Phóng sự truyền hình “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” của Truyền hình Tuổi Trẻ và loạt phóng sự cùng chủ đề trên ấn phẩm báo Tuổi Trẻ được lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo kiểm tra, xử lý khẩn trương. Phóng sự truyền hình này được trao giải bạc. Trong ảnh: sà lan chở cát giao cho tàu nước ngoài đi Singapore - Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Những ngôi nhà đổ sụp xuống sông trong tích tắc, những trận lũ dữ cuốn phăng hàng trăm ngôi làng, những tiếng khóc ai oán, những ánh mắt thất thần của con người không biết tương lai sẽ đi về đâu...
Đó là bức tranh môi trường của Việt Nam năm 2017, trong gần 30 phóng sự tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 (diễn ra từ ngày 13 đến 16-12 tại thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa).
“Tôi sợ nhất một vài năm nữa người ta quen với ô nhiễm môi trường, không còn muốn phản ảnh nữa mới là báo động
Nhà báo Chu Dương
Nóng vấn nạn phá rừng và hút cát sông
Trong số các phóng sự nói trên, nhiều nhất là phóng sự đề cập vấn nạn phá rừng và hút cát sông.
Những phóng sự Nước mắt của rừng, Rừng ơi... còn đâu, Rừng... rưng rưng nước mắt, Rừng Tây Nguyên dễ mất, khó thu hồi cho thấy thực trạng rừng "vàng" đã tan hoang. Hậu quả là những trận lũ đã xóa sổ hàng trăm ngôi làng, biến những người dân ở khu vực phía Bắc vào cảnh màn trời chiếu đất, không chốn dung thân.
Hình ảnh 14 căn nhà đổ sập xuống sông Hậu (An Giang) vào tháng 4 năm nay xứng đáng là hình ảnh kinh hoàng của năm. Dù nạn khai thác cát sông, nạn cát tặc đã được báo chí phản ánh nhiều năm, nhưng phải đến khi những ngôi làng trù phú bị sụp đổ xuống bờ sông thì vấn nạn này mới được đào xới lại kỹ càng.
Những phóng sự Nạo vét lòng sông hay khai thác cát?, Móc ruột sông Ba, Đời cát mặn, Bên bờ vực thẳm đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về vấn nạn hút cát sông và ảnh hưởng của nó trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Phóng sự điều tra kỳ công của Truyền hình Tuổi Trẻ (thuộc báo Tuổi Trẻ) còn sang tận Singapore tìm hiểu cặn kẽ đường xuất ngoại của cát Việt.
Ngoài ra, một số đài tập trung phản ánh nạn ô nhiễm môi trường ở làng quê. Những phóng sự như Ước gì thời gian quay trở lại, Giải pháp nào cho môi trường nông thôn Hà Nam?, Hàng nghìn mét khối nước thải mỗi ngày đi đâu?, Sự thật bị vùi lấp cho thấy tình cảnh khốn khổ của người dân các tỉnh thành Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An... vì rác, vì chất xả thải của các khu công nghiệp.
Phóng sự vẫn yếu về giải pháp
Trong các phóng sự phản ánh vấn nạn ô nhiễm môi trường, vẫn có những phóng sự cho thấy nỗ lực của con người trong việc khôi phục môi trường sống. Phải kể đến câu chuyện về những người bảo vệ rừng (phim Tiếng gọi chim trên rừng Bạch Mã); một chủ doanh nghiệp đầu tư kè ven biển giữ đất cho vùng quê của mình (Nào phải công dã tràng); một người phụ nữ dành cả đời để trồng rừng (Người đắp bờ) hay một nhà nghiên cứu thành công trong việc nhân giống cây thủy tùng, loài cây trong Sách đỏ (Người viết lại Sách đỏ).
Phóng sự Đời cát mặn đặt ra vấn đề rất đáng phải suy nghĩ. Trong khi cả nước đang khan hiếm cát xây dựng, nạn cát tặc hoành hành, các phóng viên Đài truyền hình TP.HCM phát hiện cách đây 30 năm có một tiến sĩ đã làm công trình nghiên cứu sử dụng cát biển làm bêtông, đã thực nghiệm thành công ở huyện Cần Giờ nhưng đến tận bây giờ nghiên cứu này vẫn chưa được đưa vào ứng dụng.
Hầu hết phóng sự cho thấy các bộ ngành, địa phương đều đang bế tắc về giải pháp. Ấn tượng và "cảm thấy ghê rợn" khi xem các phóng sự, nhà báo Chu Dương - Phó giám đốc Trung tâm phim tài liệu và phóng sự Đài truyền hình Việt Nam, thành viên ban giám khảo - cho rằng: "Các tác giả phóng sự có cố đi tìm giải pháp cũng không được, vì quản lý của các bộ ngành chồng chéo".
Các giám khảo đánh giá chất lượng phóng sự dự thi năm nay tốt hơn hẳn mọi năm, đề tài được chọn rất ấn tượng. Dẫu vậy, nhiều phóng sự vẫn phản ánh dàn trải, chưa phản ánh được sâu sắc một vấn đề.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sơn - Phó giám đốc Đài PTTH Thanh Hóa, thành viên ban giám khảo - chia sẻ: "Tôi thực sự cảm thấy lo lắng, bất an sau khi xem liên tiếp các phóng sự đề cập đến vấn nạn tàn phá thiên nhiên, đầu độc môi trường sống.
Đáng lo lắng hơn khi chúng ta đều nhìn thấy những vấn đề trầm trọng như vậy, nhưng giải pháp chẳng có là bao. Các phóng sự cảnh báo rất khẩn thiết, nhưng cũng chỉ ra hiện có rất ít giải pháp khả thi.
Có phóng sự trong đó người dân ước giá gì trở lại như ngày xưa, nghe mà não lòng, bất lực".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận