28/07/2017 14:26 GMT+7

Mệt mỏi vì tạm bợ, nhiều tiểu thương chợ Bình Tây nghỉ bán

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Chợ chính sửa chữa ì ạch, chợ tạm chật chội và ngột ngạt, "nắng thì ngộp, mưa thì ngập" khiến nhiều tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) bức xúc, lo âu và không ít phải nghỉ bán.

Tiểu thương nóng lòng muốn sớm vào chợ để ổn định kinh doanh, nhưng hoạt động nâng cấp chợ chính khá im ắng - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Tiểu thương nóng lòng muốn sớm vào chợ để ổn định kinh doanh, nhưng hoạt động nâng cấp chợ chính khá im ắng - Ảnh: NGUYỄN TRÍ


Không gian quá chật hẹp và tù túng

Chợ tạm Bình Tây quy hoạch diện tích mỗi sạp 1,5mx1,5m, chỉ bằng một phần ba diện tích ở chợ Bình Tây, nên việc bán buôn của tiểu thương gặp khó khăn.

Bà B., chủ một sạp ở dãy hàng túi xách, sau gần một năm kinh doanh ở đây cho biết các tiểu thương “ai cũng ngao ngán”. “Cửa hàng có nghìn sản phẩm mà chỉ trưng bày trong khoảng chật hẹp này thì sao chịu nổi. Chưng được vài trăm túi xách là coi như không còn chỗ đứng bán”, bà B. than.

Tương tự, theo bà S., chủ một sạp tại khu C1, ngành hàng ba lô và túi xách, hàng hóa ngày càng nhiều diện tích chật hẹp khiến việc kinh doanh ngày càng khó.

“Ngành hàng này dài hàng chục mét nhưng cửa ra hẹp, lối đi chỉ rộng chưa đầy một mét mà hàng hóa ngày càng nhiều nên rất khó di chuyển”, bà S. than và nói thêm rằng vì không có lối đi nên “phải thuê người vác mỗi chuyến 20.000 đồng”.

Đã thế, lượng khách, theo bà S., “giảm 70-80% so với ở chợ chính”, còn “khách lẻ hầu như không có” vì không gian chật hẹp, khó di chuyển và các tiểu thương cũng không còn chỗ trưng bày mẫu mã mới.

Lối đi chật hẹp tại chợ tạm khiến khách hàng khó khăn khi di chuyển - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Theo ghi nhận, dù nằm gần chợ cũ Bình Tây đang được sửa chữa nhưng khu chợ tạm phần lớn được đặt ngay trên lòng đường Tháp Mười với lưu lượng xe cộ đông nên việc di chuyển xe hàng ra vào khó khăn.

Chợ có nhiều ngành hàng từ vải, quần áo, dày da túi xách… Tuy nhiên, không gian chỉ thoáng ở một số ít các sạp mặt tiền, còn hầu hết khá chật chội, nhiều đoạn lối đi chỉ lọt được một người.

Theo ông V., một tiểu thương ngành bán vải, do nằm dưới lòng đường nên thời gian qua chợ tạm bị ngập thường xuyên. Ngoài ra, quạt thông gió nhỏ, không có quạt thổi để không khí lưu thông, bởi hai đầu lối đi của mỗi dãy bị bịt kín bởi hàng hóa nên rất ngột ngạt.

Trước tình trạng buôn bán ế ẩm, các tiểu thương cho rằng nhiều sạp đã nghỉ bán. Những người trụ lại cũng chỉ bán cầm chừng. Chẳng hạn, tại đầu lô ngành hàng đồ cúng với khoảng 30 sạp hàng, nhưng không khí đìu hiu do một số sạp nghỉ bán, số khác không có khách, dù không phải là giờ nghỉ.

Theo bà H., một tiểu thương tại đây, mỗi ngày bà bán được chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng, “bằng số lẻ lúc ở chợ cũ”.

Để vào bán ở chợ tạm này, mỗi sạp tiểu thương phải đóng 40 triệu đồng. Cùng với mức thuế phí gần như không giảm so với chợ cũ, mà theo bà H., mỗi tháng chừng 5 triệu đồng.

Nhiều sạp ngành hàng xi mạ nghỉ bán, dọn hàng đóng cửa sớm do ế ẩm - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Nhiều sạp ngành hàng xi mạ nghỉ bán, dọn hàng đóng cửa sớm do ế ẩm - Ảnh: NGUYỄN TRÍ


Sửa chợ ì ạch, tiểu thương âu lo

Theo bà T. ở ngành hàng xi mạ , tháng 10-2016, các tiểu thương dọn ra chợ tạm. Lời hẹn của ban quản lý là “chờ một năm sau sẽ dọn lại vào chợ chính”. Vậy mà, đã gần một năm, tiến độ sửa chữa vẫn “mới chỉ dỡ phần mái ngói” khiến các tiểu thương âu lo khó có thể vào lại chợ đúng hẹn.

“Ở chợ tạm buôn bán quá khó khăn. Các đơn vị có trách nhiệm phải thấu hiểu nỗi khổ tiểu thương. Cần sửa chữa chợ chính sớm hơn kế hoạch, thay vì thi công ì ạch như hiện nay”, bà T. bức xúc.

Theo ông Lê Hồng Minh, đại diện Ban Quản lí chợ Bình Tây, hiện phần lớn chợ tạm đặt dưới lòng đường đường Tháp Mười nên rất khó mở rộng do ảnh hưởng giao thông.

Ông Minh cho biết với số lượng lên đến 1.077 sạp nhưng diện tích có hạn nên việc kinh doanh chợ tạm đang khó khăn hơn.

Cách chợ chính một khoảng ngắn nhưng nhiều tiểu thương cho biết chợ tạm kinh doanh khó khăn vì chật chội, khó di chuyển hàng hóa - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Ông Minh cho rằng phần thuế phí là thu theo quy định và ban quản lý đã giảm phần cho thuê đất, với mức cao nhất chỉ 95.000 đồng/sạp/tháng.

Thời gian kinh doanh tại chợ tạm ban quản lí chợ cũng không tính vào thời gian hợp đồng thuê điểm kinh doanh đồng thời đang kiến nghị giảm thêm các loại phí.

Theo ông Minh, mỗi sạp vào kinh doanh chợ tạm đóng 40 triệu đồng chỉ là tiền thế chân để đảm bảo quyền lợi của tiểu thương. Khi vào chợ chính đã sửa xong tiểu thương sẽ được kí hợp đồng thuê sạp, khi đó 40 triệu đồng sẽ được tính toán và khấu trừ vào tiền thuê sạp của tiểu thương.

Đối với tiến độ sửa chữa chợ chính chậm gây khó khăn cho các tiểu thương, ông Minh nói rằng trách nhiệm thuộc về Ban quản lí đầu tư và xây dựng quận 6 là đơn vị quản lí và thi công chợ tạm và nâng cấp chợ chính.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với các số điện thoại là đường dây nóng của Ban quản lí đầu tư và xây dựng quận 6 thì những người liên quan hoặc không nhấc máy, hoặc tránh né trả lời vấn đề.

Trong khi, số điện thoại bàn được ghi là của UBND quận 6 nhưng khi liên lạc lại báo không đúng địa chỉ.

Mới tháo dỡ phần mái ngói

Theo ban quản lí chợ Bình Tây, chợ chính Bình Tây bắt đầu sửa chữa vào tháng 11-2016 với các phần chính như thay mái ngói, thay và sửa các trụ, nâng nền và dự kiến đến tháng 9-2018 sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân xung quanh chợ, nhiều tháng qua việc sửa chữa chợ khá ì ạch, hầu như chỉ làm được vài ngày rồi nghỉ.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ở thời điểm chiều 26-7 tại chợ Bình Tây không hề có các hoạt động tu sửa diễn ra dù đã che chắn xung quanh để thi công.

Phần lớn công việc tại đây chỉ đang ở giai đoạn tháo dỡ mái ngói. Không gian chợ vẫn khá ngổn ngang, nhớp nháp, nhiều rui, mè bị ướt và có dấu hiệu mục rửa, một số vũng nước lớn đọng ngay trong chợ khiến phát sinh muỗi.

Tiểu thương các sạp của ngành hàng đồ cúng tại chợ tạm rầu rỉ vì buôn bán ế ẩm - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Tiểu thương các sạp của ngành hàng đồ cúng tại chợ tạm rầu rỉ vì buôn bán ế ẩm - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Tiểu thương ngành hàng ba lô túi xách tại chợ tạm ngồi buôn chuyện vì vắng khách - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Tiểu thương ngành hàng ba lô túi xách tại chợ tạm ngồi buôn chuyện vì vắng khách - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên