15/12/2010 10:25 GMT+7

Mẹ Thứ về với đất

KIM EM
KIM EM

TT - Sáng 14-12, hàng nghìn người dân từ các nơi đã đổ về xóm Rừng (thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để tiễn đưa mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ về cùng các con của mẹ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn.

cjp55kii.jpgPhóng to
Ông Lê Tự Thử, người con trai thứ 8, bên di ảnh của mẹ Thứ - Ảnh: LÊ HẢI
Video clip "Vạn người tiễn biệt mẹ Thứ về nơi an nghỉ cuối cùng" - Nguồn: TVO

Từ 6g, trên đoạn đường dài hơn 2km từ chợ Thanh Quýt đến đường rẽ về nhà mẹ Thứ, đoàn người đứng ken dày trong trật tự chờ đoàn xe tang đưa mẹ vào cõi vĩnh hằng. Có mặt trong hàng nghìn người tiễn đưa mẹ Thứ, cụ Nguyễn Ân (81 tuổi ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - một cựu chiến binh từng hoạt động trên vùng đất lửa Điện Bàn những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất từ năm 1968 - 1972 - cho biết: “Tôi đọc báo biết mẹ Thứ qua đời nên đã theo xe buýt từ Đà Nẵng vào Thanh Quýt đưa tang mẹ”.

Nghe ca khúc: Người Mẹ của tôi

“Tự hào vì có mẹ”

"Tôi biết mẹ Thứ từ lâu và tôi nguỡng mộ mẹ. Mẹ là bà mẹ anh hùng của một dân tộc anh hùng. Tôi yêu Việt Nam và tôi yêu mẹ Thứ. Tôi tự hào đã biết rất nhiều về mẹ Thứ và tôi tin các bạn cũng tự hào vì các bạn có mẹ Thứ"

Bà JOANNE LUKE - đại diện Hội Bảo trợ nạn nhân tàn tật tại Đà Nẵng (quốc tịch Úc)

Giọng cụ Ân xúc động: “Gia đình tôi có một người con là liệt sĩ hi sinh trong mùa xuân Mậu Thân 1968. Tôi chỉ mất một đứa con mà nỗi đau trong lòng từ hơn 40 năm qua không lúc nào nguôi. Vậy mà mẹ Thứ đau tới chín lần như thế, sức chịu đựng của mẹ quả là vô hạn. Tôi thấy mình nhỏ bé trước sự hi sinh vô bờ bến đó”.

Không chỉ có các bậc lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên đến viếng và tiễn đưa mẹ Thứ, những người dân một nắng hai sương ở những làng xóm xa xôi từ các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc... cũng có mặt trong buổi đưa tang mẹ.

Có người đi xe đò, có người đi xe gắn máy, có người nhờ bà con lối xóm cho đi nhờ... Họ đi từ lúc gà còn chưa gáy sáng để kịp có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn chờ giờ an táng mẹ. Rất nhiều trong số hàng nghìn người có mặt trong tang lễ mẹ Thứ chưa một lần được gặp mẹ, nhưng trong họ niềm tin yêu, kính phục dành cho mẹ tưởng như không có gì thay thế được.

9g35, linh cữu mẹ Thứ được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn với đoàn xe và người dài dằng dặc đi sau. 10g45, trước huyệt mộ mẹ Thứ, đoàn quân nhạc khởi lên khúc mặc niệm tiễn đưa mẹ về với các anh hùng liệt sĩ. Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị - con gái duy nhất của mẹ Thứ - bỗng òa khóc. Lần đầu tiên từ sau bốn ngày mẹ Thứ qua đời, chỉ có ngày tiễn mẹ Thứ về trời mẹ Trị mới khóc. Mẹ Trị nói trong nước mắt: “Mẹ ơi, rứa là mẹ không về nữa rồi. Con sống với ai đây?”. Đám đông đứng vây quanh chờ được tự tay bỏ nắm đất tiễn biệt mẹ Thứ không ngăn được dòng nước mắt.

B2XjTBnZ.jpgPhóng to
Đoàn quân nhạc trỗi lên khúc mặc niệm tiễn đưa mẹ Thứ - Ảnh: KIM EM
Xem clip Người mẹ của tôi do cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác, Đan Trường trình bày

Huyền thoại mẹ

Mẹ Thứ khi còn trẻ trong hồi ức của những bậc cao niên là một cô gái làm nghề ươm tơ dệt lụa có nhan sắc vào loại nhất nhì ở xóm Chay. Mẹ về làm dâu họ Lê Tự và sinh ra cho gia đình chồng 12 người con, 1 gái và 11 trai. Nhưng đến cuối đời chỉ ba người còn sống, trong đó có mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị, 86 tuổi, sống với mẹ Thứ và hai con trai là ông Lê Tự Thử (75 tuổi, hiện đang sống ở TP.HCM) và ông Lê Tự Thận (hiện đang sống ở Đà Nẵng).

Trong số 7.289 mẹ Việt Nam anh hùng của đất Quảng Nam, mẹ Thứ được xem là bà mẹ tiêu biểu nhất bởi chín người con của mẹ tham gia chiến đấu cả trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, mẹ mất ba con trai.

Mất mát đầu tiên của đời mẹ là anh Lê Tự Xuyến - người con thứ hai, làm giao liên của xã - trên đường làm nhiệm vụ bị giặc Pháp bắn chết vào ngày 18-6-1948 ngay đầu làng.

Ngày 5-10, anh Lê Tự Hàn (anh) hi sinh khi làm nhiệm vụ tải thương và chỉ cách mười ngày sau, 15-10, anh Lê Tự Hàn (em) hi sinh trong một trận chống càn ngay trên quê hương mình.

Ngày 1-4-1954, anh Lê Tự Lem - vừa tròn 20 tuổi - tham gia bộ đội huyện chiến đấu và hi sinh.

Cứ thế, nấm mồ này cỏ chưa lên xanh mẹ lại phải đắp thêm nấm mộ mới cho các con. Mẹ Thứ nuốt nỗi đau mất đi bốn núm ruột của mình để làm nhiệm vụ nuôi quân. Trong vườn nhà mẹ Thứ hiện vẫn còn năm hầm bí mật mẹ đào để nuôi giấu bộ đội từ thời kháng Pháp.

Quân Pháp rút đi, quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam, quê hương Điện Bàn của mẹ Thứ là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Mẹ lại động viên những đứa con lên đường tham gia kháng chiến. Và lần lượt các anh lại hi sinh.

Ngày 5-9-1966, anh Lê Tự Nự - đội viên du kích xã - bị giặc bắn chết trên đường đi công tác.

Ngày 14-4-1972, anh Lê Tự Mười hi sinh tại mặt trận Tây nguyên.

Ngày 12-9-1972, anh Lê Tự Trịnh - người con út mới tròn 18 tuổi - bị quân địch khui hầm bí mật giết chết ngay trên đất xóm Rừng.

Rồi ngày 28-8-1974, anh Lê Tự Thịnh - đại đội trưởng bộ đội huyện Duy Xuyên - hi sinh khi đánh đồn.

Ngày 30-4-1975, Sài Gòn giải phóng, vậy mà anh Lê Tự Chuyển là biệt động thành hi sinh ngay lúc bộ đội về tiếp quản TP.

Những người từng được mẹ Thứ cưu mang trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến kể rằng dù nhận tin con hi sinh nhưng mẹ chưa bao giờ rơi nước mắt. Nỗi đau của mẹ như lặn vào trong. Mỗi lần nghe tin con hi sinh, mẹ đi quanh quẩn trong nhà, lượm cái nọ, bỏ cái kia, đôi mắt như người mất hồn nhưng không bao giờ khóc. Chỉ đêm về mẹ mới ngồi lặng người bên ngọn đèn dầu soi bóng vào vách và không ai biết mẹ đang nghĩ gì...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tiễn đưa mẹ Thứ về với đất trờiTừ căn nhà của mẹ...Cả nước về bên mẹ ThứMẹ giúp con biết mình chưa làm được gì”Mẹ Thứ đã qua đờiMẹ Thứ ơi, Mẹ là Tổ quốcNgười mẹ chín lần tiễn con đi không còn nữaMẹ ơi, dẫu biết lá vàng lá rụng…

KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên