31/01/2014 22:12 GMT+7

Mỗi người một ngựa

LÊ THIẾT CƯƠNG
LÊ THIẾT CƯƠNG

TTXuân - Nhiều họa sĩ thích vẽ những con vật biểu tượng của cái vòng thập nhị địa chi nhưng người thích nhất, mê nhất chính là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ông nay đã ngót trăm tuổi, thế tức là hơn nửa thế kỷ ông vẫn trở đi trở lại với đề tài ruột này.

BCRe2hBV.jpg
Mực nho trên giấy dó của Lê Trí Dũng

Cuốn sách tranh gần đây nhất của ông xuất bản năm 2008 (Nhà xuất bản Mỹ Thuật) dày 150 trang thì có đến hơn 100 trang ông chọn in những bức tranh Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi... Không hẳn là thích nhất nhưng ngựa là con vật mà Nguyễn Tư Nghiêm đã lấy nó ra khỏi cái vòng tuần hoàn 12 năm để đặt vào một đề tài khác. Đó chính là bộ tranh Ông Gióng. 11 con vật còn lại thì ông chỉ vẽ để đón năm mới, năm nào con đó.

Trở lại những bức tranh Gióng, tất cả đều được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện bằng chất liệu sơn mài, ngoài bột màu trên giấy thì sơn mài cũng là chất liệu sở trường của ông. Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời được họa sĩ tạo hình bằng nhiều đường thẳng, khúc chiết, khỏe, mảng và nét hòa với nhau, toàn bộ tranh theo một tông chủ là đỏ, các độ son tươi, nhì, trai chồng đè, mài ra, mài moi, lẩn khuất với nét bằng bạc dây mờ và lấp ló vàng quỳ “trôn” bên dưới ảo huyền.

Nhiều người vẽ, vẽ nhiều tranh nhưng vẫn không có tác phẩm.

Nhiều người vẽ, vẽ nhiều tranh nhưng vẫn chưa thành tác giả.

Tranh Ông Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm là một tác phẩm, ông là một tác giả lớn của hội họa Việt Nam.

Trong lớp họa sĩ sau bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm thì Lê Trí Dũng là người vẽ ngựa nhiều nhất, dễ có đến vài trăm bức, anh được bạn bè đặt cho một cái nick thân tình là Lê Trí Ngọ. Họa sĩ Lê Trí Dũng không cầm tinh con ngựa, anh cũng không có dính líu gì đến con vật này ngoài đời. Khó mà lý giải thấu đáo tại sao người ta lại có cảm hứng với đề tài này mà không phải là đề tài kia. Tôi thì nghĩ chắc có lẽ cái linh cảm tự nhiên của mỗi nghệ sĩ sẽ mách bảo họ tìm đến với đề tài nào mà nó mang lại cho họ nhiều đất dụng võ nhất chăng?

Phần lớn tranh ngựa của họa sĩ Lê Trí Dũng là chất liệu mực nho trên giấy dó, thỉnh thoảng có điểm màu nhưng phụ. Màu đen của mực trên nền trắng ngà của giấy dó là đủ đẹp. Chả gần anh, chỉ xem tranh cũng biết anh là người mạnh mẽ, cương trực, quyết liệt. Ngựa của anh động, bay nhảy, phi chạy, tung vó, tung bờm, tung đuôi được tạo bởi những vết bút quyết đoán không tô đi dạm lại, một lần là xong, mình làm mình chịu, đẹp thì được, không đẹp cũng là mình. Mực nho trên giấy dó hoặc dó quết điệp nhưng anh không lạm dụng tính chất nhòe của chất liệu này. Đậm nhạt của đặc loãng, khô ướt cùng với tốc độ bút mau khoan để tạo ra hiệu quả thẩm mỹ.

Anh có bút lực và làm chủ được bút lực. Ở từng nét bút, vết bút, nhát bút từ khi chạm vào mặt giấy tới khi kết thúc, nhấc lên là sự hài hòa của mạnh nhẹ, nhanh chậm, dừng lại hay lướt đi. Càng về sau này, những con ngựa của anh càng ít nệ thực hơn, bay bổng hơn, nhiều gió hơn, nhiều thân phận hơn, nhiều buồn bã, giằng xé, quằn quại hơn, cũng có nghĩa là nó đời sống hơn.

GeAZAwg3.jpg
xfakUg2Z.jpg
Ngựa gỗ, ngựa rối của Lê Đình Nguyên

Thêm một họa sĩ nữa được “ngựa ám” là Lê Đình Nguyên. Anh là họa sĩ tạo hình rối của Nhà hát Múa rối trung ương. Anh có bút danh là Nguyên Trâu do cách đây ba năm, anh có một triển lãm nổi đình đám chuyên về con trâu. Thế nhưng ngay sau đó anh đã bỏ trâu để đi với ngựa, mặc dù anh đã bán được rất nhiều trâu và tậu được xe này nhà nọ. Chả phải anh bội bạc gì với trâu mà nguyên do là thế này: trên đà thắng lợi của triển lãm trâu, anh bắt đầu đi thực tế để tìm đề tài mới.

Trong một lần đi tour miền núi, Lê Đình Nguyên phát hiện vẻ đẹp của ngựa ở chợ ngựa Bắc Hà, Lào Cai. Anh điện về nhà xin phép vợ con, ở hẳn Bắc Hà hai tháng, ngày ngày ghi chép tài liệu, làm phác thảo, ký họa các thế dáng của ngựa. Nghe nói khi về anh mang được một gùi có ngọn hình vẽ ngựa bằng chì than, màu nước. Ngỡ cứ tưởng với núi tài liệu ấy đủ cho cả 10 năm sáng tác thế mà chả hiểu sao như Nguyên tâm sự, xem đi xem lại vẫn thấy nó nhạt.

Cho đến một hôm, vị thần nghệ thuật xuất hiện, nói với Nguyên rằng cái đẹp chả ở đâu xa mà nó ở ngay quanh ta thôi. Vợ chồng Lê Đình Nguyên có một cô con gái, cháu 8 tuổi và có khiếu vẽ. Nguyên tình cờ phát hiện trong cặp của cháu có một bức tranh Châu Anh mới vẽ gia đình nhà ngựa, ngựa mẹ ở giữa và đàn con quây xung quanh. Lê Đình Nguyên kể lại anh có cảm giác òa vỡ, không phải rằng những ghi chép thực tế không có giá trị gì nhưng nếu lệ thuộc và sao chép thực tế, bị gò, bị khuôn vào mẫu thực quá, nệ thực quá thì sẽ giết chết sáng tạo.

Trong khi trẻ con có cách tiếp cận rất riêng, các cháu đón nhận những gì trước mắt vô tư hơn người lớn, lỏng lẻo hơn, ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng hơn. Lập tức Nguyên xây dựng phác thảo trên cảm hứng từ bức tranh của con gái. Tác phẩm chung của hai bố con ra đời sau đó. Đàn ngựa này, 300 con đã bán hết 280 con. Có muốn “làm thân trâu thân ngựa” như Lê Đình Nguyên cũng chả làm được. Rất có thể sau này anh sẽ lại đổi nick từ Nguyên Trâu thành Nguyên Ngựa cũng nên?

Nghệ thuật là vậy, luôn cần có cái riêng, con ngựa chỉ là nguyên liệu, là đề tài. Nó đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải làm ra con ngựa của mình. Mỗi người một phận, mỗi người một ngựa. Những con ngựa của Nguyễn Tư Nghiêm, của Lê Trí Dũng, của Lê Đình Nguyên đẹp vì nó riêng và cũng có số phận của nó.

LÊ THIẾT CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên