24/12/2016 08:26 GMT+7

Mơ cái tết đoàn viên, đủ đầy

TR.MAI - D.HÒA - M.HOA
TR.MAI - D.HÒA - M.HOA

TTO - Những ngày này trẻ con ở thôn Bình Tây (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) háo hức mong tết về để được gặp cha gặp mẹ.

Bà May và cháu nội tên Chuyên với đôi mắt đượm buồn khi nghĩ đến tết. Trận lũ vừa qua đã làm hỏng mấy sào hoa tết của gia đình - Ảnh: TRẦN MAI
Bà May và cháu nội tên Chuyên với đôi mắt đượm buồn khi nghĩ đến tết. Trận lũ vừa qua đã làm hỏng mấy sào hoa tết của gia đình - Ảnh: TRẦN MAI

Còn người già trong thôn đã cắc củm dành dụm để mong có cái tết tròn đầy hơn cho gia đình mình.

Không dám hỏi tết có về không...

Trưởng thôn Bình Tây Lê Văn Nghĩa nói rằng người dân ở đây ai có sức khỏe là đi TP.HCM mưu sinh hết. Trẻ con thì mong tết về. Ở phương Nam, có lẽ cha mẹ chúng cũng đang ráng cày cuốc để tết này được về với gia đình.

Trong ngôi nhà cấp bốn ẩm thấp của bà Huỳnh Thị Hường (50 tuổi), một cháu bé không mặc quần, lấm lem, đang tựa vào cửa nhìn người lạ. Bà Hường mồ hôi nhễ nhại vì vừa bẻ xong ba sào bắp, đang ôm đứa lớn. Hai đứa cháu một đứa 5 tuổi, một đứa mới vừa 15 tháng. Cha bọn trẻ tên Hoàng Quốc Ấn (26 tuổi), đang làm “thợ đụng” ở TP.HCM.

“Mấy ngày trước có lũ, thằng Ấn điện về hỏi thăm, bảo chưa có tiền nên chưa về quê lo tết. Nó hỏi thăm chút rồi tắt máy, chắc hết tiền” - bà Hường kể.

Mỗi ngày bà Hường dậy từ 3g sáng chạy chợ bán chuối, bông kiếm tiền. Bà gom từng đồng tiền lẻ chuẩn bị mua quần áo tết cho cháu. Năm nay, bà còn tính gửi tiền vào cho Ấn về quê ăn tết.

“Nó làm cả năm trời mà cũng không đủ tiền về quê ăn tết. Hai tháng nay tui ráng làm kiếm được hơn 4 triệu đồng rồi. Một tháng nữa mà không thấy thằng Ấn về là tui phải gửi tiền vào cho nó về. Nghèo cả đời nhưng tết phải để cho cha con nó gặp nhau” - bà Hường tâm sự.

Chồng bà Hường, ông Trà, năm nay đã 60 tuổi. Ông buồn rầu kể ba năm nay Ấn không về ăn tết rồi. Ông vừa bị tai biến, việc đi lại nói năng rất khó khăn. Ông bảo tết này phải trông cậy hết vào bà thôi. “Bả làm được nhiều tiền thì có tết đầy đủ. Ít thì coi như chỉ đĩa cơm rau cúng cơm ông bà tổ tiên thôi” - ông ngậm ngùi nói.

Ngoài Ấn, ông bà còn có thêm một người con gái cũng đang vào TP.HCM làm công nhân. Đã mấy cái tết rồi người con gái này cũng chưa về quê thăm cha mẹ.

Ở Bình Tây, cảnh gia đình chỉ người già với trẻ con không có gì lạ. Cách nhà bà Hường chừng 400m là nhà cậu bé Chuyên (9 tuổi) đang sống cùng ông bà nội. Chuyên chờ tết. Cậu bé hào hứng đến mức mỗi ngày lại nhìn lịch rồi hỏi người lớn bao lâu nữa đến tết. Ước mong của cậu là tết đến sẽ được mua quần áo mới.

Cha mẹ ly dị, cha bỏ vào Nam kiếm sống, Chuyên ở với ông bà mấy năm nay. Bà nội em năm nay đã 60 tuổi, bùi ngùi kể: “Tết này, tui dự tính ba sào hoa sẽ có đủ tiền lo cái tết cho cháu. Ai dè lũ về làm hỏng hết. Tết này chẳng biết lấy đâu ra tiền mua cho Chuyên bộ quần áo. Tui biết cha nó khó khăn nên không dám gọi hỏi tết có về không”.

Chỉ mong có cái tết đủ đầy hơn

Những ngày cuối năm, giữa dòng người hối hả ngược xuôi ở chợ Vinh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), bà Ngô Thị Việt (53 tuổi) vẫn cặm cụi ngồi khâu đế giày cho khách. Gắn bó mưu sinh với nghề sửa giày dép đã hơn 10 năm qua, bà Việt tâm sự mỗi dịp tết đến xuân về bà lại lo dành dụm làm sao có một cái tết đủ đầy hơn cho gia đình.

Ngày bà Việt sinh đứa con thứ hai vẫn còn đỏ hỏn, người chồng bỏ ba mẹ con đi biệt xứ. Không có nhà cửa, ba mẹ con khăn gói từ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) qua TP Vinh dựng túp lều nhỏ sống tạm bên sông Cửa Tiền rau cháo nuôi nhau. Cuộc sống tuy vất vả nhưng bà Việt vẫn gắng gượng cho con đến trường kiếm cái chữ để mong sau này con mình đỡ cơ cực.

Bà Việt kể hằng ngày ngoài thời gian sửa giày dép cho khách thì ai thuê gì bà đều làm nấy kiếm thêm thu nhập trang trải chi tiêu trong gia đình. Công việc sửa giày dép cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên để lo được cái tết bà phải tằn tiện cả tháng trời.

“Tết đến nhà ai cũng phải có cành đào, cành mai hay cây quất trong nhà nhưng tôi không dám mua. Tôi chỉ mong tết mình dành dụm mua cho con bộ quần áo mới, nấu bữa cơm tất niên tươm tất cho gia đình sum vầy đầm ấm hơn” - bà Việt tâm sự.

Ven sông Cửa Tiền (TP Vinh), suốt hơn 25 năm qua, con thuyền bằng ximăng cũ nát được che đậy, vá víu từ những mảnh bạt, tấm nilông là “ngôi nhà” của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Dần (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (68 tuổi).

Ngồi co trong túp lều chật chội, ông Dần bộc bạch vợ chồng ông từ nơi khác di cư đến đây sinh sống, không tấc đất cắm dùi, không có tiền thuê nhà, nên phải dạt ra ven sông ở.

Trước đây, cuộc sống mưu sinh của ông bà gắn liền với nghề thu mua phế liệu hay cửu vạn. Nay tuổi cao sức yếu, ông bà không thể duy trì nghề cũ mà buộc lòng phải xin ăn qua ngày.

Tết là dịp sum vầy, no đủ nhất trong năm nhưng với vợ chồng ông Dần thì tết cũng như bao ngày bình thường khác. Ông Dần kể mỗi dịp tết đến ông bà lại nhận được chai dầu ăn, nước mắm, gói bột canh... của các tấm lòng hảo tâm hay xóm giềng chia sẻ để ăn tết. “Như vậy cũng vui lắm rồi...” - ông Dần bùi ngùi nói.

10.000 món quà cho cái tết đủ đầy hơn

Mùa tết năm nay, chương trình “Góp tình trao tết” - do các nhãn hàng OMO, Knorr, Lifebuoy phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức - sẽ đến với một vạn gia đình khó khăn trên khắp đất nước. Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, ngoài tiền mặt còn có thêm một số sản phẩm thiết yếu hằng ngày như bột nêm..., sẽ góp phần san sẻ, chung tay cho hàng vạn gia đình có cái tết đủ đầy hơn.

TR.MAI - D.HÒA - M.HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên