Trẻ được chăm sóc sau sinh tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN |
“Thực tế già hóa dân số cũng là một thành tựu của y học, nên gọi là lao động lớn tuổi, già hóa nhưng thực ra sức khỏe của người lao động vẫn có thể làm việc được |
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương |
Ông Doãn Mậu Diệp - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho biết cách đây không lâu, VN từng tự hào vì bước vào giai đoạn “dân số vàng”, với tỉ lệ lao động trong độ tuổi cao.
Thế nhưng, khi chưa kịp tận dụng, khai thác “dân số vàng”, tạo cơ hội cho người lao động tích lũy thu nhập thì hiện nay nước ta lại phải đối mặt với thực tế bước vào ngưỡng già hóa dân số.
Thảm họa 1-2-4
Theo bác sĩ CK2 Trần Văn Trị - chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49) của TP.HCM năm 2015 là 1,45 con; thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con.
Nguyên nhân của mức sinh giảm thấp tại TP.HCM là do sự thay đổi quan niệm và nhận thức về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày một nâng lên; áp lực công việc, học tập nên phụ nữ kết hôn và sinh con muộn, ít con hơn so với trước đây.
Ngoài ra, chi phí nuôi dạy trẻ ngày càng cao nên nhu cầu sinh nhiều con có xu hướng giảm nhanh.
Hệ lụy của mức sinh thấp - theo bác sĩ Trị - là già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Mức sinh thấp còn làm cho nguồn nhân lực suy giảm - đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Nếu hôm nay mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1 (ông bà nội ngoại - cha mẹ - con) thì trong tương lai phải đối mặt với thảm họa mới của công thức 1-2-4 (con - cha mẹ - ông bà nội ngoại). Như vậy, người con sẽ phải chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội ngoại” - bác sĩ Trị phân tích hậu quả của mức sinh thấp và hệ lụy của gia đình một con.
Theo Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP, già hóa dân số tại TP chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Hiện tuổi thọ bình quân của người dân TP khá cao: 76,2 tuổi so với tuổi thọ bình quân cả nước là 73 tuổi.
Quá trình già hóa dân số còn gây cản trở cho việc kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” (với tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao. Năm 2015, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động của TP.HCM gần 52%).
Phải có chiến lược thích ứng
Ông Doãn Mậu Diệp nhận định: già hóa dân số sẽ dẫn tới thay đổi cơ cấu lao động, tỉ lệ người ở độ tuổi lao động cao (từ 45 đến dưới 60 tuổi) sẽ tăng lên và tỉ lệ dân số gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi.
Để đối phó với tình trạng và xu hướng “dân số già” thì VN đang tính toán để nâng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc của người lao động. Bên cạnh đó, phải mở rộng diện bao phủ chính sách an sinh xã hội, chính sách hưu trí.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cũng cho rằng già hóa dân số sẽ làm cho gánh nặng kinh tế, xã hội trở nên trầm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị, thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng.
Già hóa dân số là tỉ lệ dân số trên 60 tuổi chiếm trên 10% và VN đã, đang chuyển từ thời “dân số vàng” sang “dân số già”.
“Tuy nhiên với VN, thực ra ta vẫn đang ở giai đoạn có nguồn nhân lực dồi dào” - bà nhận định.
Về tình trạng già hóa dân số, mỗi nước đều có hướng đối phó, giải quyết khác nhau. Đối với VN, theo bà Lan Hương, ngoài để người dân tự quyết định số con thì Nhà nước cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực theo hướng lấy chất lượng bù cho số lượng; khuyến khích tận dụng nguồn lao động chất xám đã về hưu, người cao tuổi còn có năng lực làm việc...
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng: “Phải mở rộng khoảng thời gian lao động, kéo dài tuổi lao động hơn mức hiện nay, đặc biệt cho phụ nữ, để tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng. Thực tế già hóa dân số cũng là một thành tựu của y học, nên gọi là lao động lớn tuổi, già hóa nhưng thực ra sức khỏe của người lao động vẫn có thể làm việc được.
Phải có chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, phát triển các ngành dịch vụ. Quan trọng hơn cả đó là chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi...” - bà Hương nhấn mạnh.
ThS Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Việt Nam chưa sẵn sàng cho cơ cấu dân số già Tôi cho rằng việc già hóa dân số - bước vào thời kỳ dân số già quá nhanh - ở VN sẽ nguy hiểm hơn ở Nhật Bản rất nhiều. Vì hiện nay Nhật đã là một nước rất phát triển. Họ “giàu rồi mới già”. Còn mình, nếu tiến đến dân số già khi vẫn chưa có nền kinh tế - xã hội thực sự phát triển thì sẽ là một vấn nạn lớn cho gia đình, xã hội và ngay bản thân người già. Tôi đang làm một nghiên cứu về người cao tuổi thì thấy chính sách của chúng ta dường như chưa có sự chuẩn bị tốt, chưa thực sự chăm lo tốt được cho đối tượng này, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người cao tuổi không có lương hưu hoặc lương hưu quá thấp, phải lao động (mà chủ yếu là buôn gánh bán bưng rất vất vả) để tự nuôi sống mình. Dịch vụ y tế, chăm sóc người già... cũng chưa phát triển. Chuyện già hóa dân số quá nhanh dĩ nhiên gây ra nhiều hệ lụy, từ thiếu hụt lao động, áp lực lên hệ thống an sinh xã hội vốn chưa đáp ứng hết được nhu cầu... Trong số các giải pháp, tôi cho rằng có một giải pháp là nâng dần mức sinh bằng cách mềm dẻo hơn trong chính sách về số con, nên mở tối đa. Bởi với tình hình hiện nay, cho dù khuyến khích sinh tối đa thì chưa chắc người ta đã sinh. MAI HOA ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận