Họa sĩ Trần Nhật Thăng bên tác phẩm Trừu tượng nâu
Triển lãm Miền không của Trần Nhật Thăng vừa khai mạc tại không gian nghệ thuật HAKIO - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, Q.3, TP.HCM). Họa sĩ Trần Nhật Thăng là con trai của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, nhưng sự nghiệp nghệ thuật của anh là một con đường khác khi đến với hội họa bằng tranh trừu tượng từ ngay sau khi ra trường và kiên định từ bấy đến nay.
Ở các triển lãm cá nhân trong quá khứ, Trần Nhật Thăng luôn tự làm khó mình. Đến mức, anh ví mình như đập đầu vào tường sau khi tổ chức một triển lãm trừu tượng đen trắng vào năm 2009 để rồi không thể cầm bút vẽ nữa trong suốt 9 năm sau đó.
Hình bóng núi rừng thấp thoáng trong những vệt màu của họa sĩ
Miền không là một khung cảnh hoàn toàn khác, bay bổng và thư thái đến lạ thường, anh trở về với ý nghĩa cái tên của mình. Để có bước chuyển này, 3 năm trước, họa sĩ Trần Nhật Thăng đã bỏ phố phường Hà Nội để lên một bản Mường ở huyện Vân Hồ sinh sống.
"Nhà tôi ở ngay lưng đèo, ở dưới là làng. Đều đặn mỗi tối khi trở về nhà và bật đèn lên, tôi nhận được 7 cuộc gọi của những người hàng xóm dưới chân đèo, họ gọi tôi đến để ăn cơm cùng gia đình.
Buổi sáng, thức dậy hạnh phúc nhất là được nghe tiếng cười giòn giã của người già vẳng lên. Mình biết ơn vì được sống trong sự hồn nhiên, tử tế ấy. Trước ngày đi, họ đã làm cho tôi một lễ cúng để cầu chúc triển lãm thành công" - họa sĩ nói.
Trần Nhật Thăng tâm sự, anh nhận ra mình phải đền đáp lại sự hạnh phúc, giọt nước nguồn mình được tưới tắm mỗi ngày. Anh trả lại bản làng bằng một tâm hồn hướng thiện và bằng sự buông bỏ.
Miền không với 30 tác phẩm là nơi anh gửi đến hàng xóm và núi rừng tiếng sáo hồi hướng.
Trần Nhật Thăng là họa sĩ hiếm hoi đi theo hội họa trừu tượng ngay khi bắt đầu nghiệp vẽ
Dù dùng màu acrylic làm chủ đạo, họa sĩ Trần Nhật Thăng vẫn thích thú phối trộn một số chất liệu khác trên vải bố để tạo ra những điểm nhìn, chỗ dừng đặc biệt.
Ở vài bức, họa sĩ rải vàng, có bức khác, anh lại đính những chiếc lông chim. Đối với Trần Nhật Thăng, hội họa hay cuộc đời đều không có sự bằng phẳng.
Những nếp gấp, chỗ vấp, nét gồ ghề đều làm xúc giác của ta trở nên nhạy bén, khiến trải nghiệm sống thêm giàu có.
Ở bức Trừu tượng nâu, anh đặt một mảnh vải thổ cẩm sờn cũ giữa tranh, xung quanh là những vệt màu được trộn với đất đồi. "Đây là tấm lòng của tôi, một người đã rời Hà Nội và giờ được thấm đẫm trong tình yêu của đồng bào" - họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ.
Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 30-4.
Tác phẩm Trừu tượng số 13
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận