28/10/2022 09:17 GMT+7

Minh bạch thông tin là chìa khóa

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Bộ Công an vừa khẳng định thông tin về việc xử lý một số tập đoàn lớn, lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày nay là sai sự thật. Một diễn viên nổi tiếng và giàu có lên tiếng phủ nhận thông tin về việc mình bị bắt, cũng lan truyền trên mạng.

Những phản ứng như thế là cần thiết để xóa tan sự nghi ngại của dư luận về tính thực hư của các thông tin không rõ nguồn gốc và không được kiểm chứng.

Công việc tiếp theo hẳn là truy tìm những người đã tung, phát tán thông tin và có biện pháp chế tài thật nghiêm nhằm răn đe chung.

Có điều, qua các phản ứng này, ai cũng thấy sự bị động của người bảo vệ lợi ích bị xâm hại do các thông tin sai sự thật: thông tin lan ra trước, đã ít nhiều thẩm thấu trong dư luận xã hội và đã gây xôn xao, hoang mang, nói chung là tác động tiêu cực đối với trật tự công cộng, đặc biệt là đối với quyền lợi của những người có liên quan; rồi người có thẩm quyền hoặc có liên quan mới có động thái để ngăn chặn, hạn chế tác hại và khắc phục hậu quả.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khỏi phải cứ lẽo đẽo chạy theo thông tin xấu, độc nhằm xóa những vết ố, bẩn mà nó gây ra cho bức tranh đời sống xã hội, cho danh dự, nhân phẩm của con người? 

Nói cách khác, cần phải có cách ngăn chặn hoặc ít nhất là hạn chế thông tin xấu, độc ngay từ mầm mống phát sinh, để xã hội không phải mất thời gian, công sức, tiền bạc giải quyết những hậu quả thiệt hại mà nó gây ra.

Có hai nguyên nhân chính khiến cho thông tin xấu, độc có điều kiện thuận lợi để phát sinh và lan truyền. Thứ nhất là do con người, theo bản năng sinh tồn, có thói tò mò, mong muốn tìm hiểu tường tận những gì đang diễn ra xung quanh. Thứ hai, mang ý nghĩa quyết định, là do con người bị "đói" thông tin từ những nguồn đáng tin cậy và do đó không đủ để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết.

Không thể cấm người ta tò mò. Luật tiếp cận thông tin tại điều 4 khoản 1 có quy định "công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của luật này". Quyền tự do tiếp cận thông tin được xác nhận tại điều 5 của luật, theo đó, "công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận được quy định tại điều 6 của luật này; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin được quy định tại điều 7 của luật này".

Với quy định như thế, người làm luật Việt Nam khẳng định quan điểm xây dựng quyền tiếp cận thông tin tương đồng với quan điểm phổ biến trong thế giới tiến bộ: trên nguyên tắc, công dân có quyền tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ; một cách ngoại lệ, yêu cầu tiếp cận thông tin có thể bị từ chối hoặc bị hạn chế hoặc chỉ được đáp ứng một cách có điều kiện trong các trường hợp luật định. 

Rõ hơn, trừ trường hợp cần thiết bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức xã hội, đời sống riêng tư của con người, thông tin phải được cung cấp một cách đầy đủ, chính xác để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của người dân.

Luật hiện hành về quyền tiếp cận thông tin tương đối chặt chẽ và dung hòa hợp lý các lợi ích trái ngược liên quan đến thông tin về đời sống xã hội. Cần thi hành nghiêm chỉnh các quy định đó để có thể ngăn chặn, hạn chế thông tin xấu, độc.

Từ vụ BOT Cai Lậy, cần minh bạch thông tin Từ vụ BOT Cai Lậy, cần minh bạch thông tin

TTO - Trước sức ép của tài xế, trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) phải xả trạm và trong ngày 16-8, Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu nhà đầu tư giảm giá thu phí. Nhưng vì sao giới tài xế lại phản ứng như vậy?

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên