![]() |
Cây mai dương xâm nhiễm đất canh tác ở xã Vĩnh An, Châu Thành (An Giang) |
Cây mai dương (còn gọi là mắc cỡ Mỹ, trinh nữ nhọn, tên khoa học là Mimosa pigra) hiện được xem là một trong những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với những vùng đất ngập nước trên thế giới.
Tràn lan như... ốc bươu vàng
Vừa đặt chân vô đất Tràm Chim là thấy ngay mai dương mọc tràn lan. Chúng có mặt ở khắp nơi, trên đồng ruộng, ven bờ kênh và cả dưới ao mương.
Đi càng sâu vô cánh đồng cỏ năn, mai dương càng dày đặc như một đám rừng không thể nào chen chân lọt.
Chúng mọc tràn ra cả lối đi và cao hơn đầu người, ai vô tình đi ngang là bị gai móc không rách áo cũng xước da.
Ông Nguyễn Văn Lẩm, một lão nông từng sống ở Tràm Chim gần 20 năm qua, bức xúc: “Năm 1984 nó chỉ mới có lai rai ở mé kênh. Dân trong vùng đốn làm củi hoặc trồng làm hàng rào. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây nó mọc tràng giang đại hải. Tụi tui chặt chừng nào nó lên nhiều chừng nấy, gom lại đốt cũng không hết, xịt thuốc hóa học cũng chẳng xong. Hết mùa nước rút, chúng lại mọc lên nhiều hơn, như ốc bươu vàng”.
Rồi ông dẫn tôi ra đồng, chỉ vào những nơi ông đã trồng bạch đàn. Hàng trăm cây bạch đàn mới lên được chừng ba bốn tấc bị mai dương lấn lướt đè nằm sát rạt dưới gốc, ngóc dậy không nổi.
Ông Lẩm cho biết thêm nông dân trong vùng cũng đang ngắc ngứ vì nó. Cứ mỗi mùa xuống giống là lại lo bị mai dương xâm lấn, phải tốn nhiều công sức đốn bỏ nhưng rồi đâu lại vào đó.
Ông cụ ngắt một chùm trái giống như trái đậu cho tôi coi rồi nói: “Trái này rụng xuống rồi trôi theo dòng nước lũ hằng năm. Nó lan đi khắp nơi, tới mùa khô thì đâm chồi sinh sôi nảy nở như nấm mùa mưa”.
Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và môi trường vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Hùng cho biết hiện cây mai dương đã phát triển thành dãy dài bao bọc tất cả các tuyến đê quanh Tràm Chim.
Đặc biệt nguy hiểm là mai dương sẽ lấn át cánh đồng cỏ năn, bãi đáp và là nguồn thức ăn duy nhất của loài sếu đầu đỏ, loài chim quí hiếm trên thế giới có tên trong sách đỏ.
Tại An Giang, cây mai dương cũng phát triển khá nhanh, có mặt ở nhiều nơi. Ông Võ Văn Năm - chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh - cho biết cây mai dương ban đầu thường mọc theo bờ các kênh mương, tuyến đê, bờ ruộng (nhất là ở vùng sâu), vùng đất mới khai phá dân cư còn thưa vắng và tập trung nhiều tại mấy huyện phía biên giới như Châu Đốc, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu, An Phú...
Nhưng nay hàng chục cây số hai bên bờ dọc tuyến kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc tới Kiên Giang cũng mọc bạt ngàn cây mai dương.
Thậm chí dọc các tuyến lộ N1, N2, 941... mai dương còn chen sâu vào bờ ruộng, quanh các đám đất trống, bên những thửa đất đang canh tác.
Không chỉ có mặt ở Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang mà hiện nay cây mai dương đã có mặt ở Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ...
![]() |
Từ bốn năm nay, các nhà quản lý vườn quốc gia Tràm Chim đã lên tiếng kêu cứu, nhưng hầu như vô vọng. Báo cáo của vườn quốc gia này cho hay từ năm 1999, cây mai dương đã bắt đầu xâm lấn Tràm Chim với diện tích 150ha.
Đến tháng 5-2000 tăng lên 490ha, tháng 7-2001 vọt lên 958ha, chỉ trong hơn một năm đã tăng gần gấp đôi. Hiện nay mai dương đã xâm lấn tới 1.700ha.
Với tốc độ xâm lấn như vậy, các nhà quản lý Tràm Chim dự báo đến năm 2005 mai dương sẽ chiếm 4.000ha đất, tức hơn 50% diện tích của toàn bộ vườn quốc gia Tràm Chim. Và điều gì sẽ xảy ra nếu như đất Tràm Chim tràn ngập cây mai dương?
Có thể diệt trừ được mai dương? Theo ông Nguyễn Văn Hùng, câu trả lời là “có”. Tuy nhiên, cuộc chiến chống mai dương sẽ không chỉ là ngày một ngày hai mà là nhiều năm, thậm chí đến vài chục năm.
Trước mắt có thể thả nuôi dê dọc theo ven đê để chúng ăn các chồi non làm cho mai dương chết dần.
Nhưng vì không thể cho dê vào vườn quốc gia nên cần phải dùng nhiều biện pháp khác để diệt, chủ yếu là dùng phương pháp thủ công: chặt, nhổ, phơi khô rồi đem đốt. Cách làm này cần rất nhiều nhân công và phải hết sức kiên trì làm trong nhiều năm.
Kế nữa là chặt ngâm trong nước lũ, cày trục nhiều lần trong nhiều năm để tiêu diệt mọi mầm mống từ hạt còn sót trong đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà khoa học cũng đã lập xong một dự án “Kiểm soát sự xâm lấn của loài mai dương” với cách làm như trên, và đã có nguồn tài trợ 749 triệu đồng của Quĩ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP- GEF/SGP).
Ngoài ra còn có 300 triệu đồng vốn đối ứng của địa phương và đóng góp từ các nguồn khác. Có điều không hiểu là dự án chỉ mới bắt đầu thì gặp trục trặc, các nhà tài trợ đã... ngưng.
Đầu năm 2004, UBND tỉnh An Giang có chỉ thị cho các ban ngành liên quan, các huyện thị tiêu diệt, phòng trừ loại cây có nguy cơ xâm nhiễm cao này.
Ngành bảo vệ thực vật phối hợp cùng các địa phương mở nhiều đợt tiêu diệt được trên 70ha. Nhiều nơi cán bộ khuyến nông, đoàn thể, thanh niên tình nguyện cũng ra quân chặt, gom đem đốt, vài chỗ còn phun thuốc nhưng chỉ đạt hiệu quả nhất định.
Theo các nhà chuyên môn, mai dương là loại cây có khả năng sinh trưởng, tái sinh mạnh, thích nghi tốt với mọi điều kiện môi trường, thổ nhưỡng. Nó có bộ rễ trụ sâu trung bình 10-50cm, mỗi cây có thể cho từ 6.000 - 10.000 hạt/năm. Hạt có sức sống hơn một năm trên đất khô và 7-8 năm trong môi trường nước. Hơn nữa với lớp lông dày khi rụng nổi trên mặt nước thường theo dòng nước phát tán, rồi sau đó gặp điều kiện nảy mầm sẽ mọc lên... Chính vì vậy nếu không ngăn chặn ngay từ đầu thì sẽ lây lan với tốc độ chóng mặt. Có tài liệu còn cho biết mai dương có nguồn gốc từ nước ngoài, trước kia từng được trồng ven đê, bờ kênh, các công trình để chống xói lở đất ở Thái Lan. Sau này, phát hiện mức độ lây lan nhanh cùng nguy cơ xâm nhiễm cao của nó người ta bắt đầu tính đến việc diệt trừ chúng. Tuy nhiên, hạt mai dương từ thượng nguồn sông Mekong, nhất là vào mùa lũ hằng năm theo dòng nước đổ về phát tán nơi nơi. Từ đó, cây mai dương cũng phát triển nhanh, lan rộng khắp trên đất Campuchia và dần dần lan xuống VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận