Tuần trước tôi về thăm quê bạn, lần đầu, dịp lễ. Mẹ bạn là người mẹ quê chân chất, bà xởi lởi nói với tôi và cả đám: "Mấy đứa cứ ở chơi mấy ngày cũng được, cô đãi tụi con đặc sản Bến Tre nghen".
Nói rồi, cô ra hái một quày dừa to, trái hơi bị nám do nắng nóng kéo dài. "Nhưng không sao, nước dừa vẫn trong lành và ngọt". Rồi cô lấy dao, thoăn thoắt chặt từng trái dừa.
"Cô biết tụi bây dân văn phòng, chữ nghĩa giỏi hơn cô chứ mấy cái vụ chặt dừa, nấu ăn là thua đứt cô à nghen". Cả nhóm cười xòa. Nụ cười của cô, người phụ nữ gần 60, tỏa nắng, vô ưu.
1. Cô nấu ngon thiệt. Món kho, món xào đậm vị, kể cả khi nấu chay (riêng) cho tôi. Mấy bạn đi chung trong nhóm bảo "thịt kho hột vịt của má thằng T. ngon hết sẩy con bà Bẩy".
Không biết vì món ngon hay vì lâu lâu chạy xe máy đường xa, được ăn cơm quê mà cả đám ăn hết nồi cơm to.
"Lâu lắm mới ăn bữa cơm chất lượng như vậy đó cô", một người bạn nhanh nhảu.
Cô lại cười rồi nói: "Mấy đứa con ở miền Bắc, miền Trung, lễ không về được thì theo T. về đây, cứ xem như nhà mình". Nghe mà ấm áp vô cùng. Chẳng vậy mà có đứa còn gọi cô là má, như cách của thằng T..
Ăn cơm xong, tôi ra sau bếp ngồi chơi, phụ cô rửa chén. Cô vui vẻ kể, thằng T. nó có kể về con. Rồi cô dừng lại đôi nhịp, "Cô cũng mong T. an ổn, để khi cô trăm tuổi nó có người bầu bạn".
Tôi lắng nghe cô và đến tận bây giờ mới biết được, cô đã biết rằng T. không muốn lập gia đình vì là người đồng tính.
"Làm ba làm mẹ, con mình như thế nào mình hiểu hết. Có đoạn chú còn sống, ổng buồn, ổng cấm nó dữ lắm. Sau này, cô xem nhiều phim ảnh, chương trình truyền hình, xem trên YouTube, thấy mấy đứa trẻ tuổi yêu nhau cũng dễ thương, hạnh phúc quá chừng...".
2. Tôi cắt lời, "Vậy là cô biết T. đồng tính từ lâu rồi hả cô?". Cô "ừm" rồi cười to như thể muốn xóa đi bầu không khí có phần chùng xuống đó.
"Không những biết mà giờ cô mong nó gặp người nó thương, cũng thương nó, đàng hoàng tử tế sống với nhau tới già". Tôi nghe tự dưng cũng rưng rưng vì xúc động.
Một người mẹ khi đã hiểu, thương, chấp nhận con mình dù con có khác số đông ngoài kia thì sẽ giúp cho cả hai mẹ con hạnh phúc.
Những người mẹ như mẹ của T. không phải ít. Thi thoảng, tôi lướt mạng xã hội hoặc xem một chương trình truyền hình nào đó, tình cờ cũng gặp được những "mẹ chồng chàng dâu" hiệp ý, dắt nhau đi mua sắm và dắt nhau lên sóng, công khai câu chuyện của mình.
Trong cõi nhân sinh ngắn ngủi này, có duyên là mẹ con là điều thật khó, cả mẹ và con đều không biết mình sẽ sống bao lâu, đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường. Do vậy, khó khăn, làm khổ nhau làm chi. Tôi vẫn luôn tự hỏi như thế. Và vẫn tin rằng, chắc chẳng cha mẹ nào không thương con, chỉ có điều họ chưa hiểu, chưa chấp nhận được nên chưa cảm thông. Một khi đã hiểu và thương sẽ có cách giúp con mình hạnh phúc.
Bến yêu thương của mẹ là vô bờ, sẽ luôn sẵn sàng ấp ôm, giúp con mình đi qua mọi khúc quanh.
"Má để con vào bếp nha!"
Tôi đã đề nghị như vậy khi đợt rồi về quê thấy má bận rộn đủ thứ chuyện mà còn lo ăn uống cho hai ba con tôi...
Có vào bếp rồi mới thấy việc nấu nướng để có một mâm cúng hay chăm chút cho món ăn thực sự chỉn chu, vừa đẹp vừa ngon như má không dễ.
Năm nay, vườn nhà không có mít non nên má không làm một nồi mít kho chay ngon lành và bắt cơm như năm ngoái.
Tôi gửi má thực đơn của "đầu bếp đẹp trai nhứt nhà" - là tôi - với món đậu hũ kho nấm, nước dừa và trứng gà luộc, một món chay tôi học được từ một người bạn ở miền Tây. Má kêu làm đi, để má chấm điểm.
"Mai mốt má già, chân yếu, tay run thì con cũng phải làm mấy chuyện ni, làm trước cho quen", má nói. Nghe xong, tôi chùng một nhịp, bỗng nhìn đôi tay gầy của má, nhiều vết đồi mồi và cũng đã run run.
Tôi khỏa đi nhịp lắng ấy bằng giọng vui vẻ: "Má yên tâm, ngó vậy chớ con nấu cũng được lắm đó". Rồi tôi loay hoay vào bếp. Cậu con trai lên 6 tuổi của tôi cứ chạy vô, chạy ra hỏi, "phụ chi không ba", dù chưa làm được gì nhưng nghe vậy cũng thấy ấm lòng. Xong, bạn nhỏ cứ một hai phong tặng danh hiệu "nội con nấu ngon nhứt" khiến má vui theo, cười tủm tỉm. Căn bếp bỗng ngập lời yêu thương.
Tôi đi xa má hơn 20 năm. Có những bữa má bệnh, cũng ráng dậy nấu cháo rồi tự ăn, tự uống thuốc. Tôi hay hỏi thăm má nhiều nhứt là chuyện sức khỏe, nếu không có tôi về hay lúc chưa có cháu hủ hỉ, má vẫn hay ăn uống qua loa, cho qua bữa.
"Chứ nấu chi cho ê hề ra, có mình má ăn răng cho hết", má nói vậy nên tôi chỉ biết... bó tay, dặn đi dặn lại điệp khúc cũ, "Thì có chi má cũng nấu ăn đầy đủ xíu chứ ăn chay mà kiêng khem, không ăn cho đủ chất là dễ bệnh lắm đó". Má lại cười rồi bảo, "yên tâm"!
Yêu thương nào cũng cần được nói ra, biểu hiện bằng thực tế. Đó có thể là lắng lo, chia sẻ, một phần quà dễ thương. Và đó cũng có thể là bữa ăn tự nấu, để ta vừa trải nghiệm vừa nhận ra, ở mỗi bữa cơm ngon là biết bao tâm sức gửi gắm.
Trên hết là má vẫn còn khỏe để gian bếp yêu thương của nhà mình vẫn đỏ lửa, để mỗi khi quay về mình hít hà mùi thức ăn, mùi của tình thương và lòng biết ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận