16/12/2011 12:58 GMT+7

Mẹ, con, đất và máu

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - “Xấu hổ chưa, đẹp mặt chưa”, “Con cái ăn cướp, trả đất trả nhà đây cho tao”... Những tiếng hét thất thanh kéo mọi người về phòng xử 202 TAND TP Hà Nội.

wtzAExxz.jpgPhóng to
Cụ bà Nguyễn Thị Hồi - Ảnh: Tâm Lụa

Trước mắt mọi người là một cảnh tượng hỗn loạn: 5-6 người đàn ông đang đánh nhau túi bụi. Bà mẹ tóc bạc trắng luôn miệng khóc than rồi ngã vật xuống nền nhà bởi sự xô đẩy của các con. Một dòng máu đỏ chảy từ chân bà xuống nền gạch, không một ai nâng đỡ bà dậy. Cho tới khi lực lượng an ninh có mặt thì cuộc ẩu đả mới dừng lại.

Cụ bà Nguyễn Thị Hồi, 84 tuổi, ngồi run rẩy trên dãy ghế dành cho nguyên đơn. Bị đơn là con trai cả của bà, ông Uông Văn Hùng, 55 tuổi. Mẹ kiện con chiếm 123m2 đất của mẹ, đuổi mẹ ra khỏi nhà. Tòa sơ thẩm TAND huyện Thường Tín, Hà Nội phân xử bà được 13,5m2 đất cộng với 36 triệu đồng đền bù công trình ông Hùng xây dựng trên đất của bà. Ông Hùng kháng cáo yêu cầu hủy án.

Đổ máu trong phòng xử

Phiên tòa phúc thẩm sáng 29-11 bắt đầu muộn hơn thường lệ vì hội đồng xét xử phải lập biên bản gây rối trật tự. Các con của nguyên đơn, người thì chảy máu tay chân, người mắt vằn lên những tia máu đỏ... vẫn yêu cầu tòa tiếp tục buổi xử án cho “ra ngô ra khoai vì mâu thuẫn của gia đình đã lên tới đỉnh điểm không thể tự giải quyết”.

“Mảnh đất ấy là của dòng họ để lại cho vợ chồng tôi. Chồng mất, tôi vào Nam sống với con trai thứ tư, đến năm 2004 về quê thì con trai cả đã xây nhà hai tầng khang trang. Thấy vậy tôi cũng mừng trong lòng. Tôi chỉ xin con cho mẹ một mẩu đất nhỏ để mẹ xây nhà an dưỡng tuổi già nhưng nó không chịu. Tôi chẳng biết nó làm sổ đỏ tên nó từ bao giờ. Nó đánh đuổi tôi ra khỏi nhà, bảo nhà đất của nó thì không ai có quyền bén mảng tới mà xâm lấn”.

“Trước mẹ tôi chẳng có nhà cửa gì phải đi ở nhờ, rồi lấy bố tôi mới được bên nội cho đất đai. Sau khi bố mất thì mẹ nói miệng cho đất nên tôi mới xin cấp sổ đỏ. Khi tôi xây nhà, mẹ đã nhất trí. Giờ lại về bài binh bố trận đòi lại đất. Con cái tôi thì đông, tôi giữ nhà giữ đất là giữ cho con cái chứ giữ riêng gì cho mình. Với lại sau này mẹ tôi mất thì mảnh đất này để làm nơi thờ cúng bố mẹ, tổ tiên”.

Hai mẹ con ngồi hai đầu chiếc ghế dài trong phòng xử dành cho nguyên đơn, bị đơn. Giữa hai đầu chiếc ghế là một khoảng trống tưởng chừng sâu thăm thẳm. Bên trái phòng xử là con trai thứ hai và thứ tư của bà Hồi đến để bênh vực mẹ. Bên phải phòng xử là gia đình ông Hùng cùng đông đảo cháu, con, dâu, rể. Ông Hùng phát biểu xong vội vã quay lưng về phía mẹ, nhanh chân bước xuống hàng ghế phía dưới và bảo “thôi không thèm” khi hội đồng xét xử yêu cầu ông ngồi nguyên vị trí.

Bà Hồi ngồi lọt thỏm, chông chênh trên một đầu ghế. Bà nghếch đôi tai nghễnh ngãng lên nghe. Theo án sơ thẩm, 123m2 đất được chia làm đôi, bà một nửa, chồng một nửa nhưng ông mất hơn 20 năm không để lại di chúc nên phần 61,5m2 của ông, tòa tuyên cho người con cả được sở hữu. Phần đất 61,5m2 của bà Hồi trị giá 184,5 triệu đồng (giá đất theo hội đồng định giá huyện Thường Tín là 3 triệu đồng/m2), nhưng bà phải trừ ra một nửa (trên 92 triệu đồng) là tiền công sức duy trì tôn tạo, bảo quản... đất cho vợ chồng ông Hùng. Vì vợ chồng ông Hùng đã xây nhà cửa kiên cố, ngoại trừ miếng đất 13,5m2 nơi xây hai căn bếp nên tòa cắt 13,5m2 này ra chia cho bà Hồi. 13,5m2 này được tòa định giá trên 56 triệu đồng. Như vậy, ngoài 13,5m2 đất, bà Hồi chỉ được nhận thêm khoảng 36 triệu đồng.

Thế nhưng ông Hùng vẫn làm đơn kháng cáo nhất định không trả mẹ 13,5m2 đất. Hôm TAND huyện Thường Tín xét xử sơ thẩm, bà chủ tọa phiên tòa cho biết ông Hùng còn kéo mấy chục người bạn của mình đến trước cổng tòa la hét, chăng biểu ngữ “không được lấy đất của dân chia cho người khác” để gây sức ép cho tòa.

Bạc nhạt như nước ao bèo

Hội đồng xét xử phúc thẩm ngày hôm ấy tỏ sự gay gắt hơn thường lệ vì phải thường xuyên quát lớn để giữ trật tự phiên tòa. Vị thẩm phán thâm trầm bảo: “Chuyện nhỏ như cái móng tay mà cả gia đình phải kéo nhau ra tòa, anh em chẳng ra sao đánh nhau từ tòa sơ thẩm đến phúc thẩm. Với ông Hùng, đạo làm con lẽ ra phải chăm sóc mẹ lúc về già, đằng này chỉ có 13,5m2 đất cho mẹ thôi mà cũng kháng cáo đòi lại cho bằng được. Ai sinh ông ra, ai nuôi ông lớn? Ông đòi lại đất rồi có nghĩ tới việc mẹ già sẽ ở đâu hay không? Nếu cứ tiếp tục tranh chấp thế này thì gia đình ông sẽ còn tan nát, sẽ còn đổ máu”.

Cả phòng xử án lặng đi một lúc rồi lại ồn ào lên bởi ông Hùng cương quyết “đổ máu tôi cũng chịu miễn đòi lại được đất”. Hội đồng xét xử gợi ý gia đình ông Hùng nên quy đổi giá trị 13,5m2 đất thành tiền mặt để trả cho bà Hồi để bà muốn đi đâu thì đi, sống với ai thì sống. Tổng cộng bà Hồi chỉ được nhận hơn 76 triệu đồng. Bà Hồi lúc đầu nhất định chỉ đòi đất chứ không nhận tiền. Sau một lúc nghe tòa khuyên nhủ, bà bảo: “Tòa vạch đường lối cho tôi đi đâu thì tôi đi”.

Giấy cam kết bà Hồi nhận tiền thay nhận đất được viết. Nguyên đơn và bị đơn ký vào coi như không còn tranh chấp. Phiên tòa kết thúc, gia đình ông Hùng mỉm cười rời phòng xử án trước. Bà Hồi đi sau, chậm chạp bước từng bậc thang xuống sân tòa. Tóc bà bạc trắng, chiếc khăn buộc chặt ngang lưng và đôi dép tổ ong cũ mòn dưới chân trở nên nặng nề.

Tôi về Thường Tín thăm bà Hồi khi bà đang ở nhờ nhà người con thứ hai. Sau hôm ở tòa về, hàng xóm nhiều người tới thăm bảo bà dại quá. Giá 3 triệu đồng/m2 đất là giá định từ cách đây 3-4 năm, giờ đất có bèo bọt cũng hơn 15 triệu đồng/m2. 76 triệu đồng bà được trả chưa đủ để mua 5m2 đất chứ đừng nói gì đến việc xây nhà hay an dưỡng tuổi già.

Bà Hồi minh mẫn với những câu chuyện ngày xưa, khác hẳn với hình ảnh bà cụ run rẩy, lẩn thẩn mà tôi gặp trong phòng xử án. Câu chuyện đưa bà trở về những ngày bươn bả khắp nơi buôn gà vịt, trái cây, quần áo về kiếm tiền nuôi bảy đứa con, khi chồng mất bà 30 tuổi. Rằng vất vả là thế mà con cái phụ mình. Rằng bà giận con giận cháu, “giận cái thằng chết nửa đời kia”, rằng bà coi như con cái đã chết hết cả. Giận dữ rồi người mẹ 84 tuổi ấy lại dịu giọng bao dung: “Người ta bảo số tiền 76 triệu đồng không đủ mua rau muống ăn đến hết đời. Tôi biết vài ba chục triệu rồi sẽ ăn tiêu hết, tiền bạc bay nhanh như cơn gió, chỉ còn lại tuổi già cô quạnh. Mà mấy tháng nay tôi chẳng ăn uống, ngủ ngáy gì được cô ạ! Cứ nằm nghĩ nhằng nghĩ nhịt, nghĩ vớ nghĩ vẩn, nghĩ tới con chừng nào thì đau thắt ruột chừng ấy. Trước kia thằng Hùng nó hiền lành thương mẹ lắm, thế mà giờ...”.

Bà Hồi tiễn khách ra cổng. Cơn gió lạnh đầu đông ập đến, bà ngã dúi, ho sặc sụa, bước những bước chân liêu xiêu trở vào nhà. Vết thương ở chân bà bị chảy máu trong phòng xử án ngày hôm qua, hôm nay đã bầm đen, kéo váng khô nhưng không biết vết thương trong lòng người mẹ đang ở độ tuổi gần đất xa trời ấy bao giờ mới nguôi ngoai?

LS Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu):

Bản án hết sức bất thường

Đây là một vụ án tranh chấp tài sản giữa mẹ và con rất đau lòng. Vụ án này liên quan đến quan hệ hôn nhân gia đình và quan hệ thừa kế tài sản.

Tài sản của người chết để lại là di sản thừa kế. Nếu không có di chúc thì pháp luật phân chia di sản đó cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (vợ, con cái...) mỗi người một phần bằng nhau. Thời hạn phân chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế (ngày người có di sản để lại chết). Nếu quá thời hạn này mà không ai yêu cầu phân chia tài sản thì tài sản ấy thuộc về người chiếm giữ, quản lý hoặc được coi là tài sản chung chưa chia của tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Ở Việt Nam, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, việc lập sẵn di chúc chưa trở thành thói quen, phần vì tài sản để lại không lớn, phần vì truyền thống đạo lý người Việt nặng tình hơn nặng tài sản. Các gia đình thường tự ngầm hiểu tài sản nhà đất của cha mẹ sẽ cho ai, và ít khi có tranh chấp, nhưng một khi đã tranh chấp thì vô cùng khốc liệt, mất hết tình nghĩa, nhiều khi trở thành án mạng thương tâm mà phần thiệt thòi thường nghiêng về những bậc cha mẹ già yếu ít hiểu biết pháp luật, lại kém cả phần “ngoại giao” bên lề.

Ở vụ án này, di sản thừa kế chỉ là 1/2 giá trị nhà đất, 1/2 còn lại thuộc sở hữu riêng của bà Hồi, vì bà Hồi vẫn còn sống, không có chứng cứ bán hay tặng cho con trai là ông Hùng. Chồng bà Hồi chết năm 1980, bà Hồi vẫn sống trên nhà đất này, không ai tranh chấp di sản thừa kế, đương nhiên bà Hồi được sở hữu toàn bộ nhà đất. Việc tòa cấp sơ thẩm chỉ công nhận cho bà Hồi được sở hữu 1/2 giá trị nhà đất (61,5m2) đã thiệt thòi cho bà, lại còn buộc bà Hồi phải trả tiền công sức duy trì tôn tạo, bảo quản... đất cho vợ chồng ông Hùng là hết sức bất thường. Tòa sơ thẩm chỉ chia cho bà Hồi 13,5m2, cộng 36 triệu đồng đã làm bà thiệt thòi. Tại phiên tòa phúc thẩm, do không biết giá cả đất đai, bà Hồi lại đồng ý nhận 13,5m2 đất bằng tiền với giá chỉ 3 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường đắt hơn đến năm lần, lại thêm một thiệt thòi nữa.

Nếu bà Hồi và những người con khác của bà xét thấy bà bị thua thiệt, bất công thì họ có quyền làm đơn khiếu nại đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao xem xét để kháng nghị, nhằm xử lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên