Những bản tin “tức ngực” xuất hiện không biết bao lần, dồn dập mỗi mùa hè, thậm chí kéo dài quanh năm. Bao đau đớn, tiếc thương cũng không chuộc lại được cuộc đời. Chỉ có tìm giải pháp và hành động.
Tôi cũng thiếu kỹ năng sống. Khi bị một xoáy nước kéo ra xa trên bãi biển Vũng Tàu, chìm dần dưới những con sóng, tôi đã tiếc biết bao tuổi 19, quặn lòng khi nghĩ sẽ không còn được gặp ông bà, cha mẹ, chị em, bạn bè. Và tiếc vì mình đã không học bơi.
May mắn được cứu thoát, nhưng tôi đã vĩnh viễn mất đi cảm giác vui sướng khi đứng trước biển, vĩnh viễn không thể thoải mái thả mình trong làn nước. Một thiệt thòi không nhỏ cho đời người.
Một lần khác, chuyến công tác sau cơn bão số 9 dữ dội ở Lý Sơn kết thúc, tôi ra tàu về đất liền. Cầu tàu đã tan nát. Chiếc tàu cao tốc quay đuôi về phía mảng chân cầu còn sót lại, các anh thủy thủ ghì dây, hành khách đứng chờ, khi sóng xô tàu gần vào bờ thì... phi thân lao xuống.
Không có cách nào khác. Tôi đứng sững nhìn từng người một lần lượt lấy đà - canh khoảnh khắc - nhảy qua khoảng không. Phía dưới là sóng cuộn, là đuôi tàu đập rầm rầm vào thành bêtông.
“Nhảy nhanh, mạnh lên. Rớt xuống đó là nát xương” - một ai đó quát vào tai tôi.
Tái xanh, tim đập rầm rập, tôi biết chỉ có môn nhảy xa đã được học hai tiết trong trường phổ thông có thể cứu mình lúc này. Môn thể dục mà tôi yếu nhất, bỏ lơ nhất vì coi là môn phụ. Lúc ấy, trong đầu tôi bật ra một chân lý: mình đã bỏ lỡ những môn học sinh tồn...
Về thành phố, nhìn những cô cậu bé đeo kính cận, tay cầm bánh mì, bánh bao, sushi, cơm hộp, ngồi trên xe của cha mẹ chạy đến những lớp học thêm: tiếng Anh, văn, vẽ, nhạc, toán, lý, hóa, sinh, lúc rảnh lại vùi vào tivi, iPad... lòng tự hỏi không biết các em có còn thời gian, tâm sức để tập luyện những môn học sinh tồn, những kỹ năng sau này sẽ là thiết yếu trong cuộc sống?
Hỏi thêm những người bạn, đọc thêm những tin tức, biết rằng không chỉ ở TP.HCM hay Hà Nội mà với các em nhỏ sinh ra, lớn lên trên sông nước đồng bằng sông Cửu Long, bơi lội cũng trở thành xa xỉ, các em sinh ở cao nguyên giờ cũng chân yếu tay mềm. Vì sao? Vì thể dục thể thao trong học đường vẫn cứ mãi là môn phụ, là phong trào.
Nếu môn thể dục, giáo dục thể chất trong trường tiểu học, trung học được đặt lại tên thành môn học sinh tồn, được dành nhiều thời gian hơn, đầu tư nhiều điều kiện hơn thì quan điểm chính - phụ trong các thầy cô, phụ huynh và trong chính các em có thay đổi?
Môn sinh tồn được đầu tư đúng mức liệu có cho chúng ta kết quả là những cô cậu học sinh năng động, tự tin hơn, thành công hơn, cho một xã hội an toàn hơn, bớt đi những bản tin đuối nước, tức ngực đến nghẹn ngào vì sự vô lý?
Kỹ năng sinh tồn không thể chỉ dành riêng cho người may mắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận