Hồi đó, con nít xóm tôi ngày hai bữa cơm mắm muối còn chưa đủ no, nên học phí là một gánh nặng của gia đình. Thầy cô đều nghèo nên dù thương học trò đứt ruột cũng khó lòng giúp mãi.
Còn nhớ hồi đó, ước mơ lớn nhất của tôi là có được một cây viết máy xịn, màu tím nho, viết không bị tưa ngòi, gãy ngòi, lem mực.
Tôi khát khao đến mức tối ngủ còn mơ thấy nó, giật mình thức giấc tiếc hùi hụi vì giấc mơ ngắn quá, mới được cầm, chưa viết chữ nào thì đã tỉnh mộng rồi.
Ngày cuối năm học lớp 5, tôi đi học mà lòng buồn vô hạn vì nghĩ đây có thể là ngày cuối cùng được đến trường. Bởi vì lên cấp II tôi phải chuyển ra học trường khác cách nhà mười mấy cây số, không thể đi bộ như từ trước tới giờ.
Trong khi đó, cũng như bạn bè trong xóm, nhà tôi không có lấy một chiếc xe đạp tử tế.
Buổi học cuối, sau khi nghe thầy nói lời chia tay, dặn dò và cho học trò về sớm, tôi vẫn nán lại ở sân trường rất lâu.
Tôi cứ thu lu ngồi dưới gốc cây tràm ngoài sân trường hoài như thế, hết nhìn dãy hành lang quen thuộc rồi dòm vô lớp học, ngó cái chỗ ngồi thân thương của mình mà nước mắt chảy thành dòng hồi nào không hay.
Lúc đó, tôi buồn hai nỗi, một nỗi sẽ xa ngôi trường sắp trở thành trường cũ, một nỗi sắp không còn được đi học nữa rồi. Tôi thật không muốn thôi học chút nào.
Tôi cứ ngồi như vậy rất lâu cho đến khi thầy xuất hiện, với một cây viết máy trên tay!
Thời tiểu học của tôi, mối quan hệ thầy trò có phần không giống với bây giờ. Mỗi thầy cô trong tâm trí lũ học trò nhỏ là một hình tượng vô cùng cao quý, đẹp đẽ, đặc biệt là luôn có một khoảng cách nhất định được giới hạn bằng sự tôn kính tuyệt đối của trò dành cho thầy.
Vì vậy, khoảnh khắc thầy xuất hiện ngay cạnh mình và trao cho món quà hằng ao ước, tôi cảm thấy thầy không khác gì một ông tiên!
Khoảnh khắc đó, trong tâm trí non nớt của đứa trẻ lên 10 đã rực lên một quyết tâm: bằng mọi cách phải đi học tiếp, chỉ để mỗi ngày được... sử dụng cây viết đẹp này cho thỏa nguyện, cho xứng đáng, vậy thôi!
Không một ai khác biết được rằng món quà đó có ý nghĩa lớn lao với cuộc đời tôi đến mức nào. Nhờ nó, tôi có thêm quyết tâm không bỏ dở việc học. Từ đó, tôi có cơ hội kéo dài những năm đèn sách, thực hiện ước mơ được mở mang hiểu biết.
Nhờ tình thương của thầy, tôi đã đi qua hết quãng đời học sinh, rồi sinh viên với bao nhiêu hoài bão đẹp.
Và không ai, kể cả tôi, biết được rằng suốt những năm tháng đó, thầy vẫn lặng lẽ dõi theo đứa học trò nhỏ năm nào để âm thầm giúp đỡ khi cần. Bằng cách nào đó, thầy đã giúp tôi có được những suất học bổng quý giá dành cho học trò nghèo suốt những năm tháng tôi miệt mài với giấc mơ đèn sách.
Sau này, khi vô tình xâu chuỗi lại nhiều việc, tôi mới nhận ra: các học bổng mà tôi cùng một số bạn được nhận trong các năm học phổ thông đều được trao bởi một doanh nghiệp lớn và thầy tôi chính là nhân sự chủ chốt làm ở mảng PR (public relations) của công ty đó, là người đề xuất và thực thi việc trao tặng các học bổng ấy.
Tôi tin đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Thầy tôi cũng không còn đi dạy nữa, kể từ mùa bế giảng năm đó...
26 năm đã trôi qua. Trải qua rất nhiều lần chuyển chỗ ở, tôi đã để lạc mất cây viết máy năm xưa. Đó là một trong những điều khiến tôi luôn tiếc nuối. Nhưng khoảnh khắc thầy ân cần trao cho món quà giữa sân trường năm ấy thì mãi mãi trong tôi không thể phai mờ.
Nghĩa cử của thầy đã gieo vào tâm hồn non nớt của đứa trẻ lên 10 một niềm tin lớn rằng cứ cố gắng hết sức mình với những ước mơ, rồi sẽ luôn có quý nhân giúp đỡ, như ông bụt bà tiên trong những câu chuyện cổ tích mà thầy thường kể cho chúng tôi nghe vào mỗi buổi học cuối tuần.
Và rằng, đôi khi, chỉ cần một hành động đẹp dù nhỏ của một nhân cách lớn cũng đủ trở thành bệ đỡ tinh thần vô cùng quý giá cho những mảnh đời bé mọn có cơ hội vươn lên, như tôi đã từng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận