27/07/2016 12:32 GMT+7

Cần minh bạch thông tin dự án thế chấp nhiều hơn

  DƯƠNG NGỌC HÀ - TIẾN LONG
DƯƠNG NGỌC HÀ - TIẾN LONG

TTO - Những thông tin minh bạch về dự án nhà chỉ làm thị trường bất động sản tốt hơn lên chứ không xấu đi. Minh bạch thông tin sẽ tốt hơn cho thị trường.

*** Error ***
Một chung cư tại Gò Vấp (TP.HCM) nằm trong danh sách đang bị thế chấp tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về việc danh sách các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng vừa được Sở Tài nguyên - môi trường công bố. Ông Hiệp nói:

- Cơ quan quản lý nhà nước nên có trang thông tin công bố thông tin rộng rãi về các dự án, mọi người đều có thể vào trang này tìm hiểu thông tin nhằm bảo vệ doanh nghiệp cũng như người mua nhà.

* Nhiều ý kiến cho rằng việc công bố danh sách dự án thế chấp ngân hàng là cần thiết nhưng chưa đủ, quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cho rằng cần phải công bố nhiều thông tin hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài thông tin dự án có thế chấp, người dân cũng cần biết chủ đầu tư vay tiền để làm gì, dòng tiền đổ vào dự án hay đem đi làm việc khác, dự án đủ điều kiện để bán ra thị trường hay chưa...

Những thông tin này liên quan đến nhiều cơ quan, các cơ quan này phải ngồi lại với nhau, tổng hợp thông tin và chắt lọc để thống nhất tham mưu cho cơ quan chức năng những thông tin nào cần công bố.

* Nhưng các doanh nghiệp không muốn công khai thông tin dự án bị thế chấp?

- Theo tôi, việc thế chấp dự án, vay vốn ngân hàng để đầu tư vào chính dự án đó không xấu. Có chủ đầu tư làm chuyện mờ ám, vay vốn để làm việc khác mới phải lúng túng muốn giấu thông tin. Nhà nước công bố thông tin để bảo vệ người mua nhà là việc phải làm.

Từ câu chuyện chung cư Bảy Hiền và Harmona là những ví dụ về việc thông tin không công khai, để cuối cùng người mua nhà chịu thiệt hại.

Nhà nước không thể để người tiêu dùng bị mua nhầm nữa.

* Có ý kiến cho rằng thông tin các dự án thế chấp sẽ làm thị trường bất động sản bị trầm lắng, bị tê liệt vì người mua nhà lo lắng?

- Vấn đề là thông tin công bố có “oan” cho doanh nghiệp không? Nếu doanh nghiệp có thế chấp vay tiền thì phải minh chứng cho khách hàng biết họ mượn tiền để đầu tư cho dự án. Doanh nghiệp nên xem đó là một cơ hội để đưa thông tin tốt của mình tới khách hàng.

Tôi nghĩ đó là cơ hội để doanh nghiệp chứng minh năng lực, sự chuyên nghiệp, đàng hoàng của mình chứ không nên lo lắng. Thông tin chỉ bất lợi đối với những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng vì công khai thông tin sẽ thò ra bản chất lôm côm, bê bối. Như vậy, những thông tin công khai không những không ảnh hưởng tiêu cực mà có tác động tốt đến thị trường bất động sản.

* Liệu việc công bố thông tin minh bạch có tác động tích cực đến thị trường bất động sản như ông kỳ vọng?

- Theo quy định, các cơ quan liên quan phải quản lý việc hoạt động của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư có gian dối, các cơ quan quản lý cũng chịu trách nhiệm. Do đó Nhà nước cần phải có cơ chế để doanh nghiệp, chủ đầu tư không dám làm sai, không thể làm sai và không cần làm sai. Việc minh bạch thông tin đến đầu đến đũa sẽ giải quyết câu chuyện này.

Có một thực tế là lâu nay nhiều đơn vị và cả cơ quan quản lý có “bệnh” giấu thông tin nên người mua nhà, người đầu tư, kể cả các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý, rất “khát” thông tin. Hơn nữa, chưa có nhiều cơ chế bảo vệ người mua nhà nên họ đòi hỏi nhiều thông tin để tự bảo vệ mình, đó là nhu cầu chính đáng.

* Ông Nguyễn Hoàng Dũng (giám đốc nghiên cứu và phát triển Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM):

Xem việc minh bạch thông tin là chuẩn mực 

Việc công khai thông tin là tiêu chí hàng đầu để doanh nghiệp phát triển bền vững. Quá trình từ khi công ty thành lập, phát triển hoặc đến khi không còn hoạt động nữa đều phải được công khai trực tiếp bằng giấy tờ có chữ ký doanh nghiệp hoặc trên Internet cho mọi người biết. Với những dự án, chủ đầu tư phải công khai tài sản đó được hình thành từ nguồn vốn nào, giấy sở hữu đang nằm ở đâu, thời điểm trả hết nợ, biến động về tài chính dự án...

Tuy nhiên đối với doanh nghiệp bất động sản tại VN, việc minh bạch các thông tin dự án vẫn là vấn đề khá nhạy cảm, trừ một số doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán buộc phải công khai. Trong thực tế, nhiều chủ đầu tư chỉ bỏ một phần vốn để thực hiện dự án, còn lại huy động từ khách hàng và ngân hàng. Khi công bố khoản nợ, doanh nghiệp sợ người mua lo ngại.

* Ông Nguyễn Văn Đực (phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành):

Cơ quan quản lý cũng phải công khai thông tin

Doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ việc công bố thông tin dự án đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, việc minh bạch này phải được mở rộng ra nhiều khâu khác về quản lý, thực hiện dự án sẽ có lợi cho cả chính quyền, chủ đầu tư và khách hàng.

Chẳng hạn, các cơ quan quản lý cần công khai thông tin khác từ tiến độ thụ lý hồ sơ dự án, tình hình cấp giấy chủ quyền, xử lý sai phạm trong xây dựng... để các bên giám sát lẫn nhau, chứ không chỉ công khai thông tin về thế chấp dự án. Khi đó nếu có một khâu nào đó chậm trễ, mọi người dễ dàng biết lỗi do bên nào.

* Bà Nguyễn Thị Minh Châu (chung cư Đặng Thành, Q.Tân Phú):

Mua nhà theo cảm tính, nhiều rủi ro

Tôi mua nhà chung cư hai lần, đều tự tìm hiểu qua người môi giới và được giới thiệu rằng chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng, có uy tín. Tuy nhiên, cả hai chung cư này đều bị đem thế chấp ngân hàng, nhà đã giao cho dân và tiền thu gần hết mà chủ đầu tư chưa trả nợ. Nếu xảy ra tranh chấp giữa ngân hàng và chủ đầu tư như mới đây, chẳng biết cư dân chúng tôi sẽ như thế nào.

Nếu ngay từ đầu cơ quan nhà nước thông tin công khai các dự án như quy mô, số tầng hay các hạng mục công trình phụ..., người dân có thông tin đối chiếu với thông tin chủ đầu tư đưa ra thì đã tránh được nhiều mâu thuẫn, đổ vỡ. Nếu biết dự án đang bị thế chấp ngân hàng, khách hàng sẽ thận trọng hơn trước khi ký hợp đồng mua nhà.

DƯƠNG NGỌC HÀ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Minh bạch thông tin