13/06/2008 22:34 GMT+7

Mở chiến dịch bảo vệ hổ ở Việt Nam

VŨ THANH BÌNH
VŨ THANH BÌNH

TTO - Một bộ phim nói về mối đe dọa đối với các loại hổ châu Á do nạn săn bắt và buôn bán trái phép sẽ được phát trên Đài Truyền hình VN trong tháng bảy, mở đầu cho các chương trình hành động của chiến dịch bảo vệ loài hổ ở Việt Nam.

YELsLtRA.jpgPhóng to
Hổ châu Á
TTO - Một bộ phim nói về mối đe dọa đối với các loại hổ châu Á do nạn săn bắt và buôn bán trái phép sẽ được phát trên Đài Truyền hình VN trong tháng bảy, mở đầu cho các chương trình hành động của chiến dịch bảo vệ loài hổ ở Việt Nam.

Bộ phim có tên Hãy ngăn chặn nạn buôn bán hổ do Hiệp hội Bảo tồn hổ quốc tế (ITC) vừa sản xuất, mô tả hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm từ hổ. Phim cũng báo động về mối đe dọa của tình trạng gây - nuôi hổ ở Trung Quốc, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của khoảng 3.000 con hổ hoang dã còn lại trên toàn thế giới.

Phim đã được Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tại VN biên dịch và lồng tiếng. Một bản tiếng Việt dài hơn 3 phút có thể tải về từ Youtube: http://youtube.com/watch?v=umAwsxmpE5g

Theo EVN, tại VN hổ hoang dã sống rải rác khắp nơi, ước tính khoảng 100-200 con. Còn ở châu Á, Ấn Độ là nước có khoảng 1.500 hổ hoang dã. Phần lớn các vụ buôn bán hổ đều có điểm đến cuối cùng là Trung Quốc, nơi xương và các bộ phận khác của loài vật này được dùng làm thuốc cổ truyền. Trong khi đó nước này cũng gây chú ý vì có tới 5.000 con hổ đang bị nuôi nhốt. Những năm gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ bãi bỏ lệnh cấm buôn bán hổ đã tồn tại 14 năm nay so sức ép lớn từ các chủ trang trại hổ.

Các chủ trang trại hổ tranh cãi rằng hợp pháp hóa buôn bán hổ sẽ giúp giảm áp lực trên các quần thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Các cơ quan pháp luật nhấn mạnh rằng rất khó phân biệt giữa các sản phẩm từ hổ hợp pháp và bất hợp pháp. Hơn nữa, các nhà bảo tồn cũng khuyến cáo rằng buôn bán hổ không những không đem lại lợi ích mà còn góp phần kích cầu và tăng áp lực lên các quần thể hổ hoang dã.

Ở Việt Nam, gây nuôi hổ vẫn đang ở trong giai đoạn đầu. Việc sở hữu, buôn bán hổ và các sản phẩm của chúng là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ ở Việt Nam đang gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xu hướng người tiêu dùng quay sang ưa chuộng các món ăn và các loại thuốc, từng được coi là quá xa xỉ đối với hầu hết người dân trong nước.

Bà Vũ Thị Quyên, chủ tịch hội đồng sáng lập của ENV, cho biết: “Ngay bây giờ là cơ hội để chúng ta hành động. Trong lúc mọi người còn đang dõi theo Trung Quốc thì nạn buôn bán hổ ở Việt Nam có thể bùng phát". Bà Quyên cũng khuyến cáo rằng VN có thể trở thành nước tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép lớn thứ hai sau Trung Quốc.

ENV được thành lập năm 2000, là một tổ chức phi chính phủ tiên phong trong các hoạt động giáo dục môi trường tại VN. Từ năm 2005 tới nay, chương trình bảo vệ ĐVHD của ENV đã tiếp nhận thông tin về hơn 43 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ hổ trong đó có một vài vụ vận chuyển hoặc tàng trữ hổ sống hoặc hổ đông lạnh. Các sản phẩm từ hổ như cao hổ được rao bán phổ biến ở nhiều nơi. Theo số liệu ước tính của ENV, hiện có khoảng 60-100 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt trong các trang trại ở VN và phần lớn số hổ này có nguồn gốc bất hợp pháp.

Bộ phim về hổ của ITC được phát hành đúng vào thời điểm ENV bắt đầu thực hiện một chiến dịch mới nhằm chấm dứt nạn buôn bán hổ ở VN. ENV sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật và bảo vệ ĐVHD trong cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn bán hổ bất hợp pháp, vạch trần các đối tượng buôn bán và nghiêm khắc trừng trị theo pháp luật những cá nhân, tổ chức công khai buôn bán hổ cũng như các sản phẩm làm từ chúng.

Chiến dịch truyền thông bảo vệ hổ của ENV tập trung vào hoạt động nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động của công chúng phản ứng đối với những doanh nghiệp hay tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ hổ. Mọi thông tin liên quan có thể báo cho đường dây nóng của ENV qua số: 1800-1522.

“Đây có thể là cơ hội duy nhất để ngăn chặn VN trở thành thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm từ hổ – bà Quyên nhấn mạnh – Là một tổ chức có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đấu tranh chống lại các vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD, EVN rất mong muốn tập trung nỗ lực để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi cam kết góp phần ngăn chặn thảm họa này xảy ra đối với loài hổ, không chỉ ở VN mà còn trong toàn khu vực, bởi rất có thể số phận của những cá thể hổ đáng thương này sẽ kết thúc trong “chiếc chảo dầu sôi” của VN hay của Trung Quốc”.

VŨ THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên