22/06/2018 17:43 GMT+7

Miền Tây sạt lở bất thường

Ths. NGUYỄN HỮU THIÊN (Chuyên gia nghiên cứu  sinh thái độc lập)
Ths. NGUYỄN HỮU THIÊN (Chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập)

TTO - Quy luật “bên lở bên bồi” ở vùng châu thổ Cửu Long đã không còn như trước, khi những dòng sông, bờ biển chỉ biết “gặm” vào bờ, gây nên sạt lở nghiêm trọng.

Miền Tây sạt lở bất thường - Ảnh 1.

Sạt lở ở sông Tiền tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp cách quốc lộ 30 hơn 20 mét - Ảnh BỬU ĐẤU

ĐBSCL là nơi phù sa, cát sông Mekong tải về miệt mài bồi đắp trong 6000 năm qua. Trong quá trình bồi đắp 6000 năm đó, đúng là có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở, do đó ĐBSCL được bồi đắp lấn ra hướng Biển Đông trung bình 16m/năm và mở rộng theo hướng Cà Mau trung bình 26m/năm. Tài liệu khoa học cho biết khoảng 25 năm nay từ 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm, tức là cũng có nơi lở nơi bồi nhưng sạt lở thắng thế hơn nhiều.

Sông "đói" sẽ "gặm" bờ

"Mọi biện pháp ở ĐBSCL, dù là công trình hay phi công trình, cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở được, bởi vì không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ là thiếu phù sa và thiếu cát.

Ths. NGUYỄN HỮU THIÊN

Đặc biệt giai đoạn 2000-2005 có thể xem là giai đoạn chuyển tiếp, từ 2005 về sau thì đường bờ biển ĐBSCL đã chuyển từ tình trạng bồi lấn sang tình trạng lở, thụt lùi. 

Hiện nay khoảng 66%, tức hơn một nửa chiều dài bờ biển đang sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50m, bờ sông thì sạt lở khắp nơi kể cả sông lớn, sông nhỏ.

Nguyên nhân chính của việc sạt lở ở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mekong, tức là sự thiếu cát và phù sa mà nguyên nhân đằng sau là do các đập thủy điện chặn cát và phù sa và do khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia, đến Việt Nam, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam.

Tất cả các nguyên nhân khác được cho là gây sạt lở ở ĐBSCL đều là phụ. Ví dụ, nền đất yếu hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây sạt lở ở ĐBSCL. Nền đất yếu dễ bị sạt lở thì đúng, chứ không phải là nguyên nhân gây ra sạt lở. Nền đất ĐBSCL bản chất là yếu trong suốt quá trình hình thành mấy ngàn năm nay, gần đây không có gì làm cho nền đất đồng bằng yếu đột biến.

Vậy sạt lở phải do biến động khác. Sóng tàu thuyền có gây sạt lở cục bộ một vài nơi chứ không phải là nguyên nhân của hiện tượng sạt lở tràn lan như hiện nay. Mất rừng ngập mặn cũng không phải là nguyên nhân gây sạt lở. Mất rừng ngập mặn làm bờ biển dễ bị sạt lở và sạt lở nhanh hơn chứ không phải là nguyên nhân.

Những nơi bờ biển đang có khuynh hướng sạt lở thì dù có rừng ngập mặn vẫn sạt lở, chỉ chậm hơn thôi. Ngoại trừ những công trình lớn ven sông làm gia tăng tải trọng, nhà cửa của người dân ven sông dễ bị tổn thất khi bị sạt lở chứ không phải là nguyên nhân gây sạt lở. Nhiều nơi sạt lở không cần phải có nhà cửa cũng sạt lở, còn nhiều nơi sạt lở cuốn trôi nhà cửa thì có khi nhà cửa đã có 50-60 năm nay. Trước không sạt lở, nay sạt lở thì phải do biến động khác.

Miền Tây sạt lở bất thường - Ảnh 3.

Chống lở từ gốc rễ

Miền Tây sạt lở bất thường - Ảnh 4.

Nhiều cánh rừng bị xóa sổ - Ảnh HUỲNH LÂM

Trong tình hình thiếu phù sa như vậy, có thể thấy tình hình sạt lở trong 5-10 năm tới sẽ gia tăng nhanh. Đối với bờ sông, sạt lở sẽ tăng nhanh cho đến khi lòng sông mở rộng và đạt trạng thái cân bằng mới. Đối với bờ biển, sạt lở sẽ liên tục diễn ra không ngừng và ngày càng gia tăng tốc độ. Hiện nay mỗi năm bờ biển ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất, nhưng sau 10 năm nữa, mỗi năm có thể mất đến vài chục ngàn hecta.

Những việc trước mắt cần làm để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân, tài sản của nhà nước là gồm 3 nhóm giải pháp xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao, và quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển.

Đối với biện pháp công trình có mấy điều cần cân nhắc công trình rất đắt đỏ. Chi phí 1km bờ kè có thể lên đến 100 tỉ đồng. Nhà nước sẽ không bao giờ có đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở được.

Khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì sẽ đồng nghĩa với gia tăng sạt lở nơi khác. Vì dòng sông sẽ phải tự tìm cân bằng bờ kè hay bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ, chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ gia tăng qua thời gian và khi công trình hết tuổi thọ sụp đổ thì tổn thất rất lớn. Cho nên, phòng, chống sạt lở thì nên giải quyết nguyên nhân căn cơ gây nên sạt lở.


Ths. NGUYỄN HỮU THIÊN (Chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên