26/04/2015 10:15 GMT+7

​Mỗi người cố gắng làm đúng từng hành vi

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT - 16 năm sinh sống và làm việc tại VN tôi nhận thấy xã hội VN có rất nhiều thay đổi, cuộc sống đại bộ phận người dân đã tốt hơn, hiện đại hơn.

Bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) xếp hàng chờ nhận quà từ nhà hảo tâm - Ảnh: Hữu Khoa
Ở Việt Nam, tôi từng thấy những hàng dài người đứng xếp hàng ngay ngắn, trật tự chờ đến lượt mình được phục vụ. Điều này có nghĩa là có rất nhiều người ý thức được hành vi của mình. Tôi tin dần dần cái tốt đó sẽ lan truyền, ảnh hưởng từ người này sang người khác
Cô KANG YOUNG RAN

Các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...là những nơi tiếp nhận ngày càng nhiều người từ các địa phương đến sinh sống, tìm kiếm cơ hội việc làm. Vì vậy nhiều người đã mang theo lối sống nông thôn đến các thành phố hiện đại.

Đọc báo và theo dõi trên mạng Internet, tôi thấy mỗi khi có sự kiện khai trương khuyến mãi, giảm giá... của các nhãn hàng, sản phẩm dịch vụ, vui chơi giải trí là thể nào cũng có việc rất đông người chen lấn, kẹt xe...

Và mới đây là việc xảy ra ở công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) nhiều người rủ nhau cùng trèo rào vào khi hết giờ mở cửa miễn phí.

Ở Hàn Quốc ngày xưa cũng lộn xộn như thế, cứ có cái gì khuyến mãi, miễn phí là người dân kéo nhau đến rất đông và cũng chẳng xếp hàng gì đâu... Tâm lý chung của người Hàn Quốc không thích đi chơi, đi uống cà phê, đi ăn uống một mình mà phải đi theo nhóm vài người.

Chúng tôi cũng có thói quen thích ăn mặc giống nhau, càng thân nhau bao nhiêu càng phải có những thứ giống nhau bấy nhiêu. Tôi cho rằng đây là tập quán chung của những quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng của đời sống nông nghiệp, làm gì cũng cùng nhau, có tính cộng đồng.

Để có được quy củ, trật tự như hiện nay, chúng tôi đã phải thay đổi từ rất nhiều năm trước và bắt đầu từ những việc rất nhỏ như xếp hàng, nhặt rác, giữ gìn và làm tốt vệ sinh cá nhân.

Bản thân từng cá nhân phải có ý thức việc làm đúng, việc phải làm, người này làm theo người kia, chính phủ phải khuyến khích nâng cao kiến thức của người dân, tăng cường các kênh tuyên truyền lối sống văn minh hiện đại, phạt nặng những người vi phạm...

Muốn vậy những nhân viên, quan chức chính phủ, trí thức cũng phải làm gương cho từng hành động trong cuộc sống văn minh... Đã từng có thời gian cứ từ 6-8g sáng ở nông thôn, thành thị Hàn Quốc mọi người đều phải ra ngoài dọn dẹp, làm sạch đẹp môi trường xung quanh.

Từng gia đình phải tập trung nuôi dạy và giáo dục con mình những quy chuẩn văn hóa, đạo đức chung và phải có trách nhiệm duy trì, giám sát các thành viên trong gia đình chuyện này. Chẳng hạn nếu gia đình tôi ra ngoài ăn tối, con tôi hành xử không đúng, quậy phá, làm phiền người khác... người ta sẽ đến mắng tôi không biết dạy con và đó là một điều mà tôi cảm thấy nặng nề lắm.

Nói chung, chúng tôi ý thức mỗi người, mỗi gia đình phải làm đúng từng hành vi thì xã hội sẽ văn minh, trật tự.

Về vai trò của doanh nghiệp tổ chức sự kiện, do xã hội vẫn còn nhiều người chưa hành xử đúng mực nên mỗi khi có khuyến mãi, phát hàng miễn phí... doanh nghiệp tổ chức sự kiện phải lường trước chuyện lượng người kéo đến quá đông để lên kế hoạch phân luồng hoặc hạn chế tối đa những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.

Báo chí cũng phải lên tiếng chê trách và chấn chỉnh những hành động không đúng như chen lấn, xô đẩy, leo rào... để mọi người có thể nhận ra đâu là điều nên tránh.

KANG YOUNG RAN
(người Hàn Quốc, học cao học tại Trường đại học KHXH&NV TP.HCM)

Ông Roger Mathisen - Ảnh: R.M.

* Ông ROGER MATHISEN (người Na Uy, chuyên gia của Tổ chức quốc tế Hỗ trợ, phát triển các chính sách liên quan đến trẻ em):

Vai trò của nhà tổ chức là quan trọng

Nhiều người cho rằng ở các quốc gia đã phát triển thì những việc khó có thể chấp nhận được như leo rào vào công viên nước tại Hà Nội sẽ không bao giờ xảy ra.

Tôi tin rằng chất lượng nền giáo dục của Na Uy vang danh khắp nơi, học sinh được dạy cách học thực tiễn và hiểu rõ giá trị của mọi hành vi, được trau dồi thường xuyên các kỹ năng mềm... nhưng những việc như trên đôi khi vẫn xảy ra ở đất nước tôi.

Tôi xin đưa ra một dẫn chứng là trong chuyến lưu diễn miễn phí của chàng ca sĩ Justin Bieber ở thủ đô Oslo gần đây, rất nhiều người dân đã hoàn toàn mất tự chủ, chen lấn và xô đẩy lẫn nhau, gây nên cảnh hỗn loạn chỉ để được thấy chớp nhoáng chàng ca sĩ.

Tuy nhiên, xã hội chúng tôi không tập trung lên án những cá nhân này mà chỉ chỉ trích nhà tổ chức đã không đủ năng lực đảm bảo các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi tổ chức sự kiện.

Vì vậy qua vụ leo rào vào công viên nước ở Hà Nội, tôi cũng như bạn bè nước ngoài khác cho rằng điều cần thiết là phải hỏi xem phải chăng thủ đô đang thiếu những không gian giải trí hữu ích và phù hợp với túi tiền của người dân?

Vai trò của các nhà quy hoạch đô thị? Cách tiếp thị của nhà tổ chức sự kiện “có vấn đề” hay không khi họ không đủ khả năng dự trù và đảm bảo được các yếu tố an toàn tối thiểu cho khách tham quan?

Với cái nóng hiện tại ở một thủ đô có đến 6,5 triệu người thì việc cho vào cổng công viên nước miễn phí liệu có khả thi? Vấn đề vệ sinh thì sao?

Vì sao đơn vị tổ chức sự kiện không nghĩ đến một số giải pháp, chẳng hạn như: phát phiếu vào cổng miễn phí với thời gian được ấn định rõ ràng để quản lý được lượng người đến công viên nước, đảm bảo vấn đề an ninh trật tự cũng như vệ sinh?

CÔNG NHẬT ghi

 

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên