![]() |
Thẩm phán Vũ Thanh Lâm trong trang phục áo choàng dài - Ảnh: Thuận Thắng |
Người dân vui mừng trước sự thay đổi trước tiên về hình thức trang phục của thẩm phán, sau nữa, đồng tình với quan điểm của lãnh đạo ngành tư pháp về quy định trang phục mới này, đó là: sự uy nghiêm, trang trọng về hình thức mà khởi đầu là bộ trang phục của các vị thẩm phán sẽ đảm bảo củng cố và làm tăng thêm chất lượng của các phiên xét xử, đảm bảo tính công bằng, khách quan, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, vui mừng trước thay đổi, dù chỉ là bước đầu và cũng chỉ là hình thức nơi tòa án, người dân thấy mình có quyền đặt ra yêu cầu tiếp về việc: Liệu sự thay đổi này có thật sự là một thay đổi cho tiến trình chuyển biến về chất lượng các phiên tòa theo hướng cao hơn?
Bởi ông bà ta vốn có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ngạn ngữ phương Tây thì nhắc “cái áo không làm nên thầy tu”.
Chất lượng của một phiên tòa, suy cho cùng, vẫn căn cứ vào những phiên xử đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật, tính công bằng và khách quan của công lý, cũng như đảm bảo sự sáng suốt, công tâm đầy lý tưởng và trách nhiệm cao của các “ông tòa” khi “thay trời hành đạo” để cầm cân nảy mực trong những phán quyết mà nó không chỉ đại diện cho pháp luật, nó còn quan trọng lắm đến sinh mệnh chính trị, nhân thân, danh dự và tư cách công dân cả đời của một con người.
Người dân kỳ vọng rằng thông qua tấm áo choàng uy nghiêm hôm nay, các vị thẩm phán sẽ nắm vững luật pháp nhưng không cứng nhắc, tâm sáng, lòng trong và trách nhiệm trước tội ác, trước số phận của một con người.
Các phiên xử phải đảm bảo được đó không chỉ là nơi “phán tội” mà còn là nơi có thể cho một người phạm lỗi nhận ra sai phạm của mình, ăn năn, thống hối và sửa chữa (nếu còn có cơ hội) hoặc biết nhìn lại và tạ tội với những người mình trót gây lỗi (khi đã trót đi quá xa).
Hãy làm sao cho tiếng búa vang lên kết thúc phiên tòa, khi người thẩm phán uy nghiêm trong chiếc áo choàng rời khỏi nơi mình vừa thực thi công lý, sẽ không có tiếng oán than, những nghi ngờ âm ỉ, sự hụt hẫng niềm tin vào công lý và những “phải chi, giá mà...” nơi chính lương tâm và lòng tự trọng của mình.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng tấm áo choàng vẫn có thể để cho người ta đứng nghiêm kính trọng khi “ông tòa” bước vào - bước ra phiên xử, khi bản thân người thẩm phán không coi tấm áo đó như một phương tiện hình thức, trang trí mà coi đó như một nhắc nhở về tính trách nhiệm, về tấm lòng, về nhân cách của người không cần bịt mắt lại như Thần công lý, mà vẫn có thể minh bạch và thẳng ngay, chịu trách nhiệm trước xã hội về những phán quyết của mình ở mức cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận