Hành tây Đà Lạt đang được mang trữ kho vì giá quá thấp - Ảnh: M.VINH
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh mục tiêu trên trong trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.
Ông Cường nói: Trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu phải thúc đẩy chương trình tái cơ cấu, từ đó phấn đấu ít nhất thu nhập của bà con nông dân phải tăng gấp 2 lần so với hiện nay.
* Thưa Bộ trưởng, sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân có căn cứ vào kết quả đã thực hiện được?
- Qua thực hiện 2 chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thu nhập của hộ nông dân trong 5 năm qua đã tăng 1,85 lần. Tuy nhiên vẫn phải phấn đấu tiếp vì thu nhập của nông dân dù có tăng nhưng mới khoảng 33 triệu đồng/người/năm, trong khi bình quân chung cả nước gần 50 triệu đồng/người/năm.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2017 sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh, hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả, thủy sản... ứng dụng công nghệ cao đem lại thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lúa.
* Vẫn còn hiện tượng nông dân phải đổ bỏ nông sản. Tới đây sẽ tái cơ cấu tiếp thế nào để thu nhập của lao động nông nghiệp tiếp tục tăng?
- Năm 2017, tất cả 63 tỉnh thành đều đã vào cuộc với chương trình kế hoạch cụ thể để tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung vào những nhóm sản phẩm mang tính chất lợi thế của từng vùng, miền và theo tín hiệu của thị trường.
Chúng ta có nhóm sản phẩm chủ lực gồm 10 sản phẩm, trong đó có nhóm tăng trưởng rất nhanh như rau củ quả tăng trưởng tới 42%, đạt giá trị xuất khẩu 3,6 tỉ USD, nhóm sản phẩm về gỗ - lâm sản cũng đã cán đích xuất khẩu 8 tỉ USD...
Chúng ta đã tiến một bước lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Nhưng đúng là khu vực nông thôn còn chỗ cần giải pháp quyết liệt, đó là tổ chức sản xuất để phù hợp với thị trường tiêu thụ, tập trung vào tái cơ cấu để đảm bảo trong sản xuất không còn hiện tượng được mùa mất giá, phải "giải cứu", sản xuất chưa sạch...
* Thủ tướng yêu cầu xuất khẩu nông sản 2018 phải đạt 40 tỉ USD. Đây là một giải pháp để tăng thu nhập. Bộ trưởng tính cách nào để đạt được?
- Năm 2018 có rất nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu phải làm thật tốt là đảm bảo sản xuất ra nông sản có chất lượng, giá phải chăng, từ đó tăng thu nhập cho nông dân.
Mục tiêu xuất khẩu nông sản 2018 đạt 40 tỉ USD là rất cao, vì 2017 mới đạt 36,5 tỉ USD. Một năm mà tăng xuất khẩu nông sản gần 4 tỉ USD là rất lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp xác định sẽ tập trung với cố gắng cao nhất, thực hiện cho được mục tiêu Chính phủ đề ra, qua đó góp phần cải thiện đời sống nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: X.LONG
* Cụ thể là bằng những giải pháp gì, thưa ông?
- Ngay từ những ngày đầu năm 2018, bộ đã rà soát, xác định những thuận lợi, khó khăn của từng ngành hàng, trên cơ sở đó ra mục tiêu: khối lâm nghiệp năm nay phải cán đích xuất khẩu ở mức từ 9 tỉ USD trở lên, tăng 1 tỉ so với 2017; khối trồng trọt gồm cây lương thực, 5 nhóm cây công nghiệp, rau, quả phấn đấu xuất khẩu trên 20 tỉ USD... Chúng tôi tin với sự năng động của các hiệp hội, doanh nghiệp, của bà con, năm nay sẽ tăng liên kết trong sản xuất, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu.
* Bộ trưởng sẽ làm gì để sản phẩm nông nghiệp an toàn, từ đó mới thúc đẩy tiêu dùng, tăng thu nhập cho dân?
- Năm 2017, tổng giá trị nông sản xuất khẩu của VN đạt 36,5 tỉ USD, đa số vào các thị trường "khó tính" như Mỹ, EU, Nhật Bản… Tới đây, chúng tôi xác định thị trường trong nước và xuất khẩu đều phải đạt chuẩn sản xuất như nhau. Được như vậy thì hơn 93 triệu dân của chúng ta mới được thụ hưởng thực phẩm tốt nhất, sạch nhất.
Chúng tôi đang hoàn thành các tiêu chuẩn, quy chuẩn để ngang tầm các nước, để thừa nhận lẫn nhau, tức sản phẩm trong nước cũng tương ứng xuất ra nước ngoài.
* Khi nào thì đạt được những tiêu chuẩn chung như vậy, thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi đang làm, nhưng có lẽ lộ trình phải từng bước. Thực tế đã có rất nhiều sản phẩm có chất lượng tương đồng như vậy và đã có trong siêu thị, từ rau quả đến cá tra, hay thịt gà xuất khẩu đi Nhật…
Để tất cả sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, phải có quá trình, đòi hỏi cả người sản xuất, người tiêu dùng, đến người làm thương mại phải thay đổi nhận thức. Tất cả khu vực nông nghiệp, dù rộng lớn, vẫn phải hướng đến một nền sản xuất hội nhập, với hàng hóa tốt, đạt chuẩn, giá cả phải chăng, phương thức lưu thông, phân phối hiện đại…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận