14/03/2015 12:01 GMT+7

​Mới chỉ kết luận được vụ ông Chấn tù oan

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-3 về tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự “nóng” với những câu hỏi cụ thể về các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Trương Hòa Bình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đó là các vụ án như vụ Hồ Duy Hải, Huỳnh Văn Nén, Lê Bá Mai, Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Văn Chưởng...

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định “liên quan đến sinh mạng con người thì đều phải xem xét thận trọng”, và ông cũng cho biết “đến nay chỉ kết luận được vụ Nguyễn Thanh Chấn là oan, các vụ khác có thể oan có thể không”.

Đến nay vẫn chưa có đủ căn cứ để kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao 
TRƯƠNG HÒA BÌNH

“Có thể oan, có thể không”

Đại biểu Đỗ Văn Đương và đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cùng quan tâm đến vụ Huỳnh Văn Nén. 

Vụ án Dương Chí Dũng kết thúc chưa?

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) hỏi: “Vụ án Dương Chí Dũng đến nay kết thúc hay chưa? Chúng tôi rất muốn được nghe ba ngành trong quá trình tố tụng có ý kiến chính xác. Nếu kết thúc quá trình tố tụng rồi thì có để lọt tội phạm hay không? 

Câu hỏi của đại biểu Việt nêu ra vào lúc gần 11g, khi phiên chất vấn còn khoảng 30 phút, nhưng chưa nhận được trả lời. Ngay sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên họp và cuộc chất vấn kết thúc sớm khoảng 15 phút. 

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngay sau phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Bắc Việt tỏ ý không hài lòng vì câu hỏi của mình đã không được trả lời.

L.KIÊN - V.SỰ

“Tại sao vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), ông Nguyễn Phúc Thành ngay từ năm 2000 đã có đơn tố giác hai đối tượng khác phạm tội giết bà Bông và cướp tài sản. Vì sao suốt 16 năm qua không được xem xét, đến cuối năm 2014 mới có kháng nghị giám đốc thẩm?” - ông Đương hỏi. 

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: “Trên cơ sở đơn của ông Thành đề cập hai đối tượng nói với ông Thành là chính họ gây án, thế nhưng một đối tượng tên Việt chết cách đây gần chục năm, đối tượng Thọ thì trốn khỏi địa phương từ năm 1998 đến nay, chúng tôi đã lập chuyên án và tiếp tục truy xét đối tượng này. 

Từ đó mới làm rõ khía cạnh là có oan hay không oan, vì ông Thành chỉ nghe nói lại vậy thôi chứ không chứng kiến”.

Các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cùng chất vấn vụ án Lê Bá Mai. 

Hai đại biểu này cho rằng vụ án này trải qua quá trình xét xử rất lâu dài, với các bản án trái ngược nhau, khác nhau, làm người dân, dư luận hoang mang.

Phúc đáp, ông Trương Hòa Bình nói: “Đây đúng là một vụ án rất phức tạp về đánh giá chứng cứ. Vừa qua liên ngành cũng đã kiểm tra, đánh giá lại và kết luận là không có căn cứ kháng nghị”.

“Hình phạt tử hình đối với vụ án Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng về tội giết người, cướp tài sản có thỏa đáng không, đúng với vai trò của Chưởng trong vụ giết người này chưa? Vụ này cũng kêu oan rất quyết liệt” - đại biểu Đương hỏi tiếp.

Chánh án trả lời: “Đây là vụ án trước đây có kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao (giảm án từ tử hình xuống chung thân), nhưng hội đồng thẩm phán không chấp nhận.

Hội đồng thẩm phán căn cứ vào vai trò của Chưởng là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ án giết người, hậu quả đến đâu Chưởng phải chịu trách nhiệm đến đó.

Cũng có ý kiến cho rằng Chưởng không trực tiếp tấn công làm người bị hại tử vong mà do đối tượng khác. Nhưng mà đối tượng khác ở đây là trong băng nhóm của Chưởng, do Chưởng cầm đầu, chỉ huy nên khi hậu quả xảy ra thì người cầm đầu phải chịu trách nhiệm.

Đây không phải là vụ án oan, xin khẳng định như vậy. Tất nhiên, khi có ý kiến của Quốc hội thì chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét một cách thận trọng”.

Việc tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc
Đại biểu Quốc hội LÊ THỊ NGA
phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội)
Đại biểu Lê Thị Nga

Vẫn chưa bồi thường cho ông Chấn

Hỏi về quá trình giải quyết bồi thường oan sai, đại biểu Lê Thị Nga dẫn chứng một số vụ việc, trong đó đặt câu hỏi là đến nay tòa án đã giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn như thế nào rồi?

Theo ông Trương Hòa Bình, vụ ông Chấn các cơ quan giải quyết rất quyết liệt, cho đến thời điểm này nếu gia đình ông Chấn có thể nộp các tài liệu chứng minh thiệt hại thì tòa án sẽ giải quyết ngay.

“Tòa án tối cao hai lần đến nhà ông Chấn làm việc, đề nghị cung cấp các tài liệu theo pháp luật, gia đình ông Chấn nói rằng đã đưa tài liệu cho luật sư, chúng tôi đang liên lạc với luật sư để làm việc” - chánh án nói.

Liên quan đến vụ án này, thẩm phán chủ tọa phiên tòa xử ông Chấn là ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Đương cho biết ông Chiêm cho rằng việc ông ấy bị khởi tố là không công bằng, bởi vì các thành viên hội đồng xét xử ngang quyền nhau, không thể chỉ khởi tố mỗi chủ tọa.

Chánh án Trương Hòa Bình nói ở các nước người ta không truy cứu trách nhiệm của thẩm phán vì những lỗi vô ý, bởi thẩm phán là người đại diện cho nhà nước để tuyên một bản án.

“Trong trường hợp này cũng có người đặt vấn đề là tại sao chỉ truy tố ông Chiêm mà không truy tố cả hội đồng xét xử, không truy tố kiểm sát viên giữ quyền công tố phiên tòa ấy? Tôi nghĩ tới đây đưa anh Chiêm ra xét xử thì hội đồng xét xử cũng rất khó” - ông Bình bày tỏ.

“Hải nhờ tôi kêu oan cho nó”

Trả lời về thông tin cho rằng Hồ Duy Hải chỉ nhận tội và không kêu oan trong suốt quá trình diễn ra vụ án, bà Nguyễn Thị Loan - mẹ của Hải - cho biết:

“Mỗi lần gặp trước đây giữa hai mẹ con, Hải đều nhờ tôi phải kêu oan cho nó. Đúng là Hải không thể tự mình kêu oan vì ở trong tù, Hải bị rất nhiều áp lực khiến không thể kêu oan với bất cứ ai và cả những lần ra tòa. Do đó tôi mới bằng mọi giá phải kêu oan thay cho con trai của mình”.

SƠN LÂM

“Bắt bổ sung hóa đơn thì khó như đi lên trời”

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-3, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết: “Gia đình tôi gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai đến tòa từ đầu năm 2014, đến ngày 15-8-2014, TAND tối cao có mời vợ chồng tôi đến làm việc.

Tại buổi làm việc này, cán bộ tòa án hướng dẫn tôi bổ sung giấy tờ và cung cấp mẫu đơn theo quy định. Chúng tôi đã bổ sung các giấy tờ liên quan để gửi đến tòa.

Đợi lâu không thấy, chúng tôi gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan nhà nước nhưng không thấy hồi âm.

Gần đây nhất là ngày 11-3-2015, có đoàn công tác đến nhà giới thiệu là cán bộ tòa tối cao, cán bộ viện kiểm sát huyện và công an huyện. Chúng tôi trả lời là mọi giấy tờ đều gửi đến tòa và một số giấy tờ thì đưa cho luật sư”.

Luật sư Vũ Thị Nga, người trợ giúp pháp lý cho ông Nguyễn Thanh Chấn, cho biết sau buổi TAND tối cao mời vợ chồng ông Chấn đến làm việc vào năm 2014, gia đình ông Chấn đã trực tiếp gửi toàn bộ giấy tờ yêu cầu bồi thường oan sai đến tòa và còn gửi thêm qua đường bưu điện.

“Biên lai gửi hồ sơ qua đường bưu điện vẫn còn lưu giữ. Vấn đề là TAND tối cao muốn gia đình bổ sung đầy đủ hóa đơn chứng từ theo mẫu quy định, trong khi vụ việc kéo dài 10 năm, giờ bắt họ bổ sung hóa đơn thì khó như đi lên trời” - luật sư Nga nói.

T.LỤA

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên