09/12/2013 12:13 GMT+7

Mổ lấy thai trên 15% nhiều tai biến hơn cho mẹ và con

LÊ THANH HÀ - MINH MẪN
LÊ THANH HÀ - MINH MẪN

TT - Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỉ lệ mổ lấy thai tốt nhất chỉ nên dưới 15%, và nếu không vì lý do y khoa thì không được mổ lấy thai trước 39 tuần. Tỉ lệ mổ lấy thai vượt trên 15% sẽ xảy ra nhiều tai biến hơn cho mẹ và con.

Lạm dụng sinh mổ ở VN

Ekq6Sgeh.jpgPhóng to
Một ca sinh mổ ở Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Thông tin này được PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM - cảnh báo như vậy tại hội nghị khoa học thường niên cuối tháng 11. Theo PGS Vũ Thị Nhung, trong 30 năm qua, số ca sinh mổ tiếp tục tăng cao trên thế giới, có nơi đến 70%. Tại TP.HCM, tỉ lệ sinh mổ ở nhiều bệnh viện khoảng 40%.

Sinh mổ để giữ chồng!

Sáng 3-12, chị N.T.B.T. (27 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) mang thai được 13 tuần đi khám định kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ. Chị T. cho biết: “Bạn bè nói sinh thường đau lắm nên tôi có ý định sinh mổ. Nhưng tôi sẽ nghe tư vấn của bác sĩ rồi quyết định”. Chị H.M. (31 tuổi, quê Tiền Giang) cũng quyết định sinh mổ dù chồng phản đối. “Do sức yếu nên tôi được nhiều người tư vấn sinh mổ cho khỏe. Ông xã không đồng ý nhưng ổng có đẻ đâu mà biết” - chị M. cười nói. Còn chị N.T.H. (28 tuổi, quê Đồng Nai) mang thai sáu tháng trong hoàn cảnh trớ trêu hơn. Chị H. cho biết nhà chồng đi coi thầy bói, được “phán” chị phải sinh đúng giờ đúng ngày đẹp. “Sinh ngày thầy định thì thai chưa đủ tháng. Tôi đã nói với chồng đừng tin vào những chuyện mê tín như vậy. Tuy nhiên nếu chồng không đổi ý thì phải sinh mổ cho đúng ngày đó chứ biết làm sao” - chị H. thở dài.

Anh N.T.P. (Q.12, TP.HCM) cho biết đang phân vân việc nên cho vợ sinh thường hay sinh mổ. “Sức khỏe của vợ rất tốt, thai cũng bình thường nên bác sĩ khuyên sinh thường. Nhưng không biết bà xã nghe ai nói sinh thường thì “chỗ ấy” không còn như xưa nên cứ đòi sinh mổ” - anh P. nói. Cũng vì sợ “méo mó chỗ ấy” nên chị Châu (31 tuổi, H.Bình Chánh) đã quyết định: “Sinh thường đứa đầu xong, tôi cảm giác chuyện chăn gối không như xưa. Thôi thì đẻ mổ để giữ chồng”.

Mổ... cho nhanh

Theo PGS Vũ Thị Nhung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỉ lệ mổ lấy thai là: số người sinh con so tăng, làm tăng nguy cơ sinh khó; mẹ lớn tuổi mới mang thai cũng là yếu tố nguy cơ cao; máy theo dõi tim thai giúp phát hiện sớm những trường hợp suy thai nên phải mổ để cứu thai nhi... Đặc biệt, hiện nay tình hình kiện thưa giữa bệnh nhân và thầy thuốc cũng là vấn đề đáng quan tâm. Một khảo sát cho thấy đến 82% bác sĩ muốn mổ sinh vì sợ khi có tai biến xảy ra, họ dễ bị kiện là không theo dõi sát, thiếu trách nhiệm. Những trường hợp mổ chủ động như thế thường được mổ vào ban ngày và trong giờ hành chính. Đáng lưu ý, ngày càng nhiều phụ nữ yêu cầu mổ lấy thai vì họ sợ đau đẻ, muốn giữ sự rắn chắc của tầng sinh môn như khi chưa sinh, đặc biệt là sinh theo lá số tử vi.

PGS Vũ Thị Nhung cho biết thêm, sinh mổ theo yêu cầu ở các bệnh viện tư thường dễ dàng và tâm lý bác sĩ cũng thích mổ do đỡ mất thời giờ theo dõi cuộc chuyển dạ dài để sinh thường (chỉ mất 20-30 phút thay vì phải 12 giờ). Do nhu cầu điều trị theo yêu cầu ngày càng tăng, tại Việt Nam đã có những khoa sản chấp nhận tình trạng thai phụ vào bệnh viện với yêu cầu được sinh mổ, vô tình đẩy tỉ lệ mổ lấy thai lên đến 70-80%. Trong khi việc mổ lấy thai không vì lý do y khoa được xem là vi phạm y đức.

Ảnh hưởng cả mẹ và con

PGS Vũ Thị Nhung phân tích những nguy cơ của mổ lấy thai thường do tai biến gây tê, gây mê; chảy máu, nhiễm trùng; tai biến trong khi phẫu thuật như tổn thương bàng quang, rách thêm vết mổ tử cung... Nếu có băng huyết thì phải cắt bỏ tử cung. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau. Tai biến xa còn phải kể đến bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non, thai ngoài tử cung...

Về thai nhi, nếu chỉ định sinh mổ đúng sẽ giúp giảm tỉ lệ tai biến cho thai nhi, song mổ lấy thai cũng là nguyên nhân gây các tai biến như: dao mổ phạm vào thai nhi (1-9%), trẻ sinh non tăng, trẻ dễ bị hội chứng suy hô hấp cấp (RDS) - đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của tử vong nhi. Ngoài ra, trẻ sinh mổ còn dễ bị suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường do phải mất sáu tháng mới có được hệ vi khuẩn đường ruột như trẻ sinh thường.

Khó tiên lượng sinh thường hay mổ

Trao đổi về việc vì sao có trường hợp cần sinh mổ nhưng bác sĩ lại không cho sinh mổ, dẫn đến thai nhi hoặc sản phụ tử vong, PGS Vũ Thị Nhung cho biết trong sản khoa có những việc không tiên lượng hết được. Lúc đầu mọi việc đều thuận tiện để có thể sinh thường nhưng nửa chừng có thể xảy ra rủi ro dây rốn bị chèn ép do nước ối vỡ, giảm thể tích nên thai bị suy. Lúc đó phải có máy theo dõi mới phát hiện kịp thời để mổ ngay cứu thai. Nếu không phát hiện thì thai sẽ ngạt. Điều này còn đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ.

LÊ THANH HÀ - MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên