01/12/2016 18:27 GMT+7

​Chiếc áo choàng của thẩm phán

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sáng 1-12, ba thẩm phán của HĐXX TAND TP.HCM đã thực hiện việc mặc chiếc áo choàng, trang phục mới của thẩm phán cho việc xét xử ở tòa.

Thẩm phán Vũ Thanh Lâm trong trang phục áo choàng dài - Ảnh: Thuận Thắng
Thẩm phán Vũ Thanh Lâm trong trang phục áo choàng dài - Ảnh: Thuận Thắng

Chiếc áo choàng mới này không chỉ để tăng tính uy nghiêm của phiên xử, mà còn đặt ra kỳ vọng của những người dân về sự uy nghiêm của thẩm phán cũng như sau tấm áo choàng màu đen, là những phán quyết nhân danh công lý.

Đã từng có áo choàng

Trong lịch sử tố tụng Việt Nam, chiếc áo của thẩm phán cũng đã có nhiều thay đổi. Mới đây, khi trình bày về đề án thay trang phục cho thẩm phán, các tác giả đã đưa ra căn cứ thú vị đó là vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh quy định y phục của thẩm phán tòa thượng thẩm và tòa đệ nhị cấp là áo choàng dài đen tay rộng.

Tuy nhiên sau đó, đến năm 1950 thì quy định thẩm phán mặc áo choàng đen tay rộng khi xét xử đã không còn được thực hiện nữa.

Thời gian sau đó, vấn đề trang phục của thẩm phán không được quy định cụ thể. Sau đó thẩm phán được quy định mặc áo sơmi trắng thắt cà vạt, bên ngoài là áo vest. Khi nói về trang phục mới này, bà Ung Thị Xuân Hương, chánh án TAND TP.HCM, cho rằng: 

“Trang phục xét xử lâu nay của thẩm phán là veston tối màu hoặc quần âu tối màu, sơmi trắng, cà vạt. Bộ trang phục này chưa giúp phân biệt được thẩm phán với số đông những người khác như đương sự, người tham gia, theo dõi phiên tòa nên chưa thể hiện được tính trang nghiêm, đặc thù trong công tác xét xử. Trước đó, đã từng có giai đoạn (năm 1946-1950), thẩm phán mặc áo thụng đen khi xét xử”.

Do đó, bà Hương cho rằng cần có trang phục riêng cho thẩm phán khi xét xử để vừa đảm bảo được tính trang nghiêm, vừa thể hiện tính đặc thù của người bảo vệ công lý. 

Đồng thời, việc đổi mới trang phục của thẩm phán đảm bảo sự hội nhập quốc tế, bởi lẽ hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có trang phục riêng đặc thù cho đội ngũ thẩm phán khi xét xử.

Người dân cần nhiều hơn tấm áo

Ngoài mục đích chiếc áo để phân biệt thẩm phán với những người khác có mặt tại phiên tòa thì trang phục còn để tăng thêm sự uy nghiêm của thẩm phán. Nhưng cái người dân cần, phía sau tấm áo đó, là sự công tâm của thẩm phán.

Luật sư Phan Trung Hoài, người có vài chục năm luôn có mặt ở những phiên xét xử để bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong những phiên tòa dân sự, hay bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa hình sự nói rằng ông rất háo hức và mong chờ trang phục mới của thẩm phán.

Sáng 1-12, ông ghé TAND TP.HCM để “ngắm” trang phục của các thẩm phán khi tòa này triển khai việc mặc áo choàng dài tay khi xét xử.

“Sáng nay tôi có vào phòng xử B của TAND TP.HCM, trực tiếp chứng kiến ba thẩm phán mặc trang phục thí điểm là áo choàng dài tay (còn gọi là áo thụng) khi xét xử một vụ án phúc thẩm. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ đối với những người hành nghề luật, mà còn tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm, thái độ của người dân đối với hình ảnh người thẩm phán trên công đường thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất hình ảnh của tòa án” - luật sư Hoài nói.

Luật sư Hoài chia sẻ thêm rằng khi sang Nhật Bản làm việc, thẩm phán người Nhật giải thích lý do mặc áo màu đen mà không phải màu khác là bởi màu đen là màu không thể pha trộn với màu gì khác, đó chính là sự liêm chính, màu đen còn là biểu tượng cho một sự thật duy nhất, đó là điều mà pháp luật phải tôn trọng.

Tuy nhiên, luật sư Phan Trung Hoài cũng nhấn mạnh thêm: cái người dân cần không chỉ là màu áo, mà là phía trong tấm áo choàng tay rộng đó là những trái tim, những phán quyết vì công lý.

Và ông Hoài cũng hi vọng các thẩm phán sẽ thấy đây là vinh dự lớn cho họ, cũng như khi họ ngồi dưới tấm Quốc huy trong phòng xử, nhân danh cho nước CHXHCN Việt Nam để tuân theo pháp luật để bảo vệ công lý.

“Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của ngành tòa án trong việc thí điểm trang phục mới của thẩm phán, nhưng điều có ý nghĩa quan trọng chính là tiến trình xác lập vị thế, hình ảnh của những người đại diện cho cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý.

Nói một cách giản dị, mong muốn chung người dân là sự thay đổi về trang phục rất quan trọng, phù hợp thông lệ quốc tế, nhưng nó phải hướng đến khả năng nâng cao chất lượng hoạt động xét xử và người dân có cơ hội tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các chủ thể xã hội”  - luật sư Phan Trung Hoài nói.

Ông Trần Văn Châu, chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, cũng cho biết sắp tới tòa này cũng triển khai để các thẩm phán mặc áo choàng dài khi xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền.

Hiện có 4 mẫu áo choàng tay rộng cho 4 cấp thẩm phán khác nhau: áo choàng cho thẩm phán sơ cấp, áo choàng cho thẩm phán trung cấp, áo choàng cho thẩm phán cao cấp và áo choàng cho thẩm phán TAND tối cao. Hiện mỗi thẩm phán đều được cấp 2 chiếc áo để thay đổi.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên