20/03/2013 08:44 GMT+7

Mỏi mắt chờ di dời

TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG
TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG

TT - Mặc dù UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương di dời từ năm 2010 nhưng người dân ở thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) sống sát vách với hai nhà máy thép vẫn chưa được đến nơi ở mới.

vQYAdiBH.jpgPhóng to
Nhiều hộ dân không nằm trong diện di dời đang xin được di dời vì không muốn sống gần nhà máy thép Ảnh: Trường Trung

Hàng trăm người dân ở đây vẫn phải tiếp tục hứng chịu khói bụi, tiếng ồn từ hai nhà máy của Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương và Công ty cổ phần thép DANA - Ý (cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng).

Dân chờ tái định cư

Theo UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), có 257 hồ sơ của dân địa phuơng có liên quan đến cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng phải di dời giải tỏa. Tháng 10-2011, UBND huyện Hòa Vang ra quyết định thu hồi đất và tổ chức kiểm kê tài sản trên đất, tuy nhiên đến nay mới có khoảng 100 hồ sơ đã nhận được tiền đền bù. Điều đáng nói là sau khi nhận được tiền đền bù, tới nay người dân vẫn chưa được bố trí đất tái định cư nên cuộc sống rất khó khăn. Hơn 10 tháng nay, năm mẹ con bà Lê Thị Xuân (xã Hòa Liên) phải sống trong phòng trọ chưa đầy 10m² với giá thuê 800.000 đồng/tháng. Bà Xuân cho biết chỉ mới nhận đất trên giấy tờ, còn thực tế ở đâu thì vẫn mù mờ. “Nhận được quyết định thu hồi đất là tôi bàn giao mặt bằng liền vì nghĩ sẽ chuyển đến nơi ở mới tốt hơn. Vậy mà mấy tháng nay mấy mẹ con phải thuê nhà trọ ở, vừa bấp bênh, vừa tốn kém” - bà Xuân nói.

Những gia đình chưa được nhận tiền đền bù thì lại trong tình cảnh thấp thỏm lo lắng. Gia đình bà Lê Thị Gái (thôn Vân Dương 2) có 664m2 đất được kiểm kê từ tháng 12-2011 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Bà Gái cho biết: “Hơn một năm rồi mà vẫn chưa được nhận tiền, đồng tiền ngày càng mất giá nên tui đang lo không đủ xây lại nhà”.

Ngoài ra, hiện nay nhiều hộ dân ở gần nhà máy không thuộc diện di dời, giải tỏa nhưng vẫn muốn được di dời. Ông Ngô Lộc (thôn Vân Dương 2) có nhà chỉ cách kho chứa phế liệu của hai nhà máy thép khoảng 25m bày tỏ: “Nhà máy hoạt động là nhà tôi nghe tiếng, khi đổ phế liệu thì nhà rung bần bật. Khu này tường nhà ai cũng bị nứt nên chúng tôi làm đơn lên xã xin được đi chỗ khác cho yên ổn, ở đây sao mà sống được!”. Trường mẫu giáo Vân Dương 2 ở gần nhà máy thép cũng mong di dời. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm cho hay: “Nhiều khi đang học mà cả cô trò đều ho sặc sụa. Buổi học nào cả cô, trò cũng phải đóng kín cửa, khăn lau và nước uống mang hết vào phòng để tránh bụi. Chúng tôi từng kiến nghị lên cấp trên xin dời trường ra khu vực xa nhà máy để đảm bảo sức khỏe cho các cháu nhưng chưa được”.

Chậm do dâu?

Theo ông Đặng Thương - phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, toàn bộ kinh phí di dời của dự án phần đất cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng khoảng 30 tỉ đồng sẽ do hai công ty thép DANA - Ý và Thái Bình Dương chi trả. Ông Thương cũng cho rằng hiện công tác kiểm định đã xong và chậm trễ chi trả là do hai doanh nghiệp nhiều lần chần chừ chưa chịu thanh toán. Về việc dân chưa nhận đất tái định cư, theo ông Thương, hiện nay hội đồng giải phóng mặt bằng đang có 100 lô đất tại khu tái định cư Hòa Liên 5, tuy nhiên do khu vực này chưa có điện, nước nên chưa giao đất cho người dân.

Trong khi đó trả lời với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Văn Tân, chủ tịch HĐQT Công ty thép DANA - Ý, cho rằng: công ty luôn sẵn sàng kinh phí để bồi thường kịp thời cho người dân. Việc bồi thường được thanh toán theo hình thức “cuốn chiếu”, giải tỏa đến đâu thanh toán đến đó. “Nếu có chậm trễ là do công tác kiểm định, đền bù”. Tương tự, ông Nguyễn An - tổng giám đốc Công ty thép Thái Bình Dương - khẳng định: “Chúng tôi mong chính quyền huyện Hòa Vang và các ban đền bù giải tỏa liên quan thúc đẩy nhanh việc kiểm định, giải tỏa di dời dân, doanh nghiệp sẵn sàng chi trả. Có như vậy doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất được”.

Dân bao vây nhà máy thép

Nhà máy gây ô nhiễm, dân bao vây buộc ngừng sản xuất

Trong khi việc di dời giải tỏa chưa được giải quyết rốt ráo thì đêm 18-3, gần 200 người dân ở hai thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 đã kéo đến bao vây hai nhà máy thép Thái Bình Dương và DANA - Ý với một yêu cầu: buộc hai nhà máy trên phải ngừng sản xuất.

Theo người dân, gần đây hai nhà máy thường xuyên hoạt động vào ban đêm, thải khói bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Sau khi bao vây, người dân đã xô ngã cổng sắt của Nhà máy thép Thái Bình Dương yêu cầu được gặp lãnh đạo. Lực lượng bảo vệ nhà máy phải cầu cứu công an xã. Sự việc chỉ được vãn hồi khi lãnh đạo xã Hòa Liên đến hiện trường để hòa giải. Ông Trương Tấn Mạnh - phó chủ tịch xã UBND Hòa Liên - cho biết đã yêu cầu hai lãnh đạo nhà máy cam kết hạn chế hoạt động vào ban đêm để tránh tình trạng tương tự xảy ra. Theo ông Nguyễn An - tổng giám đốc Công ty thép Thái Bình Dương: “Do xảy ra sự cố tại trục hút bụi của lò số 3 nhà máy thép dẫn đến việc xả khói. Ngay sau đó, công ty đã ngừng hoạt động để xử lý sự cố”.

TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên