![]() |
Mua phế phẩm cá về để chế biến thức ăn gia súc và để "luyện" mỡ cá thành dầu biodiesel - Ảnh: Ph.Nguyên |
Hàng chục tàu cá bị hỏng máy vì nhiên liệu dỏm?Biodiesel không “sạch” sẽ làm hỏng động cơ Dầu cá biodiesel từng có ở Cà MauCó một đường dây phân phối lớn?
Mày mò tự chế dầu biodiesel
Chúng tôi tìm đến một số cơ sở đang sản xuất thử nghiệm loại dầu này. Ông Trịnh Minh Tú, giám đốc Công ty TNHH Minh Tú có trụ sở tại quận Ô Môn, Cần Thơ - một người am hiểu về loại dầu này, cho biết dầu biodiesel sản xuất đúng qui trình, đúng tiêu chuẩn thì máy hoạt động rất tốt. “Đọc các tài liệu và trực tiếp nghiên cứu, tôi cho rằng dầu biodiesel rất tốt cho môi trường, lượng khí thải ra thuộc loại sạch so với dầu diesel khoáng sản nếu sản xuất đúng tiêu chuẩn” - ông nói.
Bản thân công ty ông Tú cũng đã sản xuất loại dầu này. Một năm qua ông mày mò chế tạo thử nghiệm dây chuyền sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá tra và cá ba sa. “Hiện mỗi ngày tôi cho ra lò khoảng 2.000-3.000 lít dầu biodiesel, được Petro Mekong (Cần Thơ) xác nhận đạt các chỉ tiêu của dầu khoáng sản” - ông cho biết. Ông Trịnh Minh Tú được UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen về công trình nghiên cứu, ứng dụng thành công trong việc chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất dầu biodiesel.
Ông Tú đã dùng loại dầu tự mình sản xuất cho chiếc xe tải với công thức pha chế 20% dầu cá, 80% dầu khoáng sản. Hiện Công ty Minh Tú cũng đang cung cấp loại dầu này cho Công ty hóa dầu Mekong, Xí nghiệp ximăng Cần Thơ, một số nhà máy xay lúa và công trình xây dựng. Tuy nhiên theo ông, chỉ là làm thử nghiệm vì với giá thành khoảng 8.200-8.300 đồng/lít thì doanh nghiệp chưa có lời.
Tại khu vực ĐBSCL, các cơ sở sản xuất dầu biodiesel ở hướng thử nghiệm như Công ty Minh Tú chỉ đếm trên đầu ngón tay: ngoài công ty này còn có Công ty Agifish và một cơ sở tại tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, ba cơ sở này cũng mới bước đầu thực hiện dạng thí nghiệm, qui mô nhỏ, chưa sản xuất đại trà nên lượng dầu sản xuất ra rất hạn chế.
Vậy tại sao có chuyện mỡ cá lẫn trong dầu như ngư dân phản ảnh làm hại máy móc của họ?
Theo ông Minh Tú, thứ dầu trộn vào dầu diesel khoáng sản mà ngư dân Cà Mau đang sử dụng có thể là... mỡ cá tra, ba sa. Loại mỡ này không tan hoàn toàn trong dầu và có mùi như mùi cá rán bởi đã được chưng cất từ phế phẩm cá bằng công nghệ “thắng” (chưng cất) phế phẩm ra mỡ.
Lẫn lộn dầu biodiesel và... dầu mỡ cá!
![]() |
Ông Minh Tú và hệ thống sản xuất dầu biodiesel của công ty mình Ảnh: Ph.Nguyên |
“Lúc đầu tụi tôi mua mỡ cá tra giá chỉ khoảng 4.200đ/kg, nhưng hiện tại đã đột ngột tăng lên trên 6.000đ/kg. Chắc nhiều người mua quá!” - ông Tú cho biết. Theo ông Tú, mỡ cá tra sau khi thắng ra, không qua chế biến vẫn có thể cho vào máy chạy trực tiếp được nhưng rất hại máy. Người dân chủ yếu sử dụng dầu cá cho máy móc cũ, ít có giá trị. Hiện tại hầu như rất nhiều nông dân, người nuôi cá ở khu vực An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp tận thu mỡ cá để chạy máy nổ bơm nước, quạt nước trong nuôi tôm, cá. Vì mỡ cá hay bị đông khi trời lạnh nên họ quấn một đoạn ống đồng vào ống khói máy nổ và cho mỡ cá chạy qua nhằm làm nóng dầu để máy không bị hỏng, tắc. Không ai hiểu biết về tác hại của loại dầu này khi đốt cháy sản sinh ra loại khí độc như các nhà khoa học khuyến cáo.
Theo một số người am hiểu trong việc chế biến dầu biodiesel, 1 tấn cá tra cho ra 700kg phụ phẩm, từ số phụ phẩm này thắng được 300kg mỡ cá. Mỗi ký mỡ cá sản xuất được tương đương một lít “dầu bio”. Sản lượng cá tra hiện tại ở ĐBSCL vào khoảng 700.000-800.000 tấn được chế biến thì số lượng phụ phẩm, mỡ cá được tạo ra là rất lớn.
Mấy ngày nay cảnh sát kinh tế đang lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất dầu biodiesel để tiến hành kiểm tra việc liên quan đến sự cố hỏng hóc máy móc. Nhưng các cơ sở thắng mỡ cá thì sao? Nhiều người cho biết đây mới chính là các lò “luyện mỡ cá hóa bio” bởi chỉ việc thắng phụ phẩm ra mỡ để pha trộn với dầu diesel thì công suất sản xuất của họ là... vô biên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận