04/04/2018 08:14 GMT+7

'Mẹo' để không sai lầm khi chọn ngành

NGỌC BIỂN - PHƯƠNG NGUYỄN
NGỌC BIỂN - PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - 'Nhiều bạn trẻ cảm thấy đã chọn sai ngành học nhưng với mình thì không, cho đến thời điểm này, có thể khẳng định quyết định chọn ngành của mình là đúng đắn'.

Mẹo để không sai lầm khi chọn ngành - Ảnh 1.

Nguyễn Thành Long

Đó là chia sẻ của Nguyễn Thành Long, thủ khoa đầu vào năm 2015 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khi được hỏi về quyết định chọn ngành nghề của mình.

Tìm hiểu kỹ ngành nghề

Trước khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào khoa Báo chí và truyền thông, Long đã được nghe rất nhiều câu chuyện từ các anh chị đi trước và bản thân Long cũng tự tìm kiếm các thông tin liên quan đến ngành muốn học, từ đó định hướng đường đi cho mình. 

Thời gian năm nhất và năm hai, đa số chỉ học môn đại cương và các môn lý thuyết chuyên ngành nên Long có khá nhiều thời gian rảnh. Cậu đã tận dụng nó để tìm những công việc làm thêm liên quan đến lĩnh vực báo chí. 

"Khi được làm việc trong một môi trường thực tế thì mình có thể tự đánh giá xem mình có phù hợp với nó hay không, có thật sự yêu thích nó hay không" - Long chia sẻ.

Theo Long, để không phải hối hận bất cứ điều gì, đặc biệt trong việc lựa chọn nghề nghiệp, cách đơn giản nhất là tìm hiểu thật kỹ những thông tin về ngành mình sẽ học. 

Nhiều bạn, sau khi thi tốt nghiệp có kết quả khá cao thì lại có xu hướng chạy theo điểm số, thấy ngành nào cao là nộp vào ngành đó mà không biết liệu ngành học ấy có phù hợp với mình hay không, cơ hội việc làm sau này sẽ như thế nào... 

Ngoài ra, bản thân mỗi người cũng cần hoạch định cho mình một kế hoạch dài hạn để định hình xem mình muốn trở thành ai trong tương lai, muốn được nhắc đến trong vai trò như thế nào.

Chọn theo khả năng và học cách yêu nghề mình chọn

Mẹo để không sai lầm khi chọn ngành - Ảnh 2.

Phạm Thị Ánh Tuyết

Đam mê vẽ từ thuở ấu thơ, đạt giải cao trong nhiều cuộc thi hội họa và đậu ĐH ngành kiến trúc với số điểm khá cao nhưng Phạm Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1997) lại quyết định theo đuổi nghề đầu bếp tại Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist. 

Cầm tờ giấy báo nhập học kiến trúc trên tay, mấy đêm liền Tuyết không ngủ được. Cô là con đầu, sau cô còn có một em gái và một em trai. Năm đó, em gái học lớp 10 còn em trai mới vào lớp 1. Nhà Tuyết làm rẫy, trồng cà phê và tiêu, nhưng cha bị bệnh nên mẹ Tuyết gánh kinh tế cho gia đình. 

"Ba mẹ tôi nói thích ngành nào thì cứ đi học ngành đó, nhưng tôi đi học thì khổ cho ba mẹ quá. Phần nữa, tôi sợ học ĐH ra lại thất nghiệp như mấy anh chị ở xóm tôi. Nên dù tiếc ĐH, tôi vẫn chọn trường nghề, vì muốn có một tương lai rõ ràng" - Tuyết tâm sự.

Vào học nấu ăn được hai tháng Tuyết "bắt đầu tập tành... đi thi tay nghề". "Tôi không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu cuộc thi. Nhỏ lớn gì tôi cũng đi thi hết. Nhưng hầu như tất cả là... thất bại" - Tuyết cười. 

Vừa qua, Tuyết đã đoạt giải nhất cuộc thi The young talent escoffier Vietnam 2017, đại diện Việt Nam qua Hong Kong thi đấu và giành huy chương đồng. Ngoài đi thi, Tuyết còn tìm kiếm các chương trình và sự kiện về nấu ăn, ẩm thực rồi rủ các bạn cùng đi xem. 

"Mỗi lần đi thi và đi xem như vậy, tôi thấy mình tích lũy được thêm kiến thức, nhưng quan trọng hơn là tôi thấy được tiếp thêm động lực tinh thần, muốn học hỏi nhiều hơn nữa" - Tuyết khẳng định.

Tìm cách giữ lửa, vượt qua chán nản

Mẹo để không sai lầm khi chọn ngành - Ảnh 3.

Cao Hữu Lợi

"Có những lúc cảm thấy mệt mỏi không biết nên làm thế nào, mình hay tâm sự với các anh chị khóa trên hoặc thầy cô trong khoa để biết mình vẫn đang đi đúng hướng. Và những câu chuyện nghề, chuyện đời của họ luôn giúp mình có thêm niềm tin với ngành đã chọn. 

Cho nên, theo mình, tìm một chỗ dựa tinh thần trong những năm ĐH là chuyện rất quan trọng vì đó là cách để lấy lại tinh thần nhanh nhất" - Nguyễn Thành Long chia sẻ.

Một điều quan trọng giúp Long luôn giữ được lửa với ngành báo chí chính là tham gia các hoạt động tình nguyện trong vai trò của một chiến sĩ truyền thông. Việc tham gia tình nguyện vừa giúp Long được đi đến những vùng đất xa lạ vừa có thêm những bài học mới mà có thể nhà trường sẽ không dạy. 

"Mỗi ngày, mình luôn tự rèn luyện sự kiên trì theo đuổi lý tưởng nghề nghiệp bằng những cơ hội mới. Mình không muốn bỏ qua bất cứ điều gì, vì con người ta chỉ hối hận về những việc mình chưa làm chứ không hối hận vì những việc mình đã làm được" - Long nói.

Tò mò về các thiết kế nhà cửa, các công trình kiến trúc lớn, từ năm học lớp 11, Cao Hữu Lợi đã đặt quyết tâm thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Hiện tại, Lợi là sinh viên năm tư ngành Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. 

Lợi chia sẻ hai năm đầu ĐH, có những lúc bạn cảm thấy chán nản vì ngành đang học không được như mong đợi. Một phần vì do trước kia bạn đã chưa tìm hiểu đầy đủ các thông tin về ngành học, một phần vì cảm thấy cơ hội nghề nghiệp không cao. 

"Trước kia mình từng rất chán nản vì lúc nào cũng quẩn quanh với đồ án, với bài tập và kết quả học tập giảm sút nên niềm yêu thích ngành học của mình dần nhạt đi. Nhưng thời gian sau này, mình được bạn bè, anh chị đi trước giúp đỡ, chia sẻ câu chuyện của họ.

Cộng thêm những kiến thức mới học được, mình cảm thấy nghề mình chọn thực sự rất có ý nghĩa và mình quyết tâm sẽ theo đuổi nó đến cùng. Mình cũng nhận ra nguồn động lực mạnh mẽ nhất của mỗi người chính là được làm điều họ thật sự thích" - Lợi kể.

NGỌC BIỂN - PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chọn ngành bạn trẻ