04/07/2015 11:02 GMT+7

Mời bạn đọc xem bài giải, đề thi sử

TTO
TTO

TTO CẬP NHẬT - Mời bạn đọc xem bài giải môn Sử THPT quốc gia năm 2015 của báo Tuổi Trẻ. Buồi chiều, Tuổi Trẻ tiếp tục cập nhật đề và bài giải môn Sinh.

Các thí sinh vui vẻ trao đổi bài sau giờ thi tại cụm thi ĐH Công Nghiệp TP.HCM - Ảnh: PHONG DƯƠNG
đề sử 2015
Đề thi sử THPT quốc gia 2015

BÀI GIẢI MÔN SỬ THPT QUỐC GIA 2015

Câu I : Tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó.

a. Sự phát triển kinh tế của Nhật Bản từ 1952 – 1973

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), đến năm 1950-1951 Nhật bản đã phục hồi kinh tế, đạt mức trước chiến tranh. Trong giai đoạn 1952-1973, kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh, nhất là từ năm 1960-1973 thường được gọi là giai đoạn phát triển “thần kì” của Nhật Bản.

- Từ năm 1960-1969, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Nhật Bản là 10,8%.

- Năm 1968, kinh tế Nhật Bản đã vượt Anh, Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Italia và Canada, vươn lên đứng thứ hai sau Mĩ.

- Từ đầu những năm 1970 trở đi, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới (cùng với Mĩ và Tây Âu).

b. Nguyên nhân phát triển kinh tế của Nhật Bản:

1. Nhật Bản coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định hàng đầu.

2. Nhà nước đóng vai trò lãnh đạo, quản lí hiệu quả.

3. Các công ti Nhật Bản có tiềm lực và năng lực cạnh tranh cao, nhờ tính năng động, tầm nhìn xa và quản lí tốt.

4. Nhật Bản đã ứng dụng thành công các thành tựu khoa học – kĩ thuật hiện đại, mua bằng phát minh sáng chế của nước ngoài để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

5. Chi phí quốc phòng thấp (không vượt quá 1% GDP), nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho kinh tế.

6. Tận dụng tốt các yếu tố bên ngoài để phát triển, như nguồn viện trợ Mĩ, các cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Việt Nam (1954-1975).

Câu II:

1. Công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam:

* Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc: là con đường Cách Mạng vô sản kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

* Nguyễn Ái Quốc truyền bá CN Mác-Lênin, chuẩn bị về tư tưởng tổ chức để thành lập chính đảng vô sản cho cách mạng Việt Nam.

* Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản Việt Nam.

2. Kể tên những sự kiện chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc bước đầu thiết lập mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới:

- Ngày 18 - 6 - 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xai Bản yêu sách của nhân dân An Nam.

- Tháng 12-1920, dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

- Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của An-giê-ri, Ma-rốc, Tuy-ni-di,... Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pa-ri để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân.

- Tháng 6 - 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân ( 10 - 1923 ) và được bầu vào Ban chấp hành Hội.

- Viết bài cho báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, tạp chí Thư tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Tham gia  Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V ( 1924 ).

- Tháng 7-1925, thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông.

Câu III:

1. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập: câu này nằm trong câu cuối cùng của Bản Tuyên ngôn độc lập, qua đó Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định quyết tâm nhân dân Việt Nam sẵn sang đấu tranh để bảo vệ quyền tự do độc lập mới vừa giành được.

- Quyết tâm đó cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập qua câu tiếp theo là: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

- Quyền này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rõ trong Tuyên ngôn: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!.

Học sinh có thể nêu những nét nổi bật nhất qua quá trình đấu tranh giành độc lập suốt gần 80 năm của dân tộc từ năm 1858 – 1945 để chứng minh quyền được hưởng tự do và độc lập của dân tộc.

2. Những sự kiện chọn lọc thuộc một trong các thời kì lịch sử dân tộc (1945-1954, 1954-1975, hoặc hiện nay) thể hiện quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ vững quyền tự do và độc lập.

Thí sinh có thể nêu các sự kiện sau :

- 23-9-1945, được quân Anh giúp, Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ Sài Gòn mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Quân dân Sài Gòn-Chợ Lớn và Nam Bộ anh dũng chiến đấu, đánh phá kho tàng, đốt tàu Pháp, dựng chiến lũy trên đường phố…  Nhân dân Bắc Bộ và Trung Bộ quyên góp gạo, thuốc, áo quần… lập các đoàn quân “Nam tiến” sát cánh cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến.

19-12-1946, kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Văn bản này được vạch rõ nguyên nhân kháng chiến là do Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa đồng thời nêu lên quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta để bảo vệ độc lập tự do: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ….  Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

- Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ 13-3-1954 đến 7-5-1954.

- Tổng tiến công và mổi dậy mùa xuân năm 1975.

Câu IV :

a. Có ý kiến cho rằng: Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã chia Việt Nam thành hai quốc gia với đường biên giới là vĩ tuyến 17. Căn cứ vào nội dung Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, hãy nhận xét ý kiến trên.

- Nội dung Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được kí kết ngày 21-7-1954 đã nêu rõ:

1. Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

2. Ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, để các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, tập kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực.

3. Việt Nam tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7-1956.

- Như vậy, rõ ràng ý kiến cho rằng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã chia Việt Nam thành hai quốc gia, với đường biên giới vĩ tuyến 17 là hoàn toàn xuyên tạc, không đúng với các nội dung cơ bản nêu trên của Hiệp định.

b. Những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam (1945-1954):

- Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

- Tinh thần đoàn kết một lòng của toàn dân, toàn quân, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất.

- Có hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước; mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố và mở rộng; lực lượng vũ trang ba thứ quân được xây dựng và không ngừng lớn mạnh; hậu phương rộng lớn, vững chắc về mọi mặt.

* Để trình bày, thí sinh có thể chọn ra một trong các nhân tố kể trên, nhằm phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Để góp phần củng cố và phát triển nhân tố ấy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thanh niên Việt Nam cần:

- Nắm vững và thực hiện các chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước;

- Nêu cao truyền thống yêu nước trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc;

- Thấm nhuần tư tưởng đoàn kết toàn dân và phát huy sức mạnh đoàn kết của dân tộc;

- Tích cực học tập, bồi dưỡng kiến thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ;

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình và sẵn sàng chiến đấu hi sinh khi Tổ quốc cần.

TS. Trần Ngọc Khánh

Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM

 

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên