Nghe đọc nội dung bài |
![]() |
Mất chồng năm 29 tuổi, chị Phạm Thị Liếp ở vậy nuôi con. Chị nói chỉ mong con cái nên người - Ảnh: My Lăng |
Mọi người ở xóm chợ chồm hổm trước cổng Khu công nghiệp (KCN) Tân Thới Hiệp, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM đều biết chị Năm Nghĩa bán rau, có ba đứa con ngoan và học rất giỏi. Hai đứa lớn, một đã đi làm, một đang học ĐH; thằng bé út học lớp 9, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, được phường tặng giấy khen và tặng tập vở cho năm học mới.
Vò võ nuôi con
Đêm phập phồng... Đêm mưa, căn chòi ọp ẹp dột chỗ này, chị Liếp ôm con sang chỗ khác. Người mẹ trẻ thức trắng đêm canh chừng cho bốn đứa nhỏ ngủ say. Chị nuốt nước mắt vào trong để không bật thành tiếng khóc... “Đêm nào tui cũng phập phồng không dám ngủ say. Cứ nghe tiếng chó sủa là giật mình....”. Không chỉ sợ trộm, chị còn lo những người đàn ông còn để ý tới mình, bởi xao nhãng thì không nuôi được đàn con. |
Khi đó, bé Út mới được một tháng tuổi. Chiếc xe đạp cà tàng giờ không còn. Nhưng chị Năm Nghĩa bảo từ lúc chồng chết đến nay, mỗi lúc nghe tiếng xe đạp lạch cạch ở đâu đó lại ngó ra đường. Suốt những năm sau ngày anh mất, chị đêm đêm lại giật thót mình, huơ tay vào khoảng trống, nơi góc giường anh vẫn nằm... Chị nhìn xa xăm: “Mỗi lần ngồi lui cui nấu cơm trong bếp, tui cứ giật thót mình, thấy như ảnh về ôm choàng lấy tui từ phía sau...”.
Đám tang chồng, chị Năm không rơi nổi một giọt nước mắt vì có nỗi đau cứ nghẹn trong lòng. Ngồi nhìn ba đứa con thơ lít nhít - đứa lớn nhất mới 8 tuổi, nhìn ngôi nhà lá che tạm để ra vô, ngước lên thấy thấu trời khiến chị mụ mị cả đầu óc. Biết lấy gì cho con ăn đây? Chỉ ra ba chuồng heo cũ phía sau nhà, chị kể: “Dạo đó cái gì cũng làm. Giặt đồ mướn, trông con cho người ta, đêm đi lượm ve chai. Và nuôi heo. Bán cả một nửa đất lấy vốn nuôi heo để có tiền nuôi con”.
Cả xóm thương bởi chị đa sầu đa cảm nên dặn nhau: “Đừng có nhắc tới anh Năm, hễ nói là bả lại trào nước mắt đó!”. Còn chị bảo buồn thì buồn lắm, nhưng nói vậy rồi cũng phải vượt qua thôi. Còn điểm tựa cuộc đời là con mình. Phải sống vì con mới là quan trọng. Và những đứa con chị nay đang lớn thành người. Chị Năm khoe con trai lớn nhất đã học xong ĐH, đi làm ở nhà máy đông lạnh cũng đỡ đần được phần nào cho mẹ. Còn thằng út vẫn thường mặc chiếc quần cứ ngắn lại nối thêm gấu cho dài ra để đi học nhưng vẫn học rất giỏi. Chị bùi ngùi bảo: “Nó giống ba y chang... Nhìn nó là thấy ảnh, cũng vui rồi”.
Cũng như chị Năm Nghĩa, chị Loan, phụ bán hủ tiếu ở chợ Xóm Chiếu, ngụ hẻm 170/19 Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), mất chồng từ năm 37 tuổi. Mỗi lúc rảnh tay, chị cứ dựa lưng vào bậu cửa, thừ người. Chị thương những đứa con nhỏ sớm mất cha và thương phận mình. Chồng chị bị bệnh suy thận mãn, nhập viện, thuốc men vài năm thì mất.
Chị Loan nói những khi mái nhà dột, bóng đèn hư, chị trở thành người đàn ông trong nhà, quán xuyến tất cả những việc nặng nhọc trong gia đình. Làm xong công việc, nhìn ảnh chồng trên bàn thờ mà chỉ biết bật khóc... Chị bảo mấy năm vắng bóng người đàn ông trong gia đình khi tuổi vẫn còn đang xuân sắc, chị sợ nhất là bóng đêm. Đêm đối với chị như dài vô tận khi cứ quay quắt trong nỗi nhớ chồng, thèm ghê gớm một vòng tay, một hơi ấm của người đàn ông, chị ôm chặt ba con nhỏ mà nén ghìm cảm xúc...
Ở tít tận ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, chị Phạm Thị Liếp khi tròn 19 tuổi lấy chồng thì 29 tuổi sớm góa bụa cùng bốn đứa con thơ nheo nhóc. Đứa út mới sáu tháng tuổi còn ẵm ngửa trên tay. Thằng lớn mới học lớp 2. Chồng mất được 14 ngày, chị đã phải vào bệnh viện chăm con hơn cả tháng. Con cái thay nhau bị bệnh, rồi suy dinh dưỡng... Đã có lúc cùng đường đến mức tuyệt vọng, chị định tự tử... Khóc. Mắt sưng húp. Có những ngày nước mắt mặn đắng chén cơm. Thằng con lớn vô tư hỏi: “Mẹ làm gì mà khóc hoài vậy?”. Sợ con lo nghĩ ảnh hưởng tới học hành, chị nói lảng: “Mẹ bị nhặm mắt nên dụi”...
Còn chút đời dành hết cho con...
Thừa đơn côi, thiếu hơi ấm Chị Liếp nói cuộc sống của người phụ nữ trẻ trong gia đình với đàn con thơ, không có bóng người đàn ông vừa thừa vừa thiếu. Thừa sự cô đơn, sự trống trải, nỗi buồn. Còn thiếu thì thiếu đủ thứ, lắm khi khao khát chỉ được nghe một lời động viên, an ủi của người đàn ông thủ thỉ bên tai mình. |
Từ ngày chồng mất, chị Liếp trở thành người đàn ông chủ lực trong gia đình. Sáng đi đắp đất thuê. Tối đốn lá dừa bán. Rồi thả lưới, đốn củi... “Đi làm tui không dám đi một mình, sợ người ta ghẹo hoặc sợ chỗ vắng. Nhiều đêm không ngủ được, cứ nghĩ sáng mai phải làm gì để nuôi các con. Phải làm gì để con lành quần lành áo, có tiền cho con đi học. Lúc nào tôi cũng nghĩ phải cố gắng vượt qua. Có khóc chồng mình cũng không về được. Thôi thì ráng lo cho con ăn học đàng hoàng”, chị Liếp tâm sự.
Có khi 28, 29 tết, chị đi bắt còng bán rồi đổi trứng vịt cho con ăn tết. Có lần chị chèo xuồng qua sông Lòng Tàu ngay ngày dông bão. Sóng to như búa đập thẳng vào dáng mỏng manh cố chèo chống giữa dòng nước lạnh. Xuồng lật. Chị bị hất văng xuống nước. May nhờ có người nghe thấy tiếng kêu cứu... Mấy lần suýt chết nhưng cố bơi vào bờ vì thôi thúc trong lòng nỗi ám ảnh: con mình đã không có cha, giờ mất mẹ thì cuộc đời ra sao?
Nhiều lần có người đến dạm hỏi, chị từ chối. “Cha mất thì còn tình cảm của mẹ cho trọn vẹn. Đi bước nữa biết con mình ra sao? Thôi thì làm một đồng hưởng một đồng, mẹ con đùm bọc nuôi nhau vậy”, chị Liếp nói nhẹ nhàng, chân chất.
Còn chị Loan, cũng có người đánh tiếng nhưng chị bảo: “Mở mắt ra là chạy cơm cho con từng bữa, thời gian đâu nghĩ tới mình. Nhiều khi cũng khao khát có lại một mái ấm lắm nhưng rồi cái tuổi nó đuổi cái xuân đi. Thôi thì còn chút đời này mình để dành cho con vậy...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận