Có lẽ không gì khổ hơn khi con biết mình không làm gì sai mà vẫn phải chấp nhận sự cấm cản của mẹ. Con không nghĩ thích một người là sai.
Mẹ bảo rằng mới lớp 9, yêu với con bây giờ là quá sớm. Rồi mẹ dọa con: “Con hãy chọn đi. Hoặc là không yêu đương gì nữa, lo học cho đàng hoàng. Hai là cho nghỉ học luôn, không mẹ con gì nữa”.
Đứng trước điều kiện rõ ràng của mẹ, dĩ nhiên con sẽ phải chọn giải pháp một. Không còn dám gặp riêng bạn ấy, nhưng mẹ đâu biết rằng trong đầu con từ sau giây phút “cắt đứt tình cảm” lúc nào con cũng nhớ bạn ấy. Con xao nhãng bài vở hơn. Khi cô H. (cô giáo chủ nhiệm của con) liên lạc nói với mẹ rằng con không còn chăm học như trước, mẹ liền cầm cuốn sách đập mạnh xuống bàn: “Con muốn mẹ phát điên lên hả? Học với hành kiểu gì thế này?”. Con sợ thái độ và sự tức tối của mẹ. Nhưng con không thể quên được bạn ấy.
Chúng con quý nhau, cùng giúp đỡ nhau học tập. Nhưng mẹ cho rằng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Mẹ muốn kéo con ra khỏi những chuyện yêu đương nhăng nhít, là cứu vớt tương lai của con. Mẹ cứ như vậy, toàn làm những gì mẹ thích, mẹ cho là đúng, bất luận thái độ của con thế nào.
Con lén lút nhìn bạn gái ấy từ xa, không dám mời bạn một ly nước. Nhưng con nhớ đến bạn nhiều hơn. Mọi sự sa sút trong học tập của con chủ yếu do câu chuyện tình cảm bị mẹ đẩy lên quá xa. Ai cũng có rung động đầu đời. Nhưng mẹ đã và đang “lạm quyền” cấm đoán mà mẹ chẳng hay.
Mẹ không bao giờ nhẹ nhàng khuyên bảo con, không bao giờ để con chia sẻ rằng tình cảm của chúng con là trong sáng. Mẹ suốt ngày chỉ biết chỉ trích, răn đe con chán, mẹ lại quay ra tìm cách cấm cản. Rồi mẹ bảo bạn gái ấy đang dụ dỗ con, “mua chuộc” con khiến con bỏ bê bài vở. Rồi mẹ mắng con là “cá không ăn muối cá ươn...”.
Chẳng ai dụ dỗ hay mua chuộc con cả đâu mẹ ạ. Mẹ đâu biết rằng bạn ấy đã giúp con thấy tự tin hơn vào bản thân. Cũng là bạn ấy đã giúp con hứng thú hơn với những buổi đến lớp. Và cũng chính bạn ấy cho con thấy rằng con cần phải nỗ lực để trở thành một bác sĩ trong tương lai. Tình yêu học trò đâu có lỗi mà sao mẹ vẫn hết lời răn đe, cấm cản con như thế?
Tuần qua, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Cao Long Hải, Phi Khanh (Hà Nội), Trịnh Thị Thuận (Hải Phòng), Vũ Duy Yên (Thái Bình), Nguyễn Trọng Dũng Mạnh (Thanh Hóa), Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi), Lê Triều Sơn (Huế), Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng), Đông Phương, Tấn Thọ (Quảng Nam), Hoàng Anh Tuấn (Quảng Ngãi), Vĩnh Linh (Kon Tum), Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Trần Ngọc Đức Anh (Bình Thuận), Thái Hoàng, Lê Phương Trí, Đức Linh, Trân Châu, Nguyễn Thị Dung, Trần Văn Tám, Đặng Trung Thành (TP.HCM), Nguyễn Thanh Hùng Hai (Long An), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Anh Thy (An Giang), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu) cùng các tác giả Trúc Nguyễn, Thức Thức, T.T.Y.Q., Nguyễn Đông, hainguyet8585@... Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng. TUỔI TRẺ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận