26/09/2022 09:08 GMT+7

Mong chờ từ cuộc giám sát

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành đã được gần bốn năm, hiện triển khai vào các trường sang năm học thứ ba ở cả ba cấp: tiểu học, THCS và THPT.

Thực tiễn dạy học đủ để nhìn lại và đánh giá về những ưu điểm cũng như bất cập đang tồn tại trong quá trình thực hiện chương trình này.

Thiếu giáo viên nói chung và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình mới là vấn đề bộc lộ rõ sự chuẩn bị chưa tốt về điều kiện. 

Trong đó, trách nhiệm không phải chỉ ở ngành GD-ĐT mà của các bộ, ngành liên quan và địa phương. 

Đáng nói là tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học (tiểu học), các môn tích hợp (THCS), nghệ thuật (THPT) khiến cho có những địa phương không thể triển khai, có những môn hầu như cả nước không thực hiện được.

Gần đây, vấn đề dạy các môn học mới gồm khoa học tự nhiên (có phân môn vật lý, hóa học, sinh học) và lịch sử và địa lý (có phân môn lịch sử, địa lý), trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương ở cấp THCS phát sinh nhiều bức xúc.

Có nhiều trường giao cho giáo viên đơn môn dạy toàn bộ môn khoa học tự nhiên hoặc lịch sử và địa lý khiến giáo viên quá tải do không được đào tạo dạy tích hợp. 

Có những trường bố trí thời khóa biểu bất hợp lý, khiến cho lần đầu trong lịch sử giáo dục, những môn như vật lý, hóa học, sinh học được đẩy lên đến bốn tiết/tuần. 

Học sinh chưa học đến kiến thức toán học (nền tảng) nhưng đã phải vận dụng nó vào bài học vật lý, hóa học do việc bố trí thời khóa biểu không khoa học, thiếu logic.

Rất nhiều rối ren khiến cho giáo viên chỉ biết than "chương trình làm chúng tôi khổ quá". Nhưng cái khổ đến từ chương trình là gì? Những bất cập nào thuộc về trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và các trường và bất cập nào thuộc trách nhiệm của giáo viên?

Những bẩt ổn của chương trình mới đang được truyền thông đề cập có hay không có, nó nằm ở chương trình hay khâu tập huấn, thực hiện?

Đây là những vấn đề cần phải kiểm tra, phân tích thấu đáo để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai; những vướng mắc, bức xúc đang tồn tại là vướng mắc ở điểm nào.

Trước hết, đây là việc Bộ GD-ĐT phải làm trước, làm rốt ráo và thực chất để chủ động có giải pháp khắc phục hữu hiệu chứ không chỉ trông đợi vào những bản báo cáo được làm đẹp.

Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết ủy ban có chuyên đề giám sát việc thực hiện nghị quyết 88 và nghị quyết 51 về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, việc triển khai của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong giai đoạn 2014-2022.

Thông tin này được dư luận quan tâm, với hy vọng một cơ quan giám sát độc lập có thể làm rõ được những vướng mắc, bất cập của chương trình, sách giáo khoa và các khâu thực hiện. 

Điều mong chờ ở cuộc giám sát này là chỉ rõ được những cái tốt và không tốt, trách nhiệm của các bên liên quan thế nào. Điều đó giúp lý giải cho những bất ổn đang diễn ra hiện nay. Đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý giáo dục phân tích, đặt ra những giải pháp cụ thể, sát thực.

Một chương trình đã thiếu sự chuẩn bị chu đáo khi bấm nút khởi động mà nếu việc kiểm tra, giám sát cũng chung chung, không chạm đến được những hạn chế khuất sâu trong cả hệ thống thì chương trình mới khó có thể thành công như mục tiêu đặt ra.

Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ giám sát nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết số 88, nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên