một số quà tặng làm “của hồi môn” cho các cô dâu rồi, nhiều người tặng gối, tặng nồi cơm điện… tất cả đều là những yêu thương mong được san sẻ” - nghệ sĩ Kim Cương nói.

Yêu tiếng hát anh mù

Tham gia đám cưới tập thể còn có cặp đôi của anh Nguyễn Tấn Luật bị mù, quê tận Bắc Giang và chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết quê Nghệ An. Cô công nhân Bạch Tuyết khi nghe tiếng hát của anh chàng Tấn Luật mỗi khi đi bán kẹo rong để kiếm sống đã đem lòng thầm thương trộm nhớ. Rồi họ yêu nhau, thành vợ thành chồng hơn chục năm.

“Cả hai gia đình đều ở xa, chúng tôi đăng ký kết hôn rồi về ở với nhau chứ nào dám tổ chức đám cưới. Dù có hai con rồi nhưng khi biết có đám cưới tập thể, cả hai vợ chồng vẫn muốn được tham gia để ghi lại dấu ấn kỷ niệm 10 năm ngày đến với nhau. Trong nhà cũng chưa có tấm hình cô dâu chú rể mặc áo cưới mà”- chị Bạch Tuyết cho hay.

Hai anh chị thuê nhà trọ để hàng ngày chị đi làm công nhân ở một xưởng giày da, còn anh đêm đêm đi hát bán kẹo rong tại các quán ăn. Cuộc sống chật vật lo toan nhưng khi cô con gái đầu lòng chào đời, họ mới thấy phải vượt lên để lo cho tương lai của con.  

Chị tham gia tăng ca nhiều hơn, anh cũng ráng bán thêm khuya hơn. Rồi anh chị có thêm chàng hoàng tử, hạnh phúc đong đầy trong căn nhà trọ ấy. Tròn chục năm gắn bó bên nhạu, anh chị dành dụm được ít tiền xuôi về tỉnh Đồng Nai để mua mảnh đất gần ngã ba Vũng Tàu xây nhà.  

Hằng đêm chị làm "tài xế" chở anh từ Đồng Nai lên TP.HCM mang lời ca đến với mọi người mong bán được nhiều kẹo để kiếm tiền nuôi con.

Gặp họ trong ngày thử áo cưới, hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt của cả hai vợ chồng cùng hai thành viên nhỏ trong gia đình. “Chúng tôi phải cố gắng hết sức để xây dựng tổ ấm của mình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan. Dù thế nào thì cuộc sống vẫn cần ý chí vươn lên” - anh Luật cho biết.

Những cặp đôi khuyết tật đã có một ngày trọn vẹn yêu thương. 

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên